Những khúc ca dành tặng Thầy Cô

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Thầy cô giáo như những người lái đò, phải vượt qua bao nhiêu gian nan vất vả để đưa những con đò đến được bờ bên kia. 

Mỗi năm, gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lại là dịp các thế hệ học trờ từ khắp các phương trời hội tụ về, cùng trở về thăm thầy cô giáo, thăm lại mái trường xưa. Những áng văn đẹp, những giai điệu đầy cảm xúc cũng được viết dành tặng cho các thầy cô giáo - những người chèo đò đã đưa lớp lớp học sinh đến bến bờ của tri thức.

Những khúc ca dành tặng Thầy Cô - ảnh 1

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Ca khúc Người thầy năm xưa được nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác năm 2001,  và được giới học trò chuyền tay nhau theo năm tháng. Đây cũng là ca khúc đánh dấu sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Văn Chung. Nhạc sĩ nhớ lại, anh viết ca khúc này khi còn là một cậu sinh viên năm nhất, đúng vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Những cảm xúc dạt dào ùa đến, nên anh viết khá nhanh, chỉ trong một đêm là xong. Cho đến giờ, Người thầy năm xưa vẫn được chính các thầy cô giáo hát để tặng cho các thầy cô lớn tuổi của họ. Nguyễn Văn Chung chia sẻ, đối với anh, đó là niềm vui lớn nhất của một người nhạc sĩ.

Những khúc ca dành tặng Thầy Cô - ảnh 2

Tiến sĩ, nhà giáo Lê Thống Nhất - tác giả bài hát Khúc nhớ người thầy trường Vinh 

Cũng đầy ắp những tình cảm biết ơn, trân trọng đối với thầy cô và mái trường đã thắp lên và nuôi dưỡng những ước mơ của chàng trai xứ Nghệ, Tiến sĩ, nhà giáo Lê Thống Nhất đã viết bài hát Khúc nhớ người thầy trường Vinh để tri ân các thầy cô trường Đại học Vinh. Ấp ủ từ lâu, nhưng mãi đến đầu tháng 12/ 2015, cậu học trò xưa ấy mới hoàn thành ý định của mình.

"Nếu như trước đây, tôi chỉ được đọc, được nghe kể lại những câu chuyện về ông đồ xứ Nghệ thì từ khi 14 tuổi, trong suốt 28 năm vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp của các thầy cô trường Đại học Vinh đã ghi lại trong tôi nhiều ký ức, tình cảm đặc biệt. Hình ảnh các thầy cô tận tụy với học trò trong những năm tháng thiếu thốn mọi bề, chỉ mong học trò từng ngày lớn khôn, đã thắp trong tôi tấm gương mà tôi noi theo đến tận bây giờ. Sau khi xa trường Vinh 19 năm, vào dịp kỉ niệm 50 năm khoa Toán Đại học Vinh, những ký ức tình cảm đặc biệt ấy đã giúp tôi viết ca khúc này để tri ân các thầy cô chính bằng chất liệu dân ca của mảnh đất mà tôi đã gắn bó quãng đời đẹp nhất của mình. Nhân dịp này tôi xin chúc các thầy cô của tôi và các thầy cô trên mọi miền Tổ quốc luôn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc" - TS Lê Thống Nhất chia sẻ.

Nghề giáo như nghề chèo đò. Để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, "người đưa đò" phải cố gắng giữ làm sao cho đò được vững chắc. Suốt chặng đường ấy, họ phải vượt qua bao nhiêu gian nan vất vả để đưa những con đò đến được bờ bên kia. Đó cũng là những tâm sự mà nhạc sĩ Đậu Hoài Thanh đã gửi gắm trong ca khúc Người lái đò, để rồi đúng ngày Hiến chương năm nay, ca sĩ Huyền Trang đã thực hiện một MV như lời tri ân ý nghĩa gửi đến các thầy cô giáo của mình.

Đã rất nhiều ca khúc ngợi ca công lao trời biển của những người chèo lái con thuyền tri thức. Và nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn lại góp vào chủ đề này một cách nhìn riêng, đầy suy tư và trân trọng khi đề cập nỗi vất vả của một cô giáo có chồng là lính biển, khi “ngày lễ hiến chương năm nay anh lại không về/ thương nơi đó một mình em khuya sớm”.

Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn bộc bạch: "Tôi mong muốn nắm bắt được những khía cạnh khác nhau về cuộc sống của những người lính trên ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. Tâm tư tình cảm của người chiến sĩ nhớ về quê mẹ, của người hậu phương với người tiền phương, và đặc biệt là những ước mơ của họ trong muôn ngàn trùng khơi sóng vỗ"…

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu