Tinh hoa nghề chạm bạc làng Đồng Xâm

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Thế hệ nối tiếp thế hệ, kỹ nghệ làng nghề Đồng Xâm không ngừng được hoàn thiện, sản phẩm làng nghề Đồng Xâm đã được công nhận là thương hiệu quốc gia.

Cùng với phố Hàng Bạc, làng Định Công (Hà Nội), làng Đồng Xâm (Thái Bình) là 3 địa danh nổi tiếng ở Việt Nam có nghề chạm bạc truyền thống. Làng Ðồng Xâm có tên cũ là làng Ðường Thâm, ngày nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Nghề chạm bạc ở ngôi làng này đã có bề dày lịch sử hàng trăm năm.

Tinh hoa nghề chạm bạc làng Đồng Xâm - ảnh 1

Sản phẩm chạm bạc của làng Đồng Xâm

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nghề chạm bạc ở làng Đồng Xâm có từ thế kỷ 15. Dân gian tương truyền, có một người đàn ông từ Châu Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng ngày nay) đi thuyền xuôi dòng, dừng bên bờ sông Trà Lý rồi truyền nghề chạm kim khí cho dân làng. Còn theo văn bia tại đền thờ tổ nghề chạm bạc trong làng, vào năm 1428, cụ Nguyễn Kim Lâu là người về đây truyền nghề cho dân làng.

Buổi đầu dân làng Đồng Xâm làm nghề hàn đồng, gò thùng chậu, đánh dao kéo, chữa khóa, làm quai và vòi ấm tích, điếu bát..., về sau mới làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc, đồng. Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề là các nghệ nhân từ Đồng Xâm tỏa ra 4 phương, mang tinh hoa nghề chạm bạc đến khắp mọi miền đất nước. Vào thời Nguyễn, chính các nghệ nhân Đồng Xâm vào tận cố đô Huế để chạm trổ cung đình, chế tác đồ trang sức cho triều đình. Cũng chính họ cùng các thợ bạc ở Châu Khê, Định Công lập ra phố Hàng Bạc ở Hà Nội ngày nay. Hiện nay, làng Đồng Xâm có khoảng 150 cơ sở sản xuất với trên 4.000 lao động, doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Tinh hoa nghề chạm bạc làng Đồng Xâm - ảnh 2

Các sản phẩm chạm bạc, đồng của làng Đồng Xâm

Anh Hoàng Văn Cường, một người dân trong làng Đồng Xâm, kể: “Làng nghề Đồng Xâm đã có lịch sử khoảng 600 năm. Ngày xưa làng thường chạm bạc bán cho vua chúa, quan lại và thương nhân nước ngoài. Các sản phẩm phong phú, đa dạng, như đồ trang sức, đồ thờ cúng, hàng lưu niệm. Đồ thờ cúng thường có bát hương, lư hương, đồ trang sức là những túi sách, nhẫn, vòng, đồ mỹ nghệ thường là tranh ảnh, hay hình ảnh bông Sen, tháp Rùa, chùa Một Cột… Ngày nay, làng nghề có các đại lý phân phối khắp cả nước, nhất là ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Làng nghề chủ yếu sản xuất theo các đơn đặt hàng, hoặc xuất khẩu, làm đồ kỷ niệm ngoại giao”.

Nghề chạm bạc là nghề công phu, tỉ mỉ, chính xác hoàn hảo, đòi hỏi trình độ tay nghề người thợ rất cao. Hàng chạm bạc Ðồng Xâm khác hẳn và nổi trội so với hàng bạc của các nơi khác ở các kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm phong phú, đa dạng, tinh vi ở thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Nghệ nhân Lê Thanh ở làng Đồng Xâm cho biết: "Công đoạn nghề có 10 công đoạn khác nhau nhưng công đoạn chính là trơn, đậu và chạm. Trơn có nghĩa là cắt xẻ nguyên liệu, đấu là hàn các chi tiết, thành các hình khối theo yêu cầu của sản phẩm, đậu là có nghĩa là chạm những họa tiết hoa văn. Chạm là kỹ thuật khó nhất, sản phẩm tinh xảo hay không là do chạm. Nét tinh hoa nhất của làng nghề Đồng Xâm là thúc nổi các họa tiết, hoa văn được làm bằng tay, rất sắc nét và tinh xảo. Làng nghề một số tỉnh, thành khác cũng thúc nổi nhưng tay nghề họ chưa cao nên độ nổi, độ sắc nét không có. Hoặc họ không làm được bằng tay mà họ dập khuôn, nên không đẹp, giá trị như làm bằng tay”.

Tinh hoa nghề chạm bạc làng Đồng Xâm - ảnh 3

Nghệ nhân Lê Thanh chụp ảnh lưu niệm bên gian hàng giới thiệu sản phẩm của mình tại hội chợ làng nghề ở Hà Nội

Cùng với sản phẩm bạc tinh xảo, những năm gần đây, làng Đồng Xâm còn nổi tiếng với các sản phẩm chạm đồng có chất lượng cao, đa dạng mẫu mã, được thị trường ưa chuộng. Trong Chương trình hỗ trợ phát triển “Tài sản trí tuệ Việt” năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ làng nghề Đồng Xâm thực hiện dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề chạm bạc Đồng Xâm”. Nghệ nhân Lê Thanh cho biết thêm: “Trong 3 chất liệu kim loại quý như vàng, bạc, đồng làm chất liệu nào cũng có những cái khó riêng của nó nhưng với nghệ nhân Đồng Xâm đều có thể làm được trên mọi chất liệu và đều đảm bảo được tính mỹ thuật và kỹ thuật. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, làng nghề Đồng Xâm làm ra 2 tác phẩm lớn là tác phẩm Đoan Môn và tác phẩm Vua Lý Công Uẩn dời đô. Bản thân tôi cũng có tác phẩm “Hoa Sen Chùa Một Cột” được dùng làm quà tặng ngoại giao nhân chuyến thăm Myamar của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng”.

Nhờ có nghề chạm bạc mà cuộc sống dân làng Đồng Xâm ngày càng sung túc. Để tưởng nhớ công lao của ông tổ nghề - cụ Nguyễn Kim Lâu, dân làng lập đền thờ ông và gọi là Đền Đồng Xâm. Hàng năm, lễ hội đền Đồng Xâm được tổ chức trong 5 ngày từ  1 - 5/4 âm lịch. Thế hệ nối tiếp thế hệ, kỹ nghệ làng nghề Đồng Xâm không ngừng được hoàn thiện, sản phẩm làng nghề Đồng Xâm đã được công nhận là thương hiệu quốc gia.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu