Các tổ chức Liên Hợp Quốc luôn đồng hành cùng Việt Nam trong khó khăn

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Những hỗ trợ của các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đang giúp miền Trung đẩy nhanh quá trình phục hồi, nâng cao năng lực ứng phó rủi ro liên quan đến BĐKH.

Sau khi đánh giá tình hình thiệt hại mà thiên tai gây ra liên tiếp đối với các tỉnh miền Trung, các tổ chức Liên hợp quốc(LHQ) như UNDP, ADB, UNICEF, WB, UNESCO.. đã triển khai nhiều đợt cứu trợ khẩn cấp và những hỗ trợ thiết thực nhất dành cho người dân bị ảnh hưởng. Những hỗ trợ quý báu của bạn bè, đối tác quốc tế đang giúp miền Trung đẩy nhanh quá trình phục hồi, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu trong tương lai.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Từ đầu tháng 10 vừa qua, ngay sau khi các trận bão mạnh dồn dập xảy đến với 6 tỉnh miền Trung, các tổ chức của Liên hợp quốc khẩn trương triển khai những đợt cứu trợ nhân đạo khẩn cấp, huy động mọi nguồn lực, khảo sát tình hình để có những đánh giá khách quan nhất về tác động của thiên tai đối với người dân khu vực miền Trung.

Chia sẻ những khó khăn với Việ Nam, điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra cho biết: “Chúng tôi nhận thấy, các tỉnh miền Trung vừa qua phải hứng chịu liên tiếp các đợt thiên tai do bão, lụt, lở đất lũ quét. Thiệt hại về người và của và sinh kế là vô cùng nặng nề. Thiên tai cũng sẽ để lại những di chứng hậu quả lâu dài thời gian tới và ảnh hưởng thế hệ tiếp sau. Theo đề nghi trợ giúp, các tổ chức LHQ và quốc tế khác đã khẩn trương huy động mọi nguồn lực có thể  hỗ trợ chính phủ Việt Nam cứu trợ thiên tai. Tính chung từ hơn 6 tháng qua, tổng tiền mà các tổ chức có được khoảng 40 triệu đôla.”

Các tổ chức Liên Hợp Quốc luôn đồng hành cùng Việt Nam trong khó khăn   - ảnh 1 Cuộc họp giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam với các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam về công tác ủng hộ Miền Trung tài thiết phục hồi sau thiên tai- Ảnh Hà Linh

Đánh giá cao nỗ lực và khả năng ứng phó với thiên tai của Việt Nam, đặc biệt là tinh thần "tương thân tương ái" của người dân cả nước, giữa lúc Việt Nam đang nỗ lực chống dịch Covid-19, ông Kamal Malhotra khẳng định LHQ sẽ tiếp tục đồng hành, góp phần giúp người dân miền Trung khôi phục sản xuất, sinh kế, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ cho nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai và nâng cao năng lực ứng phó với rủi ro.

Sau mỗi chuyến khảo sát trực tiếp tới từng hộ gia đình ở Quảng Bình, Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Trị, Huế, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) đã có báo cáo đầy đủ về nhu cầu tái thiết phục hồi cho các tỉnh miền Trung.

Theo ông Keiju Mitsuhashi, Phó Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam, dựa vào khả năng phục hồi của từng tỉnh, ADB sẽ có cơ chế hỗ trợ hợp lý: “ADB sẽ triển khai linh hoạt các giải pháp hỗ trợ phù hợp với yêu cầu của chính phủ Viêt Nam, đặc biệt trong việc giải ngân khoản tiền 2,5 triệu đôla viện trợ không hoàn lại cho nỗ lực tái thiết phục hồi các tỉnh miển Trung, tiếp đó là xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cũng như tăng cường khả năng chống chịu thiên tai. Đây là cách tiếp cận của chúng tôi hướng tới mục tiêu dài hạn. Về nỗ lực tái thiết trung hạn, trong 24 tháng tới, cùng với sự phối hợp với các cơ quan hữu quan Việt Nam, ADB thu hút thêm các đối tác phát triển tham gia trình tái thiết cho miền Trung”.

Các tổ chức Liên Hợp Quốc luôn đồng hành cùng Việt Nam trong khó khăn   - ảnh 2Bộ NN&PTNT và ADB đang phối hợp xem xét đề xuất Chính phủ phê duyệt một khoản vay hỗ trợ khẩn cấp để sửa chữa và xây dựng lại các cơ sở hạ tầng bị thiệt hại do bão lũ ở miền Trung. Ảnh: Tienphong.vn 

Ngoài những tác động rõ ràng có thể đo đếm và lượng hoá được, thiên tai còn để lại nhiều tác động lâu dài về kinh tế, xã hội, sức khoẻ, tâm lý của người dân, đe doạ sinh kế, khả năng tiếp cận các điều kiện cơ bản cuộc sống, đặc biệt là ở cộng đồng nghèo, các nhóm người dễ bị tổn thương nhất…Bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, vừa qua, tổ chức này đã huy động hàng trăm nghìn đôla hỗ trợ khẩn cấp về nước sạch,  môi trường, y tế, dinh dưỡng và giáo dục cho các địa phương miền Trung: Từ quan sát của chúng tôi, một trong vấn đề cấp thiết nhất là người dân phải có nước sạch và nguồn nước sinh hoạt hàng ngày. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi nó đảm bảo sức khỏe của người dân trong thiên tai. Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp thiết bị lọc nước cầm tay, thiết bị vệ sinh cho người dân miền Trung. Chúng tôi cũng coi trọng vấn đề dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ em, phụ nữ mang thai".

Còn theo đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) thì điểm nhấn trong hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới với Bộ NN & PPNT Việt Nam năm nay là việc WB giải ngân 1,6 triệu đôla hỗ trợ miền Trung: “Kế hoạch hỗ trợ phục hồi sản xuất, khôi phục sinh kế cho người dân miền Trung sẽ được WB tiếp tục ưu tiên triển khai. Từ hơn chục năm nay, WB đã cung cấp hàng triệu đôla cho miền Trung ứng phó với bão. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, chúng ta cần hỗ trợ người dân ngăn chặn dịch bệnh, suy dinh dưỡng, khôi phục sinh kế. Với tinh thần đó, WB trong trung hạn là sẽ hỗ trợ tài chính cho Việt Nam xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, công nghệ dự báo thời tiết và khoản tài chính dành cho trồng Rừng, xây nhà tránh trú cộng đồng. Tuy nhiên, những nỗ lực này luôn cần có cơ chế phối hợp tốt với các cơ quan ban ngành của Việt Nam”.

Các tổ chức Liên Hợp Quốc luôn đồng hành cùng Việt Nam trong khó khăn   - ảnh 3Nhà an toàn chống chịu bão, lụt do UNDP hỗ trợ

Đánh giá hiệu của chương trình xây dựng 3.200 ngôi nhà an toàn trong 2 năm vừa qua đối với việc đảm bảo an toàn của người dân trong bão lũ; bà Caitlin Wiesen, Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với Quỹ Khí hậu xanh và ADB triển khai các chương trình tương tự tại Việt Nam với nguồn vốn khoảng 30 triệu đôla để nhân rộng những mô hình nhà an toàn có khả năng chống chịu bão, lụt ở Việt Nam.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo sẽ cung cấp thêm thiết bị y tế, thuốc thang cho người dân phòng tránh các bệnh truyền nhiễm sau này. Tổ chức nhân đạo World Vision Việt Nam cũng cam kết phân bổ 1,2 triệu đôla cho Chương trình Ứng phó khẩn cấp và Phục hồi sớm sau thiên tai, còn UNESCO cho biết sẽ hỗ trợ việc tu sửa những công trình di sản bị hư hại do thiên tai.

Cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của các tổ chức LHQ dành cho Chính phủ và người dân Việt Nam, đặc biệt trong đợt bão lũ miền Trung gần đây, Thứ trưởng ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, cần có đánh giá tổng thể và cách tiếp cận dài hạn cũng như cơ chế phối hợp, trao đổi thường xuyên, hiệu quả giữa LHQ các đối tác phát triển và các Bộ ngành hữu quan của Việt Nam, qua đó đưa ra các khuyến nghị để đảm bảo vừa phục hồi nhanh, vừa bền vững, lâu dài và bao trùm, làm sao mọi người dân đều được quan tâm, hỗ trợ, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu