Năm 2020 đang dần trôi về những ngày cuối cùng và đây là thời điểm nhân loại cùng nhìn lại những con số và kỷ lục đáng báo động liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp hệ sinh thái toàn cầu và cuộc sống ở mọi quốc gia, buộc thế giới phải khẩn trương thúc đẩy hợp tác cứu Trái Đất.
Rác thải nhựa trong đại dương đang ở mức báo động. - Ảnh: AFP/TTXVN |
“Hòa bình với thiên nhiên" là hành động cần được ưu tiên trong thế kỷ 21, bởi không có "vaccine" nào cho hành tinh. Đây là thông điệp được Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi nhân dịp Liên hợp quốc công bố Báo cáo Thực trạng khí hậu toàn cầu năm 2020 hôm 3/12 vừa qua.
Những con số đáng báo động
Báo cáo Thực trạng khí hậu toàn cầu năm 2020 khẳng định năm 2020 đang trở thành một trong ba năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái đất. Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 tới tháng 10 năm nay cao hơn 1,2 độ C so với nền nhiệt giai đoạn 1850-1900. Cũng trong năm 2020, thế giới ghi nhận nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và mưa bão, trong khi nhiệt độ nước biển ghi nhận các mức cao kỷ lục.
Cùng với đó, hệ sinh thái toàn cầu đang đứng trước tình trạng báo động với việc hơn 1 triệu loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, diện tích các hoang mạc đang mở rộng, trong khi các đầm lầy lại dần biến mất. Mỗi năm, thế giới cũng mất đi khoảng 10 triệu ha rừng. Nghiêm trọng hơn, tình trạng ô nhiễm không khí và nước đang khiến 9 triệu người tử vong mỗi năm. Chỉ tính riêng trong năm 2019, các thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu đã khiến thế giới thiệt hại 150 tỷ USD. Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu do tạp chí y học danh tiếng The Lancet mới công bố, biến đổi khí hậu sẽ khiến các đại dịch xuất hiện nhiều hơn trong tương lai và trên thực tế, hiện nay tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều đang phải đối mặt với những hiểm họa y tế ngày càng gia tăng cả về quy mô và cấp độ do biến đổi khí hậu gây ra. Điển hình là trong vòng 2 thập kỷ qua, số ca tử vong do thời tiết ở người cao tuổi tăng 54%, trong đó chỉ riêng năm 2018 đã có gần 300.000 người trên toàn thế giới thiệt mạng vì nắng nóng.
Các phương tiện di chuyển gần một khu vực xảy ra cháy rừng ở bang California (Mỹ) vào tháng 8-2020. - Ảnh: Getty Images |
Trước tình hình đáng báo động nói trên, Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia phải hành động quyết liệt để chấm dứt thực trạng Trái đất đang bị tàn phá và quan trọng hơn là mỗi người dân trên toàn hành tinh phải ngừng “gây chiến” với thiên nhiên. Trong bối cảnh đó, năm 2021 sẽ là cơ hội để con người ngừng lạm dụng tài nguyên thiên nhiên và thay vào đó phải khởi động tiến trình “hàn gắn” và bảo vệ Trái đất. Để làm được điều đó, Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia tuân thủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết đạt mức phát thải bằng 0 và tài trợ cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thế giới chung tay hành động
Hội nghị kỷ niệm 5 năm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu diễn ra vào ngày 12/12 tới, dự kiến sẽ đề ra lộ trình mới hướng tới mục tiêu này. Hội nghị mang tên "Climate Ambition" (Tham vọng về khí hậu) do Chính phủ Anh cùng Liên hợp quốc đồng tổ chức. Trước thềm hội nghị, Chính phủ Anh tuyên bố nước này đặt mục tiêu cắt giảm 2/3 lượng khí thải trong thập kỷ này, mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính 68% so với mức của năm 1990, hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050.
Tháng trước, Thủ tướng Boris Johnson cũng đã công bố kế hoạch về "một cuộc cách mạng công nghiệp xanh", trong đó khẳng định sẽ tạo ra và hỗ trợ 250.000 việc làm. Kế hoạch này bao gồm cấm bán các loại xe mới chạy bằng xăng và dầu diesel, tăng gấp 4 lần năng lượng gió ngoài khơi và mở rộng năng lực sản xuất hydrogen trong một thập kỷ tới. Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cam kết hướng tới trung hòa khí carbon.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính thực thi theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (tháng 12/2015), mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết. Để nhiệt độ trái đất ở ngưỡng an toàn (đến giai đoạn 2060-2070 tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp), lượng khí thải CO2 phải giảm 7,6% mỗi năm trong vòng 10 năm tới.
Rõ ràng, với các tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu thời gian qua, các quốc gia buộc phải hành động. Hơn bao giờ hết, vấn đề cấp thiết đặt ra là các quốc gia trên thế giới cần thể hiện hơn nữa vai trò trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để có thể bảo đảm cho tương lai của Hiệp định Paris và xa hơn là sự an toàn của Trái Đất.