Phát triển văn hóa, con người để tăng sức mạnh nội sinh của đất nước

Thủy Tiên
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng hệ giá trị văn hoá, con người trong thời kỳ mới nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc.

Thấm nhuần tư tưởng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến phát triển văn hóa, con người. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng hệ giá trị văn hoá, con người trong thời kỳ mới nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử, tiến sỹ Ngô Vương Anh: "Nói đến phát triển văn hóa cũng chính là nói đến việc phát triển con người. Cụ thể là phát triển nguồn lực con người là những chủ thể sẽ sản sinh ra văn hóa". Ý kiến này cho thấy có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng giữa phát triển con người và phát triển văn hóa. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, một thành tố quan trọng được nêu ra chính là xây dựng được hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới. Sứ mệnh của văn hóa là soi đường quốc dân đi. Văn hóa còn, thì dân tộc còn.

Phát triển văn hóa, con người để tăng sức mạnh nội sinh của đất nước - ảnh 1Ông Nguyễn Toàn Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển,
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Ảnh: tapchixaydung.vn

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: "Chúng ta phải nhớ rằng để có được văn hóa, chúng ta phải giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, chúng ta phải hiểu được dân tộc chúng ta là một dân tộc có truyền thống văn hiến, chúng ta có tinh thần khoan dung văn hóa. Chúng ta mở lòng với bạn bè quốc tế, chúng ta giao lưu hội nhập với thế giới, chúng ta khiêm tốn học hỏi những tinh hoa giá trị của loài người để làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Chúng ta phải có một nền giáo dục ưu tú, phải kết hợp dạy chữ và dạy người, không phải chỉ là dạy tri thức khoa học mà phải học làm người trước đã". 

Điểm mấu chốt của phát triển văn hóa là xây dựng con người có văn hóa, biết quý trọng lịch sử, hiểu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu, có niềm tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên. Phó Giáo sư Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa giáo dục của Quốc hội khóa XV, cho rằng xây dựng hệ giá trị văn hóa vừa phải dựa trên nền tảng là những giá trị truyền thống, văn hóa và con người Việt Nam đã được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử, vừa phải gắn với yêu cầu phát triển, hội nhập, bảo vể Tổ quốc ngày nay. Đặc biệt, hệ giá trị văn hóa cần đề cao giá trị dân chủ và giá trị sáng tạo của người dân.

Theo ông Bùi Hoài Sơn: "Phát triển văn hóa cần dựa vào cái quyền văn hóa của người dân, quyền hưởng thụ sáng tạo và tôn trọng sự đa dạng trong thưởng thức của người dân. Tất cả cho chúng ta một mục tiêu là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với việc hoàn thiện thị trường văn hóa. Tất cả những câu chuyện này thể hiện xu hướng chúng ta quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực văn hóa và cách thức mà chúng ta sẽ phát triển văn hóa trong thời gian sắp tới. Nó vừa tôn trọng, vừa phát huy tính đa dạng vốn có của văn hóa Việt Nam và từ sự đa dạng, phong phú đó, chúng ta tạo ra sức mạnh cho đất nước trong thời gian sắp tới".

Trong xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam ở thời đại mới, một yêu cầu đặt ra là phải gắn với xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật – trong đó con người chính là chủ thể sáng tạo, là công cụ tinh tế để truyền đạt, cảm hóa, lan tỏa và làm sâu sắc những giá trị văn hóa dân tộc. Những năm qua, lĩnh vực này luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm với mong muốn văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển lành mạnh, văn nghệ sĩ sáng tạo được nhiều tác phẩm hay, có giá trị, có ích cho dân, cho đất nước. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc được bảo tồn và phát huy giá trị.

Phát triển văn hóa, con người để tăng sức mạnh nội sinh của đất nước - ảnh 2Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ
thuật Quốc gia Việt Nam - Ảnh: Lan Phạm

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho rằng: "Điều mong mỏi là làm sao Nhà nước quan tâm đến các nghệ nhân và quan tâm đến việc thực hành, bảo tồn các các câu lạc bộ trình diễn. Để bảo vệ nó, không chỉ là chính sách mà chúng ta cần kinh tế, cần phải có những công việc thiết thực, chẳng hạn như hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ nhân già yếu không có công ăn việc làm, hỗ trợ về tài chính nhưng mà còn phải hỗ trợ về việc truyền dạy thực hành. Cái quan trọng nhất là chúng ta cũng cần hỗ trợ nghệ nhân trẻ, những người có khả năng thực hành, trao truyền, phải hỗ trợ họ trong việc thực hành và trình diễn".

Tại hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11 năm ngoái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu 4 thành tố quan trọng gồm Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Các cấp, các ngành của Việt Nam đã và đang nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, đồng thời nêu ra nhiều giải pháp xây dựng các thành tố này. Qua đó làm tỏa sáng hơn nữa quan điểm “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và “văn hóa còn, thì dân tộc còn”, phát huy các giá trị văn hóa, con người Việt Nam, tạo thành sức mạnh nội sinh để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu