Nghề nuôi cá bỗng ở huyện Bảo Yên, Lào Cai

Mạnh Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Hiện nay, xã Lương Sơn có trên 20 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi cá bỗng được gần 1 ha.

Huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là vùng đất có nhiều đặc sản nổi tiếng. Thời gian qua, huyện đã tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, có tiềm năng phát triển thành hàng hóa giá trị kinh tế cao, trong đó có cá bỗng.

Nghề nuôi cá bỗng ở huyện Bảo Yên, Lào Cai - ảnh 1Dẫn nước về nuôi cá bỗng. Ảnh: VOV

 

Nghe âm thanh phóng sự:

 

Cá bỗng là loài bản địa sống trên sông Chảy, được coi là một loài cá vua. Từ vài chục năm nay, người dân ở khu vực Bảo Yên đã đem giống cá này từ sông Chảy về nhà nuôi. Theo người dân địa phương, những con cá bỗng được sống trong môi trường sạch có thể sống tới 50 năm và nặng ngót nghét 20kg. Đặc tính của cá bỗng là chỉ sinh trưởng được trong môi trường nước trong, nhiều oxy, đáy ao hồ không có bùn, do đó người nuôi phải dẫn nước sạch từ khe suối chảy vào ao và bơm nước từ cao chảy xuống tuần hoàn tạo nguồn oxy cho cá. Nuôi cá bỗng được xem là cách làm kinh tế phù hợp với nhiều nông dân, bởi thức ăn của loại cá này chủ yếu là các loại lá dễ kiếm, dễ trồng, phế phẩm trong nông nghiệp. Ông Hoàng Văn Đạt, ở thôn Pịt, xã Lương Sơn, cho biết: “Quy trình rất dễ nuôi chủ yếu cho ăn lá cây, lá sắn. Cá trắm bán 100 nghìn đồng/1kg, nhưng cá bỗng bán khác, Loại 2 cân thì bán 200.000 đồng/kg, loại 3 cân thì 300 nghìn đồng/kg. Chính quyền đầu tư, các cán bộ trong xã cũng đã vào kiểm tra nước, khảo sát ao nuôi, nên bà con cũng yên tâm đi theo quy trình nuôi được hướng dẫn”.   

Hiện nay, xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên triển khai thí điểm mô hình nuôi cá bỗng, thực hiện nhân giống tại chỗ để phát triển giống cá này. Chương trình do trung tâm giống thủy sản tỉnh phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Yên thực hiện. Những hộ gia đình nuôi cá bỗng vừa được hỗ trợ con giống, vừa được cán bộ trung tâm giống thủy sản trực tiếp hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật. Ông Hoàng Văn Chí, ở thôn Pịt, xã Lương Sơn, hộ gia đình đang tham gia nuôi cá bỗng, chia sẻ: “Tôi đăng ký tham gia dự án rồi được nhà nước đầu tư về giống. Theo dự án nhà nước đầu tư như này tôi cũng rất phấn khởi”.

Nghề nuôi cá bỗng ở huyện Bảo Yên, Lào Cai - ảnh 2Thức ăn chủ yếu từ cây cỏ, lá sắn. Ảnh: VOV

Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, cho biết: “2 năm qua, xã cũng xin ý kiến của huyện, rồi mời các cơ quan chức năng vào làm dự án. Hiện, đang triển khai một thời gian nữa, rồi đánh giá. Nuôi kiểu này nếu thấy phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu thị trường thì chúng tôi sẽ nhân rộng đại trà”.

Hiện nay, xã Lương Sơn có trên 20 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi cá bỗng được gần 1 ha. Nhiều gia đình ở huyện Bảo Yên đã mạnh dạn chuyển đổi ruộng nước kém hiệu quả sang đào ao, thả cá đặc sản. Theo thống kê, toàn huyện Bảo Yên có khoảng 300 hộ nuôi cá bỗng, tập trung nhiều nhất là tại xã Lương Sơn với 100 hộ nuôi, cung cấp khoảng 10 tấn cá mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, cho biết: “Địa phương xác định cá bỗng huyện Bảo Yên trở thành sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, cá bỗng rất kén về môi trường nước, để trở thành hàng hóa được chúng tôi cũng định hướng ở xã Lương Sơn, xã Phúc Khánh, lựa chọn những hộ nào gần nguồn nước sạch thì triển khai”.

Trong tương lai không xa, sản phẩm cá bỗng ở xã Lương Sơn sẽ được cấp chứng chỉ mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là nền tảng để huyện Bảo Yên nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời góp phần phát triển du lịch tại địa phương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu