Truyện kinh dị thuần Việt Từ bản địa tới toàn cầu: Kỳ 2: Chinh phục độc giả bằng chất Việt

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Trong địa bàn của văn học dịch như thể loại kinh dị, các tác giả Việt đã tìm tòi để tạo ra dấu ấn riêng. 

Việc khai thác tính bản địa đã đem đến cho các tác giả theo đuổi thể loại kinh dị thuần Việt cơ hội tiếp cận người đọc, tạo ra dấu mốc cho sự nghiệp sáng tác của mình.

Ma mị, bí ẩn và lôi cuốn… - đó là những từ khóa thường thấy khi nhắc đến thể loại kinh dị. Được coi là dòng sách bán chạy – “cần câu cơm” của nhiều đơn vị xuất bản nhưng suốt một thời gian dài, thể loại này cũng khiến nhiều người ngần ngại, nhất là với các sáng tác thuần Việt.
Truyện kinh dị thuần Việt Từ bản địa tới toàn cầu: Kỳ 2: Chinh phục độc giả bằng chất Việt - ảnh 1

Theo TS. Lư Thị Thanh Lê, định kiến về “mê tín dị đoan” là một rào cản khiến kinh dị thuần Việt khó mà có được sự phát triển như ở một số quốc gia khác như Nhật Bản hay Thái Lan: “Có một thời kỳ, các câu chuyện về tâm linh, kinh dị dường như hạn chế phát triển do quan niệm về bài trừ mê tín dị đoan, hạn chế những niềm tin tâm linh mù quáng. Trong những năm gần đây, có sự trở lại của các tác phẩm văn chương kinh dị, một phần có lẽ là nhờ giao lưu văn hóa toàn cầu.

Các dòng sách đang được phổ biến trên thế giới hoặc trong khu vực, thậm chí sự ảnh hưởng của phim ảnh, kể cả phim ảnh Hollywood hoặc là phim ảnh của các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc… đã tạo ra tâm lý sẵn sàng cho người xem hoặc người đọc. Từ đó, xuất hiện một cộng đồng viết liên quan, sẵn sàng cho việc sáng tạo ra những tác phẩm tương tự mang màu sắc Việt Nam.”

Cũng chính vì lí do này, nhiều tác giả viết kinh dị đã chọn cách xuất hiện qua các trang mạng xã hội, các kênh Youtube… trước khi ra mắt sách in. Là chủ nhân của kênh Đất Đồng Radio – Truyện ma Nguyễn Huy với hơn 700 nghìn lượt theo dõi, chuyên đăng tải các sáng tác kinh dị thuần Việt, Youtuber Nguyễn Huy cho rằng tiềm lực của thể loại này luôn đi kèm với khó khăn: “Nếu xét trong khuôn khổ của văn hóa tâm linh Á Đông thì tuy văn hóa nước Việt ta lâu đời nhưng cộng đồng sáng tác truyện tâm linh ở nước ta chỉ mới bước đầu được quan tâm. Chúng ta chưa có nhiều quy chuẩn ổn định để những cây viết mới tham gia có thể hướng tới. Sau đó, lại thiếu những dấu mốc để họ có thể khẳng định thành tích, danh vọng. Ví dụ như chưa có nhiều cuộc thi có tính công nhận cao, những giải thưởng hoặc cột mốc mà các tác giả có thể tham gia và khẳng định bản thân.

Các tác phẩm khi được các kênh Youtube mua tác quyền và sản xuất trên kênh để phục vụ cho đại chúng thì đó có thể coi là một cột mốc đầu tiên trong quá trình tham gia sáng tác của các cây viết, sau đó mong đợi được các nhà phát hành sách chú ý tới và gửi lời mời tham gia xuất bản, rồi xa hơn nữa là sẽ trở thành kịch bản cho các nhà làm phim.”

Dẫu vậy, cũng phải thừa nhận rằng sự xuất hiện của các tác giả như Phan Cuồng, Trương Thanh Thùy… và thế hệ tác giả sau này như Thục Linh, Thảo Trang, Trường Lê, Diệp Lâm Khánh, Minh Nguyệt Vô Ưu… đã đem đến một làn gió mới cho giới xuất bản trong nước.

Theo nhà thơ Đặng Thiên Sơn, Phó Ban Văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội, đây là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện đại: “Khi mà con người ta càng hiện đại, càng phát triển bao nhiêu thì càng muốn tìm tòi, càng muốn đi vào khám phá thế giới ma mị, huyền bí bấy nhiêu. Vì vậy mà dòng chảy của văn học kinh dị thuần Việt chắc chắn trong tương lai sẽ còn phát triển. Nó không chỉ dừng lại ở những tác giả mà chúng ta đang thấy mà sẽ còn nhiều tác giả, đặc biệt là thế hệ trẻ. Họ sẽ say mê hơn với dòng văn học này. Bởi vì thế giới hiện thực đối với những nhà văn hiện tại bây giờ thì họ không còn hứng thú nhiều mà họ muốn tìm vào những thế giới mà chưa được giải mã, hoặc còn nhiều trăn trở trong đó.”

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, trong địa bàn của văn học dịch như thể loại kinh dị, các tác giả Việt đã tìm tòi để tạo ra dấu ấn riêng. Bởi nếu viết quá giống phương Tây hoặc Trung Quốc, họ khó lòng cạnh tranh với các tác phẩm dịch. Việc khai thác tính bản địa từ kho tàng văn hóa nước nhà hoặc những sự kiện lịch sử diễn ra ở Việt Nam là con đường được nhiều cây bút lựa chọn.

Truyện kinh dị thuần Việt Từ bản địa tới toàn cầu: Kỳ 2: Chinh phục độc giả bằng chất Việt - ảnh 2Tác giả trẻ Thục Linh

Tác giả Thục Linh, người khai thác rất thành công yếu tố lịch sử, văn hóa Việt trong “Tứ trấn huyền linh”, bộc bạch: “Đối với tôi, đề tài tâm linh, xét ngữ lịch sử và văn hóa dân tộc luôn là một đề tài mang đầy tính thách thức. Đề tài lịch sử văn hóa luôn rất kén người đọc, nhưng là một người con đất Việt thì tôi tự nhận thấy mình cần phải có trách nhiệm lưu giữ và truyền tải những giá trị văn hóa cổ truyền và những trang lịch sử hào hùng của dân tộc rộng rãi hơn đối với bạn đọc.

Mỗi tác phẩm khi viết tôi đều có sự đầu tư nghiên cứu tài liệu kỹ càng. Chẳng hạn như trong tác phẩm “Tứ trấn huyền linh”, tôi đã đưa vào những sự kiện lịch sử nổi bật của bốn triều đại Việt Nam: Đinh, Lý, Trần, Lê giúp bạn đọc có thể tiếp cận những kiến thức lịch sử một cách tự nhiên mà không bị khô khan hoặc là trong tác phẩm “Khế ước bán dâu”, tôi cũng phải nghiên cứu về văn hóa, nề nếp sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Việt xưa để xây dựng một bối cảnh chân thực và chuẩn xác nhất.”

Với Thảo Trang, tác giả của “Tết ở làng Địa Ngục” và “Ngủ cùng người chết”, đây cũng là một lựa chọn cần nhiều nỗ lực: “Mình khẳng định với các bạn là mình đọc tạp chí nước ngoài, đọc tin tức nước ngoài nhiều hơn, được tin tức tiếng Việt. Nhưng khi viết văn mình sẽ luôn luôn sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, thậm chí là những cái lời ăn, tiếng nói và những cái từ ngữ mà biệt ngữ xã hội mà bây giờ thậm chí là chúng ta sẽ không còn dùng nhiều nữa. Mình cảm thấy là điều đó phù hợp nhất đối với mình. Và mình nghĩ rằng thuần Việt luôn luôn là một cái yếu tố có sẵn trong mỗi chúng ta, chỉ là đôi khi chúng ta có những bạn ngủ quên mà thôi.”

Truyện kinh dị thuần Việt Từ bản địa tới toàn cầu: Kỳ 2: Chinh phục độc giả bằng chất Việt - ảnh 3

Tác giả Trường Lê, “cha đẻ” của tiểu thuyết “Nghiệp chướng” mới được Linh Lan Books ra mắt gần đây, lại cho rằng người Việt viết thuần Việt là lẽ đương nhiên.

Anh còn có một tiểu thuyết dài kì “Thầy Tàu li kì truyện” xoay quanh một nhân vật người Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố Việt trong tác phẩm: “Việc một tác giả Việt viết những bộ truyện mang tính thuần Việt thì khó khăn lớn nhất chính là phải tìm hiểu rõ về phong tục tập quán của Việt Nam nói chung và phong tục tập quán của từng vùng miền nói riêng. Bởi đôi khi, một vài câu từ không đúng về cách sinh hoạt trong thờ cúng tâm linh, văn hóa, bản sắc của mỗi vùng miền sẽ khiến người đọc hiểu sai về văn hóa, tập tục ở nơi đó. Cũng có những bộ truyện, mình sẽ phải nói lái tên địa danh hoặc sử dụng một địa danh khác, không có thật.

Tuy nhiên, nếu truyện thuần Việt mà muốn tạo cảm giác gần gũi, thân quen cho người đọc thì mình vẫn khuyến khích đưa địa danh thật vào. Điều này cũng sẽ gây ra nhiều cản trở. Ma quỷ cho thể tưởng tượng, còn nếu dùng địa danh thật mà viết sai đi một câu thôi là gây phản ứng ngược. Riêng về nhân vật thầy Tàu thì đây là một nhân vật được xây dựng kết hợp giữa các yếu tố Trung Quốc và Việt Nam. Ông là một nhân vật gốc Trung, nhưng lại dành cả đời sống ở Việt Nam. Vì vậy, mình có thể sử dụng cả văn hóa Trung Quốc lẫn văn hóa vùng miền Việt Nam đưa vào trong truyện mà không gặp bất cứ một khó khăn nào.”

Vi Dĩ Tinh Tú, một cây bút viết kinh dị trên mạng nhưng lại “chào sân” bằng thể loại dã sử với “Tước gấm giấu đay”, khẳng định “yếu tố thuần Việt sẽ tạo ra điểm riêng trong thị trường sách”: “Với mình, điểm thu hút của một cuốn sách không dừng lại ở việc triển khai ý tưởng. Ý tưởng hay, ý tưởng vô cùng độc đáo, vô cùng phong phú nhưng nếu bạn đưa thêm yếu tố bản địa sẵn có, yếu tố thuần Việt vào thì sẽ càng tuyệt vời hơn. Điều đó sẽ càng làm cho truyện của mình trở thành một điểm riêng trên thị trường sách. Mình nghĩ không có một ý tưởng nào hay hơn việc ứng dụng văn hóa, đưa văn hóa vào truyện của mình, bởi vì văn hóa bản chất đã là một câu chuyện hay rồi.”

Khai thác bối cảnh, phong tục tập quán, ngôn ngữ… bản địa chắc chắn đã tạo ra sự gần gũi, thân thuộc đối với bạn đọc trong nước, thậm chí mở ra hướng đi “xuất khẩu” văn hóa như trong trường hợp phim chuyển thể từ tiểu thuyết “Tết ở làng Địa Ngục” hay “Kẻ ăn hồn” đã gặt hái được thành công ở thị trường quốc tế. Dòng chảy riêng này, dẫu non trẻ, vẫn đem đến nhiều tín hiệu đáng mừng, về một hướng đi từ bản địa đến toàn cầu.

Feedback