NSƯT Trường Bắc: Khi giọng ca còn đầy nội lực, còn đắm say và khắc khoải...

Chia sẻ
(VOV5) - Những phút đứng trên sân khấu biểu diễn luôn có mãnh lực hấp dẫn, là những phút giây thăng hoa ắp đầy hạnh phúc mà anh chưa bao giờ quên...

NSƯT Trường Bắc hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Hiện tại không tham gia biểu diễn quá nhiều, nhưng những ai đã một lần nghe tiếng hát đầy nội lực của Trường Bắc thì khó có thể không nhớ. Tiếng hát giống như con người anh vậy, nhiệt thành, nồng nã. Trong tiếng hát có hình ảnh của chàng trai khỏe mạnh, bình dị, yêu con người, yêu cuộc sống. Trong tiếng hát có hình ảnh của quê hương làng xóm, tiếng sóng vỗ dạt dào, vị mằn mòi của biển, sự hào phóng của gió của nắng; có hình ảnh mái nhà thân yêu với dáng bà dáng mẹ, điệu hò khoan, nhịp tung chài. Đó là nơi bắt đầu, giống như dòng nước từ khởi nguồn chảy ra suối ra sông, nhập vào bể lớn… 

NSƯT Trường Bắc: Khi giọng ca còn đầy nội lực, còn đắm say và khắc khoải... - ảnh 1Nghệ sỹ ưu tú Trường Bắc

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Sinh ra và lớn lên ở Nga Sơn – Thanh Hóa, Trường Bắc được thừa hưởng cái nắng gắt gao, ngọn gió nhiệt thành nồng nã, cả vị mặn mòi của biển quê hương. Như bao bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ anh gắn bó cùng đất cùng nước, nao nức với những điệu hò dô khoan đầy phóng khoáng, câu hát chèo của bà nội, lời ru dịu dàng của mẹ mỗi đêm về. 18 tuổi, Trường Bắc thi đỗ trường sỹ quan đặc công. Trong môi trường rèn luyện khắc nghiệt ấy, tiếng hát Trường Bắc tỏa sáng, ngân vang. Và niềm khao khát theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp khởi nguồn từ đây.

Đam mê với âm nhạc, thời gian sau đó Trường Bắc theo học tại trường Nghệ thuật quân đội, và tiếp đó là Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia. Ra trường, anh đầu quân về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, từng bước rèn luyện phát triển giọng ca của mình, với niềm đam mê cùng miệt mài tuổi trẻ.

NSƯT Trường Bắc tâm sự: "Gia đình tôi không có ai theo nghệ thuật cả. Ông nội tôi bị hy sinh khi đang là du kích trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Bà nội tôi là người yêu nghệ thuật chứ không đi làm nghệ thuật. Bà tôi thuộc rất nhiều làn điệu chèo và hát chèo rát hay. Không hiểu sao trong không gian đó, ở vùng đất đó, bà lại hiểu và ngấm được những làn điệu chèo đó, để đi phục vụ bà con nông dân, cùng bà con vừa lao động vừa cất lên tiếng hát để không cảm thấy mệt mỏi, nhọc nhằn. Và từ những lời ru của bà, của mẹ, của bà con chòm xóm đã ngấm vào trong tôi một sự cảm nhận về âm nhạc dân gian".

Có thể nói, những bước đi trên con đường nghệ thuật của NSƯT Trường Bắc gắn bó sâu nặng với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Bởi thời điểm Trường Bắc đang còn là chàng sinh viên tỉnh lẻ đầy bỡ ngỡ, với gia tài là giọng hát và trái tim sôi nổi, những nghệ sỹ nổi tiếng của Nhà hát như NSND Trung Đức, NSND Thu Hiền, NSND Thái Bảo, NSND Quang Vinh, NSƯT Đức Long đã tận tình giúp đỡ, rèn cặp, để từng bước anh có được chỗ đứng như ngày hôm nay – Phó giám đốc Nhà hát với nhiệm vụ quản lý nghệ thuật, tổ chức biểu diễn.

NSƯT Trường Bắc: Khi giọng ca còn đầy nội lực, còn đắm say và khắc khoải... - ảnh 2

Những đêm diễn của nhà hát, những chương trình kỉ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện nghệ thuật thường cuốn lấy tâm trí Trường Bắc. Và anh hạnh phúc vì điều đó. Nhưng bên trong anh vẫn còn niềm khắc khoải. Bởi tình yêu anh dành cho âm nhạc luôn chảy rạo rực và bồi hồi trong huyết quản. Với một ca sỹ, những phút đứng trên sân khấu biểu diễn luôn có mãnh lực hấp dẫn, là những phút giây thăng hoa ắp đầy hạnh phúc mà anh chưa bao giờ quên, cũng như chưa bao giờ muốn quên.

Nhiều lần biểu diễn trên các khấu lớn cùng NSƯT Trường Bắc, ca sỹ Vương Long luôn nhận thấy ở người đồng nghiệp, người anh một năng lượng nghệ thuật tràn đầy, tươi mới: "NSƯT Trường Bắc là một chất giọng nam cao đầy nội lực, với quãng giọng rộng, có khả năng thể hiện thành công những trích đoạn nhạc kịch, những bản aria, những trường ca đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc cao, đồng thời thể hiện được nhiều trạng thái cảm xúc trong một bài hát".

Có nhiều người nói Trường Bắc được trời ban cho khối tài sản quý. Một ngoại hình sáng sân khấu. Một khả năng làm chủ sân khấu. Và đặc biệt là chất giọng đầy nội lực. Có thể buổi đầu, giọng hát ấy như viên ngọc chưa được mài dũa. Qua thời gian, qua sự khổ luyện, giọng hát càng trở nên sáng, đẹp, đầy đặn, vang ngân.

Từng bước tạo dấu ấn trên sâu khấu biểu diễn, nhưng mãi đến năm 2013, Trường Bắc mới thực hiện album riêng mang tên “Để nhớ một thời ta đã yêu”. Những ca khúc được anh đưa vào album này cũng ngầm bộc lộ với người yêu nhạc về một chất giọng đa dạng sắc thái biểu đạt, không chỉ sôi nổi với các ca khúc mang âm hưởng chính ca mà còn da diết trong những lời tình ca đầy nhung nhớ. “Để nhớ một thời ta đã yêu” giống như mạch trữ tình ngoại đề, cùng anh giãy bày lời tự sự với những người thân yêu, với tuổi trẻ, với cuộc đời. Bởi nhiều lý do bận mải, đây cũng là album duy nhất của anh, tính đến thời điểm này.

Nhưng thời gian không chờ đợi ai. Khi giọng ca còn đầy nội lực, còn đắm say và khắc khoải, hãy để nó được vang ngân trong lồng ngực, hãy khơi nguồn cho nó tuôn chảy - như ánh nắng, như làn nước, như cỏ cây xanh mát ngoài kia.

Anh chia sẻ: "Khi công việc của tôi tạm ổn, tôi xây dựng tấm thảm và tự tôi bước lên trên đó. Có nghĩa rằng tôi sẽ quay lại và hát, để trải lòng mình, đem tiếng hát phục vụ người yêu nhạc. Tôi có nhiều dự án – có thể là hát đơn ca, cũng có thể là hát cùng với nhóm anh em bạn bè của tôi nữa".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu