Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:
Đã hơn 3 năm nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm rời xa dương thế. Nhắc tới nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhiều người nghĩ ngay tới những bài thơ đã làm nên tên tuổi ông như “Chiếc lá đầu tiên”, “Sông Thương tóc dài”, “Viên xúc xắc mùa thu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”…. Và cũng đồng thời hiện lên trong tâm trí hình ảnh nhà thơ đọc thơ trên sân khấu, một giọng đọc thơ sống trọn vẹn với những tác phẩm của mình. Chừng ấy ấn tượng vẫn còn rõ nét dù nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đi xa, thật xa.
Thời gian, bụi phủ, bao ước mơ, dự cảm, vẫn tiếc thương thay một Hoàng Nhuận Cầm với nỗi niềm, khao khát: “Ai trong chúng ta cũng có lúc buồn, muốn chết/ Vì Tình Yêu Cuộc Sống tràn đầy/ Nếu phải chết cho tôi xin được chọn/ Cái chết nào/ Lập tức/ Phục Sinh ngay!”.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đọc thơ trong buổi tưởng nhớ nhân 3 năm ngày mất của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. |
Rất nhiều đồng nghiệp, nhà thơ, nhà văn, những người bạn, người em đã kể tên và đọc những sáng tác ấn tượng của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong buổi tưởng nhớ nhân 3 năm ngày mất của ông do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức, trong một ngày tháng 5. Mỗi người có một cảm nhận và kỷ niệm thân thương với nhà thơ.
Nhà phê bình văn học Vũ Nho cũng ghi nhớ thơ Hoàng Nhuận Cầm qua những dấu ấn. Theo ông, “Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ tài năng với những sáng tác ấn tượng như “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, “Sông Thương tóc dài”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến. Và đặc biệt Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ của mình mới là hay và độc đáo, như là lên đồng”. Có thể nói phong cách Hoàng Nhuận Cầm là sự cộng hưởng giữa chất thơ và phong cách đọc thơ không lẫn vào bất kỳ tác giả nào.
Chính vì chất thơ dạt dào, tuôn chảy, trong trẻo và tràn đầy sức sống, ước vọng, thơ Hoàng Nhuận Cầm gắn với tuổi trẻ của nhiều người, và không ít người trong số đó sau này thành danh trong thơ ca. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai là một trong số đó. Bà chia sẻ: “Tôi mê thơ Hoàng Nhuận Cầm từ thời sinh viên. Có những bài thơ của ông mà tôi thích như bài “Cùng với buổi chiều nay”, “Viên xúc xắc mùa thu”…Đặc biệt là bài “Chiếc lá đầu tiên” với những câu thơ rất thông minh mà gần gũi. Trong buổi tưởng nhớ nhân 3 năm ngày mất của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà thơ Nguyễn Thị Mai cũng đã thể hiện lại bài thơ trong sự xúc động của những người tham dự.
Sinh thời, tác giả bài thơ “Chiếc lá đầu tiên” gắn bó và nhiệt thành tham gia, góp sức trong nhiều hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội. Tình yêu với Hà Nội là một cảm xúc trở đi trở lại trong thơ Hoàng Nhuận Cầm khi mới đặt bút trong sáng tác và mãi sau này. Một nhà thơ dáng vóc nhỏ bé nhưng nội lực trong con người ông, trong thơ ông truyền dẫn tới các đồng nghiệp, những người yêu thơ.
Những giá trị trong bản sắc con người và sáng tạo của Hoàng Nhuận Cầm đọng mãi trong tâm trí nhà thơ Nguyễn Thị Mai. Bà nhớ mãi lần cuối cùng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tới hội trường của Hội Nhà văn Hà Nội, lên tiếng kêu gọi các hội viên viết về Hà Nội để tập hợp in thành một tập thơ về thủ đô. Cái nhìn trong trẻo về Hà Nội của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã lan tỏa tới các bạn đồng nghiệp. Cách đọc thơ say đắm, quên mình, như lên đồng của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng để lại ấn tượng sâu sắc với nhà thơ Nguyễn Thị Mai về một hành trình tự phát sáng trong sáng tạo thơ ca.
“Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến/ Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi/ Còn sót lại trên bàn bông cúc tím/ Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi…”. Những câu thơ giản dị mà để nhớ mãi trong lòng người yêu thơ. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thì cho rằng bài “Xúc xắc mùa thu” và bài thơ lục bát “Một mai” tiêu biểu cho thi pháp thơ Hoàng Nhuận Cầm. Phong vị, âm nhạc tâm hồn, những bài thơ của ông, của ông trong sáng tác đã được hàng vạn độc giả yêu mến. Sau ba năm nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nằm xuống, thơ ông vẫn còn lại, vẫn còn vang lên trong tâm cảm người đọc, trong ký ức bạn bè: "Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ tài hoa, một nhà thơ giàu bản sắc Hà Nội nhất trong số chúng ta - nhà thơ viết ra Hà Nội và là một nhà thơ giàu phẩm chất thi sĩ nhất trong số các nhà thơ Việt Nam."
Nhà thơ tài hoa, giàu bản sắc Hà Nội, giàu phẩm chất thi sĩ - Hoàng Nhuận Cầm đã đi xa, thật xa nhưng dáng vẻ tất bật, nhiệt huyết ấm nóng với thơ ca và đặc biệt là những sáng tác ghi dấu một tài năng độc đáo, những “tháng ngày thủy tinh” thì vẫn còn mãi đó giữa cuộc đời.