Nhà thơ Nguyễn Trác: thơ góp cho đời một mùi hương

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) -  Nguyễn Trác nghĩ về thơ nhẹ nhàng như thế, nên luôn lưu ý kiếm tìm mùi hương ấy.

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Thành Tuấn:

“Gió vẫn trên đường” là nhan đề tập thơ của nhà thơ Nguyễn Trác, cũng là nhan đề một bài thơ với hình ảnh của hai nhân vật chính: Người phụ nữ lao công và người thương binh bị hỏng mắt. Tiếng chổi tre và tiếng gậy tre trên đường gắn với mưu sinh hàng ngày của họ.

Kết bài thơ, tác giả viết:

“Những buổi sớm lặng đầy

những buổi trưa vang động

tiếng chổi tre vẫn quét trên đường

tiếng gậy tre vẫn gõ trên đường

và tôi nghe gió vẫn trên đường

vô thủy vô chung…”.

Gió vẫn trên đường” là âm thanh của thực tại đang diễn ra, đồng thời thể hiện trạng thái của tác giả luôn lắng nghe và thấu hiểu những điều “vô thủy vô chung” trong thế giới này.

Nhà thơ Nguyễn Trác: thơ góp cho đời một mùi hương - ảnh 1Nhà thơ Nguyễn Trác

Nửa thế kỷ làm thơ cũng là nửa thế kỷ ông lặng lẽ đồng hành cùng đất nước, nhân dân, với tiếng thơ nghiêng về biểu đạt những góc nhìn và tâm trạng cá nhân trong mối liên hệ với cộng đồng, với những chuyển biến của đời sống xã hội.

Tiếng thơ ấy mang dấu ấn của một thế hệ đã xác lập và theo đuổi các giá trị, hệ thẩm mỹ – tư tưởng của thời đại, một thời đại, như câu thơ Tố Hữu “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai.” 

Thế nên, với người đọc quan tâm tới những hình thức biểu đạt tân kỳ, đương đại thì đừng cố tìm kiếm những dấu ấn ấy trong thơ Nguyễn Trác. Mỗi thế hệ có một quan niệm, một hệ quy chiếu riêng. Huống chi những người như Nguyễn Trác không mấy quan tâm, hay chính xác hơn là không cố gắng để tỏ ra tân kỳ, lạ hóa. Ông chỉ cố gắng biểu đạt lòng mình, hồn mình, nhịp điệu nội tâm mình trong những bối cảnh riêng – chung khác nhau. “Thơ góp cho đời một mùi hương” – ông nghĩ về thơ nhẹ nhàng như thế.

Ngay từ tập thơ “Từ Đà Nẵng”, Nguyễn Trác đã lưu ý kiếm tìm mùi hương ấy. Đến tập “Thành phố những ngôi sao biển”, những kiếm tìm rõ nét hơn, vững về thi tứ và hình tượng. Giọng điệu trong “Thành phố những ngôi sao biển” cũng vấn vương ở các tập thơ sau này của ông, nhẹ nhàng, thư thả, gợi mở ngẫm suy qua những trải nghiệm cá nhân khi được nhập vào dòng chảy cuộc sống lao động và nghệ thuật ở quanh mình.

Nhà thơ Nguyễn Trác: thơ góp cho đời một mùi hương - ảnh 2Hai tập thơ Nguyễn Trác.

Nguyễn Trác thuộc thế hệ sinh ra, lớn lên trong những năm đất nước khó khăn, loạn lạc, bước vào đời với lý tưởng phụng sự, dâng hiến. Vậy nên, dù thơ ông không mang đậm dấu ấn chiến tranh và hậu chiến, nhưng không bao giờ ông quên những kỉ niệm chiến trường, những tháng năm lao khổ.

Kí ức vẫn trở về lặng lẽ và đau thắt khi soi chiếu với hiện thực, một hiện thực đất nước thời mở cửa với rất nhiều giá trị bị bung vỡ trong khi những giá trị mới chưa được xác lập vững vàng; lối sống hưởng thụ, chạy đua theo danh vọng vật chất khiến không ít người trở nên thực dụng, ích kỷ, lãng quên quá khứ. Vốn điềm đạm, hòa nhã cả trong đời lẫn trong thơ, song có lần Nguyễn Trác đã lên tiếng “Giải thích”:

“Cơm không đủ no

người tình không son phấn

chúng tôi lớn lên

cùng bom đạn Trường Sơn

niềm kiêu hãnh chạy dọc lưng Đất nước

chảy dọc thời thanh niên

mười chín đôi mươi trời xanh góa bụa

mười chín đôi mươi già như Lịch sử”.

Ông nhấn mạnh:

“Không ai có quyền vòi vĩnh gì Quá khứ”.

Ông xót xa:

“Nhưng hãy để chúng tôi

được một lần gục đầu vào Quá khứ

như gục đầu vào lòng mẹ ngày xưa

và khóc”.

“Chúng tôi không còn quỹ thời gian nào khác/ để nói về cuộc sống hôm nay/… chúng tôi không còn một trái tim nào khác/ ngoài trái tim từng đập ở Trường Sơn”. Dẫu viết vậy, nhưng với một người luôn đặt lòng tin vào những điều tốt đẹp thì cũng không thể đứng ngoài hiện tại. Thế nên gió vẫn trên đường.

Thế nên mới chất vấn chính mình: “Nhưng chả lẽ không ngượng với cá hồi/ Không thẹn trước Nguyễn Thái Học/ Không xấu hổ vì lá biếc/ Quanh hồ Gươm đêm nay gió lạnh bao người”. Và ông chọn một thái độ trung dung dẫu có bất an, thỏa thuận với cuộc sống, chấp nhận những đổi thay mang tính quy luật của xã hội buổi giao thời. Ông ghi lại khoảnh khắc “ngộ” ra ấy khi đang ngắm nhìn “Liễu biếc”:

“Cuộc sống luôn đi trước những lo toan /Đi trước các nhà thơ/ Đi trước cả các nhà chính trị/ Thế hệ chúng ta vốn dễ bằng lòng và giản dị/ Nhưng hôm nay kìa liễu biếc bên hồ”.

***

Có lẽ, may mắn nhất đời Nguyễn Trác là ông không phải lao vào chuyện cơm áo, hay đúng ra là tạng người như ông không biết làm kinh tế. Tiếp xúc với ông, thấy ông lúc nào cũng điềm đạm nhỏ nhẹ và rất mực tình cảm, chu đáo. Nhà có một cậu con trai, nên ông thương quý, chăm lo sâu sát cả khi con đã lập gia đình.

Những đứa cháu nội đem đến sự ấm áp cho tuổi già của vợ chồng ông. Vài năm nay, vì sức khỏe yếu nên ông ít ra ngoài, nhưng vẫn quan tâm đến đời sống thơ, và hào phóng lời khen trước những ý thơ hay. Về phần Nguyễn Trác, càng kiệm lời, ông càng có những bức tranh thơ đẹp. Đây là nét phác thảo ông già ngồi vẽ gốm gọi về cả trăm năm ký ức:

“Lọ gốm dựng nghiêng nghiêng

Chiều nghiêng nghiêng tre trúc

Khúc tỳ bà kỹ nữ

Bay nghiêng trong lòng thuyền

Tóc bạc nghiêng nghiêng đổ

Xuống một thời hoa niên”.         (bài thơ Chiều Chu Đậu)

Nhạc và họa trong thơ Nguyễn Trác luôn hài hòa, gặp nhau trong những nét chạm nhẹ và thanh thoát, đặc biệt trong những sáng tác gắn với bối cảnh lịch sử, nghệ thuật, văn hóa. Đây là bức tượng vũ nữ Trà Kiệu được ông tái hiện bằng ngôn từ:

“Không thể có thực đâu

Dáng uốn cong của đôi tay vũ nữ

Không có thực

Cả đôi chân kia nữa

Cả tấm thân mang hình ngọn lửa

Cùng mơ hồ phi lý đến ngây thơ…”.

Trong giới văn chương hiện nay có nhiều nhà thơ, nhà văn cầm cọ. Có người về hưu cũng quay sang khám phá năng lực hội họa. Nguyễn Trác có lẽ chưa từng nảy ý tưởng mua cọ mua toan. Nhưng trong thơ ông ắp đầy hình khối và màu sắc, những bức tranh ngôn từ với bố cục vững, thanh thoát, có chiều sâu. Có bức tranh kiệm về hình ảnh mà vời vợi không gian, tâm trạng:

“Một người với chiếc ô hoa

Ngồi che cho một người xa cuối trời”.

(Bây giờ em đã về chưa)

Có bức như ảnh hưởng của trường phái hội họa lập thể:

“Bạn ngồi uống cà phê với sóng

Cô chủ quán như con cá trắng

Và mặt trời loài tảo lang thang

Người bán kem trên cát

Trẻ con như một đàn cá đỏ”.

(Một góc phố biển)

Nguyễn Trác có bài thơ “Mái nhà dưới bóng cây” viết cho con:

“Mái nhà dưới bóng cây

Cây dưới trời trong vắt

Trời xanh đêm và ngày”.

Thơ ca cũng là mái nhà thứ hai của ông. Mái nhà ấy nếu chúng ta ghé vào lúc mưa lúc nắng, lúc nhỡ độ đường sẽ được gặp ông chủ nhà ân cần niềm nở, luôn muốn chắt chiu dành tặng cuộc đời những câu thơ mang năng lượng bình an!   

Nhà thơ Nguyễn Trác sinh năm 1945, quê quán làng Nôm, Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên, sinh trưởng tại Hà Nội, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn. Ông từng là giáo viên dạy Toán, cựu chiến binh chiến trường B. Các tập thơ đã xuất bản của ông như: “Thành phố những ngôi sao biển” (1987), “Ở cuối dòng sông” (1991), “Chiếc thuyền đêm” (1995), “Sau tách cà phê” (2000), “Những giấc chiêm bao của cây” (2010), “Hoa trạng nguyên” (2015), “Gió vẫn trên đường” (2019)… 

Feedback