Buôn Kuốp làm du lịch cộng đồng

H'Xíu
Chia sẻ
(VOV5) - Phát triển du lịch cộng đồng tại buôn Kuốp góp phần đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương, giúp chuyển đổi hình thức làm kinh tế, tạo sinh kế.

Cách thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, hơn 20km, buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người dân tộc Ê Đê và Mnông. Đây là buôn đầu tiên của huyện Krông Ana xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Đặc biệt, buôn Kuốp được chọn xây dựng buôn OCOP (Chương trình mỗi xã/phường 1 sản phẩm) du lịch đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.

Buôn Kuốp làm du lịch cộng đồng - ảnh 1Nhiều buôn làng ở Đắk Lắk đang dần hình thành các cụm sản phẩm, tạo điểm nhấn để thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm. Ảnh: VOV
Nghe âm thanh phóng sự:
 

Buôn Kuốp có vị trí đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển du lịch khi giao thông thuận lợi do toạ lạc trên cung đường từ thác Dray Nur đi thác Dray Sáp Thượng (còn gọi là thác Gia Long). Buôn hiện vẫn còn 50 ngôi nhà dài truyền thống. Đặc biệt, các hộ trong buôn vẫn giữ gìn nhiều nét đẹp văn hóa lâu đời, như: cồng chiêng, dân ca, múa xoang, nhạc cụ dân tộc, các nghề dệt thổ cẩm, ủ rượu cần. Cùng với đó, văn hóa ẩm thực cũng phong phú, đa dạng và hấp dẫn với nhiều món ăn, như: cơm lam, gà nướng, cá sông Sêrêpốk… Không chỉ vậy, trong buôn còn tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, như: lễ cúng bến nước, mừng lúa mới, bỏ mả... Nhận thấy tiềm năng của buôn Kuốp, từ năm ngoái, tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan môi trường để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Nhiều hộ gia đình trong buôn đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phục vụ khách du lịch, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, đi trải nghiệm thực tế học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh có thế mạnh về du lịch cộng đồng. Bà H Nó H Đơk, Trưởng buôn Kuốp, cho biết: “Dân làng dần dần sẽ thấy hiệu quả kinh tế từ làm du lịch, bởi vì người dân mà chỉ nghe là họ không tin. Phải nhìn thấy, rồi thấy được lợi nhuận của những nhà làm trước, dần dần, người ta sẽ học hỏi, làm theo”.

Bà H Lát Niê, người dân trong buôn, cho biết sau những bỡ ngỡ ban đầu, bà đang học hỏi thêm để tham gia làm du lịch cộng đồng: “Làm du lịch cộng đồng mình không biết bắt đầu từ đâu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho đi tham quan buôn Akŏ Dhông và ba tỉnh phía Bắc. Khi về, mình muốn làm, cho nên mình cùng mấy đứa cháu học hỏi, tìm hiểu thêm từ những người có kinh nghiệm rồi mình mới làm theo được”.

Sau một năm được hỗ trợ đầu tư một số hạng mục về cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan môi trường và tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng, đến tháng 3 năm nay, buôn Kuốp được công nhận là buôn du lịch cộng đồng của tỉnh. Bà H Nó H Đơk, Trưởng buôn Kuốp, cho biết buôn đã thành lập Ban Quản lý Du lịch cộng đồng và định hướng các hộ gia đình xây dựng sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hoá dân tộc: “Sau lễ công bố du lịch cộng đồng, trong buôn Kuốp nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng. Ít nhất 30-40% số nhà dài trong buôn sẽ để làm du lịch, giúp mô hình du lịch cộng đồng phát triển hơn nữa trong buôn”.

Buôn Kuốp làm du lịch cộng đồng - ảnh 2Mô hình "Phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa và nghề truyền thống" đang được thí điểm tại buôn Kuốp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VOV

Cùng với nguồn lực đầu tư của tỉnh Đắk Lắk, buôn Kuốp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt mô hình thí điểm “Phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa và nghề truyền thống” thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, thực hiện trong 3 năm, từ 2023 đến 2025. Điều này gợi mở thêm hướng đi để du lịch cộng đồng ở địa phương có thể nhanh chóng bắt nhịp với 2 buôn du lịch cộng đồng được công bố trước đó là Akŏ Dhông (thành phố Buôn Ma Thuột) và buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn).

Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, phát triển du lịch cộng đồng tại buôn Kuốp vừa góp phần đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương, giúp chuyển đổi hình thức làm kinh tế, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho cộng đồng tham gia vào các chuỗi du lịch. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con gắn với phát triển du lịch: “Trang thiết bị, mọi thứ trong nhà là người dân tự trang bị. Sắp tới, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch sẽ kiến nghị tỉnh nên có thêm nội dung hỗ trợ một phần trang thiết phục vụ du lịch; đồng thời, cùng bà con phát huy, bảo tồn văn hóa thông qua các hoạt động du lịch”.

Với những lợi thế sẵn có, buôn Kuốp đang tạo cho mình một hướng đi riêng, tạo điểm nhấn khác biệt để hấp dẫn, cuốn hút du khách... Từ đó thúc đẩy sự phát triển loại hình du lịch để chào đón du khách trong nước và quốc tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào các dân tộc ở trong buôn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu