Nghe âm thanh bài tại đây:
Bắt đầu các suất chiếu sớm từ ngày 25, 26-10 và chính thức khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 28-10, “Ngày xưa có một chuyện tình” gắn nhãn T16 được kỳ vọng là một trong những gương mặt sáng giá của Điện ảnh Việt trong quý IV năm nay.Đây cũng là phim dài Việt Nam duy nhất tranh giải ở Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 7.
Đây là một trong số những phim được chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, và đều có những hiệu ứng nhất định.
Bộ ba nhân vật Vinh - Phúc - Miền trong phim Ngày xưa có một chuyện tình. |
Chuyển thể từ truyện dài “Ngày xưa có một chuyện tình” của Nguyễn Nhật Ánh, bộ phim của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh kể câu chuyện tình yêu tay ba giữa ba người bạn thân thiết, trưởng thành bên nhau. Thanh xuân mở ra cho họ những cơ hội, những kỳ vọng, đồng thời cũng buộc họ phải lựa chọn trước những ngã rẽ cuộc đời.
Nhẹ nhàng, khắc khoải, rung động và man mác buồn, man mác niềm tiếc nuối – đó là cảm xúc của nhiều khán giả khi những thanh âm cuối cùng của phim khép lại. Chất thơ, chất truyện hòa quện trong từng khung hình mang vẻ đẹp trong trẻo thuần khiết. Tuổi thơ, gia đình, tình bạn, tình yêu, cái được và cái mất… đó luôn là những kỉ niệm, những câu chuyện không mới song cũng chưa bao giờ cũ, gợi mở ký ức, niềm tin và hy vọng.
Trịnh Đình Lê Minh là gương mặt đạo diễn 8X được biết đến qua các phim điện ảnh Thưa mẹ con đi (2019) và Bằng chứng vô hình (2020). Với Bằng chứng vô hình, Trịnh Đình Lê Minh đoạt giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” LHP Việt Nam lần thứ XXII. “Ngày xưa có một chuyện tình” là bộ phim điện ảnh thứ ba của anh.
Qua các suất chiếu, Ngày xưa có một chuyện tình tạo được sức hấp dẫn nhất định đối với người xem. Hình ảnh và âm thanh được đầu tư, kịch bản chặt chẽ, diễn xuất đồng đều, chuyển tải được tinh thần của tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh. Song nếu đòi hỏi một sự bùng nổ, cao trào, hay một cú twist thì không có. Lựa chọn an toàn có lẽ cũng là một cách giải quyết của đạo diễn khi trung thành với nguyên tác.
Bắt đầu từ 2015, đến nay điện ảnh nước nhà đã có 5 phim truyện được sản xuất từ nguyên tác của Nguyễn Nhật Ánh – một tên tuổi ăn khách của dòng văn học dành cho tuổi mới lớn. Đó là các phim: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015), “Cô gái đến từ hôm qua” (2017), “Mắt biếc” (2019). Ngày xưa có một chuyện tình là tác phẩm thứ 4. Dự kiến trong tháng 12 tới, phim điện ảnh “Kính vạn hoa” (Đạo diễn Võ Thanh Hòa) cũng “đổ bộ” rạp chiếu Toàn quốc.
Cảnh trong phim Mắt biếc. |
Doanh thu từ các phim: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Mắt biếc” đều đạt và vượt kỳ vọng, đem lại lợi nhuận lớn cho nhà sản xuất và nhà phát hành. Bên cạnh đó là nhiều giải thưởng điện ảnh cùng những dấu ấn khác về du lịch, thương mại. Một số gương mặt diễn viên trẻ cũng được phát hiện từ đây.
Vì thế, có nhiều lý do để kỳ vọng vào “Ngày xưa có một chuyện tình” và “Kính vạn hoa” tới đây, cũng như có nhiều lý do để nhà sản xuất lựa chọn tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ở góc nhìn đơn giản nhất, đó là sự lựa chọn an toàn và có lãi.
Nổi tiếng từ thập niên 90 của thế kỷ trước, đến nay truyện của Nguyễn Nhật Ánh vẫn là thương hiệu best seller, thu hút các đối tượng độc giả. Những độc giả ở thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái cũng là đối tượng của các phim truyện điện ảnh.
Nhiều người trong số họ sẽ chờ đón ngày phim ra rạp, và hiệu ứng từ những “review” có tính chất truyền miệng, tính cộng đồng và tính gia đình như thế sẽ làm tăng độ “hot” cho tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết, tác phẩm của ông được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích bởi sự trong sáng, giàu rung động.
Văn học và điện ảnh là hai loại hình nghệ thuật khác nhau, với ngôn ngữ thể hiện khác nhau. Phim hay hơn hoặc không hay bằng truyện được bàn luận rôm rả. Phiên bản phim giống hay không giống với cốt truyện tạo sự tò mò, đòi người xem khám phá.
Sự lựa chọn các tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh để chuyển thể thành phim nằm trong một dự án lớn mà các nhà làm phim gọi là “Vũ trụ điện ảnh Nguyễn Nhật Ánh. Sự lựa chọn này cũng cho thấy điện ảnh nước ta đang thiếu những kịch bản giàu tính văn học, có chiều sâu phát triển tâm lý và tính cách nhân vật, đặc biệt lại có khả năng hướng tới thị trường. Thất bại của nhiều phim chiếu rạp gần đây là một minh chứng.
Tác phẩm Nguyễn Nhật Anh luôn nhẹ nhàng, giàu chất thơ, chất hoài niệm. Diễn biến truyện đơn giản, dễ theo dõi. Đây cũng là một trong những yếu tố thu hút khán giả đương đại vốn đang mệt mỏi trong vòng quay của công việc, của tốc độ sống gấp gáp. Vì thế, đến rạp để thư giãn cùng những câu chuyện ý nhị về tình bạn, tình yêu, sống lại tuổi thơ bên gia đình và quê hương, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên qua những góc quay đẹp là một ý tưởng không tồi.
Sự thành công của thương hiệu Nguyễn Nhật Ánh từ truyện tới phim cho thấy tiềm năng phát triển, sự gắn bó giữa văn học và điện ảnh. Đây còn là câu chuyện của công nghiệp văn hóa, với sự vào cuộc của ngành du lịch, dịch vụ và các sản phẩm phái sinh khác.
Chúng ta không thiếu tác phẩm văn học có khả năng chuyển thể thành phim. Nhưng từng lựa chọn như thế nào, phù hợp với mục đích nghệ thuật hay thương mại? Đây là điều cũng cần phải tính đến, trong bối cảnh điện ảnh nước nhà đang phát triển về bề rộng nhưng rất thiếu bề sâu.