Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các đại biểu quốc hội khẳng định bức tranh kinh tế đất nước từ đầu năm đến nay có nhiều tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, để kinh tế tăng trưởng bền vững, ổn định, cần nhìn nhận rõ những thách thức để từ đó có các giải pháp phù hợp, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế năm nay và tạo đà cho những năm tiếp theo.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn |
Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ ở trong nước, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao là 6 - 6,5%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.
Đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Việt Nam nổi lên nhiều điểm sáng, như: chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số Chính phủ điện tử tăng 15, đặc biệt chỉ số an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc, đứng thứ 17/194 quốc gia. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng Việt Nam vẫn còn đối mặt với những thách thức để thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội.
Bà Đặng Bích Ngọc, đại biểu quốc hội tỉnh Hòa Bình. Ảnh: quochoi.vn |
Bà Đặng Bích Ngọc, đại biểu quốc hội tỉnh Hòa Bình, cho rằng phải thẳng thắn nhìn nhận những rào cản về thể chế: "Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương."
Ông Trình Lam Sinh, đại biểu quốc hội tỉnh An Giang. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chính phủ trong năm 2025, trong đó có giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, ông Trình Lam Sinh, đại biểu quốc hội tỉnh An Giang, kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, có các giải pháp đồng bộ, tạo sự đột phá để tạo động lực khích lệ doanh nghiệp trong nước, doanh nhân khởi nghiệp: "Xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt tỷ trọng cao cho thấy các doanh nghiệp của khu vực này đang làm ăn rất tốt, trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước. Điều này thể hiện qua việc nhiều tập đoàn lớn đến nghiên cứu và cam kết đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo... Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn."
Xác định rõ động lực tăng trưởng
Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế, nhiều đại biểu bày tỏ sự ấn tượng khi Chính phủ đã xác định rõ định hướng xanh cho nền kinh tế, là cơ hội đột phá và là hướng đi cho Việt Nam.
Bà Lê Đào An Xuân, đại biểu quốc hội tỉnh Phú Yên. Ảnh: quochoi.vn |
Trên cơ sở khẳng định tăng trưởng xanh là xu hướng của tương lai, bà Lê Đào An Xuân, đại biểu quốc hội tỉnh Phú Yên, đề xuất: "Phát huy vai trò tiên phong dẫn dắt của Nhà nước trong chuyển đổi xanh thông qua các quy định về mua sắm công xanh. Tôi kiến nghị cần sớm ban hành các quy định này trong năm 2025 trước mắt ưu tiên xây dựng quy định về tỷ lệ chi tiêu cho mua sắm công xanh trong tổng chi mua sắm công, ưu tiên triển khai cho một nhóm sản phẩm công xanh như là tỷ lệ bắt buộc, thúc đẩy tiêu dùng xanh ngay ở quy mô địa phương."
Bà Trần Thị Vân, đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: quochoi.vn |
Các đại biểu cũng đề xuất Chính phủ bên cạnh tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới, như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Bà Trần Thị Vân, đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh, nêu rõ: "Tôi nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ. Trong đó, có việc ưu tiên làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Để góp phần thực hiện hiệu quả giải pháp này, tôi đề nghị cần xác định rõ một trong ba đột phá chiến lược đóng vai trò chìa khóa của sự phát triển, thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, đó chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và kinh tế tri thức. Đây là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn dân số vàng."
Theo các đại biểu, việc Chính phủ tiếp tục rà soát, nhận diện chính xác, đầy đủ các điểm nghẽn để giải quyết, xử lý kịp thời, triệt để, xác định rõ các động lực tăng trưởng những tháng còn lại năm 2024 và cả năm 2025 là yếu tố quan trọng để Việt Nam đạt và vượt các mục tiêu Quốc hội giao, đưa kinh tế phát triển bền vững.