Tháo gỡ những vướng mắc để các làng nghề phát triển

Phạm Hải /VOV TPHCM
Chia sẻ
(VOV5) -Các làng nghề không chỉ giải quyết công ăn việc làm khu vực nông thôn mà còn giữ gìn bản sắc của địa phương, đây cũng là thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ có 4 làng nghề được công nhận là: làng nghề Bánh tráng Thuận Hưng, làng nghề Đan lưới Thơm Rơm, làng nghề Hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ và làng nghề sản xuất bánh kẹo Ba Rích. Các làng nghề đã thu hút gần 1 ngàn hộ dân tham gia với trên 3 ngàn lao độn, với doanh thu mỗi năm hơn 100 tỷ đồng, góp phần cải thiện đời sống người lao động trên địa bàn tỉnh.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tháo gỡ những vướng mắc để các làng nghề phát triển - ảnh 1Nhiều người dân muốn tiếp cận nguồn vốn để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. 

Nhiều năm gắn bó với nghề lưới nhưng lúc nào ông Hồ Đắc Quý, Cơ sở đan lưới ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt luôn trăn trở làm sao để nghề đan lưới ở khu vực này phát triển và có chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ ổn định, từ đó cuộc sống của những công nhân không còn cảnh bấp bênh để họ  yên tâm, gắn bó với nghề hơn. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin thị trường và việc tiếp cận nguồn vốn khiến cho việc sản xuất, kinh doanh ở cơ sở của ông luôn gặp khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng luôn cần sự thay đổi về mẫu mã, chính vì thế sản phẩm làm ra chưa mang tính ổn định và bền vững.

Ông Hồ Đắc Quý trăn trở: Xuất hàng cũng nhờ nhà nước hỗ trợ thêm gì đó, ví dụ như là đăng ký nhãn hiệu, giấy phép đi đường để cơ sở đi giao hàng hóa cho thuận tiện.

Tháo gỡ những vướng mắc để các làng nghề phát triển - ảnh 2Cần phải có cơ chế chính sách hỗ trở để đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm. 

Mỗi năm làng nghề Hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ đưa ra thị trường vài trăm ngàn chậu hoa các loại, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu trên mảnh đất của mình. Chính vì nhu cầu của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, buộc các hộ dân phải thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao để tạo ra những sản phẩm đa dạng và có giá trị kinh tế cao.

Ông Đoàn Hữu Bốn, Phó Chủ nhiệm Làng nghề Hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ cho biết: Khi ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất cần nguồn chi phí rất lớn, từ đầu tư nhà kính, hệ thống phun, tưới tự động và khi đó người dân sẽ chủ động xử lý hoa theo ý muốn, không phải dựa quá nhiều vào điều kiện thời tiết như  trước đây. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các hộ dân đều gặp phải là chi phí để thực hiện, vì đa phần thu nhập của các hộ dân từ 5 đến 6 triệu đồng mỗi tháng trong khi chi phí đầu tư có thể lên tới vài trăm triệu.

Ông Đoàn Hữu Bốn kiến nghị: Nhà nước nên hỗ trợ một phần nào để làm cái nhà sản xuất theo công nghệ cao. Diện tích thu hẹo nhưng sản phẩm nhiều hơn, đạt chất lượng cao hơn, tốt hơn thì từ đó mới tồn tại được Hợp tác xã nói riêng và làng nghề nói chung.

Các làng nghề sau khi được công nhận sẽ có nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển theo Nghị định của Chính phủ và Quyết định của thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua việc tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, chưa tạo sự đột phá cho các làng nghề phát triển.

Ông Phạm Lạc Tiên, Phó Chủ tịch ủy ban Nhân dân phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt nhận xét về những khó khăn của làng nghề Đan lưới Thơm Rơm: "Hiện giờ cần là cái vốn, cái vốn hỗ trợ theo Nghị định của Chính phủ. Cái phần này hồi trước giờ là làng lưới vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn, bởi vì cái nguồn vốn này khi người ta tiếp cận được thì đặc biệt là vấn đề mua trang thiết bị.

Ông Đoàn Ngọc Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công, Sở Công thương thành phố Cần Thơ cho biết: Thành phố cũng đã quy hoạch để phát triển các làng nghề và đã có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển các làng nghề để tạo ra những sản phẩm đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ông Đoan Ngọc Hoàng Lâm, cho biết "Sẽ phối hợp với bên Chi cục Phát triển nông thôn giới thiệu sản phẩm của các làng nghề, trước tiên là tham gia các hội chợ trong và ngoài thành phố và xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó sẽ làm việc với các ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ mức tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề vay vốn để phát triển làng nghề ở địa phương của mình."

Các làng nghề không chỉ giải quyết công ăn việc làm khu vực nông thôn mà còn giữ gìn bản sắc của địa phương, đây cũng là thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để người dân tiếp cận nguồn vốn, thay đổi công nghệ, liên kết để mở rộng diện tích, khi đó các làng nghề mới thực sự phát triển bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu