Sản phẩm gốm bàu Trúc. Ảnh: Ái Nghiêm - Hanipha/VOV |
Dân tộc Chăm ở Việt Nam hiện có khoảng 160.000 người, sống tập trung ở vùng duyên hải miền Trung và Nam Bộ là các tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang… Dù sống ở đâu, bà con vẫn luôn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo, qua các làng nghề thủ công truyền thống.
Hiện nay, đồng bào Chăm ở Nam Bộ còn 9 làng nghề, trong đó, có 4 làng nghề truyền thống với hai nghề thủ công nổi tiếng là nghề làm gốm và dệt thổ cẩm. Có làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được thế giới biết đến như làng gốm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận), làng gốm Bình Đức (tỉnh Bình Thuận), làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (tỉnh Ninh Thuận), làng nghề dệt lụa Tân Châu (tỉnh An Giang). Nghề làm gốm cổ truyền ở làng gốm Bàu Trúc đang được đệ trình hồ sơ lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Đại diện Hiệp hội làng nghề Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Làng nghề Chăm có đặc điểm là giữ được bản sắc dân tộc nhưng phải đi theo xu hướng của thị trường cho nên hai vấn đề đó tạo ra mẫu thuẫn phải giải quyết. Tuy là thủ công nhưng có công đoạn cũng cần máy móc để sản phẩm tinh xảo hơn. Đối với sản phẩm truyền thống, giữ bản sắc văn hóa của vùng miền, của đất nước cần có chính sách hỗ trợ ngắn, hỗ trợ dài, như hỗ trợ giá để sản phảm bán ra có lãi cho người sản xuất.”
Khung dệt máy tại làng Chăm Mỹ Nghiệp. - Ảnh: Ái Nghiêm và Hanipha/VOV |
Khó khăn hiện nay là các làng nghề thủ công dân tộc Chăm sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình; khả năng tiếp thị sản phẩm và giới thiệu làng nghề còn hạn chế và thiếu chuyên nghiệp; chất lượng một số sản phẩm chưa cao, mẫu mã chưa phong phú nên sản phẩm khó tiêu thụ. Trước thực trạng đó, một số làng nghề dân tộc Chăm đã thành lập hợp tác xã, hình thành mô hình kinh doanh khép kín sản xuất đến tiêu thụ nhằm tạo sự liên kết, tăng sức cạnh tranh. Các làng nghề cũng sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới mẫu mã. Đặc biệt, các cơ quan quản lý chức năng Nhà nước cần có một chính sách đặc biệt đối với các nghệ nhân, thợ giỏi để khuyến khích họ lao động, sáng tác.
Tiến sĩ Phú Văn Hẳn, Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, cho rằng: Theo tôi, việc bảo tồn làng nghề, đặc biệt là làng nghề truyền thống gắn với văn hóa dân tộc lâu đời như nghề dệt và làm gốm Chăm. Chúng ta phải suy nghĩ đến các biện pháp, giải pháp để bảo tồn. Đừng để đến lúc các làng nghề này mai một khỏi đời sống rồi luyến tiếc sẽ không bao giờ tìm lại được.”
Để bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống Chăm trong thời gian tới, cũng rất cần giải pháp đẩy mạnh kết nối du lịch với làng nghề. Ông Hồ Sĩ Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên làm công tác quảng bá cho các làng nghề thông qua website du lịch, đồng thời Sở cũng kết nối cho công ty lữ hành… Còn về phía làng nghề cũng phải có sản phẩm hài lòng khách du lịch, tổ chức các hoạt động văn nghệ phục vụ du khách.”
Giải pháp quan trọng khác là thay đổi phương thức đào tạo nghề truyền thống hiện nay. Bà Say Mah, nghệ nhân dệt thổ cẩm Châu Giang, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, cho biết: ““Nghệ nhân chúng tôi phải khuyến khích, vun đắp, làm cho con cháu hiểu được tính nghệ thuật, tính văn hóa dân tộc. Phải có thời gian để làm nghề thành thạo, chuyên nghiệp thì mới phát huy được nghề. Người nghệ nhân biết ai có thể đào tạo, truyền nghề để sau này phát huy được.”
Để tạo điều kiện cho các làng nghề dân tộc Chăm duy trì và phát triển, thời gian qua, Trung ương và các địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, quảng bá sản phẩm… Kết hợp hỗ trợ từ Trung ương tới địa phương, nghề thủ công truyền thống của dân tộc Chăm mới có thể duy trì và phát triển bền vững được.