Đặt trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta, điện ảnh – trong đó có phim truyện điện ảnh – là lĩnh vực có khả năng tạo các giá trị thương mại cao, thu lợi nhuận lớn cho nhà sản xuất. Phim truyện điện ảnh Việt cũng đang nỗ lực thay đổi, hướng tới thị trường, thu được những thành tích rất khả quan song cũng gặp không ít thất bại…Nhà báo Hoàng Anh Tuấn, Quyền Tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh trả lời phỏng vấn về sự mở rộng đề tài của phim truyện Việt.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Nhà báo Hoàng Anh Tuấn |
PV: Xin chào nhà báo Hoàng Anh Tuấn. Trải nghiệm của anh về một bộ phim gần đây nhất của điện ảnh Việt ngoài rạp chiếu thương mại?
Nhà báo Hoàng Anh Tuấn: Có rất nhiều phim điện ảnh Việt ra rạp gần đây. Nhưng thực sự tôi cũng chỉ ấn tượng với phim Lật mặt 7 của anh Lý Hải tiếp nối loạt phim của anh ấy. Từ trước đến nay phim của anh vẫn thu hút được khán giả, vẫn tạo được sức hút riêng cho thương hiệu Lý Hải cũng như đóng góp chung cho điện ảnh tiến lên công nghiệp hóa, tức là chúng ta có doanh thu và có những phim chất lượng dần dần tăng.
Còn các phim khác gần đây xem thì tôi ấn tượng là các nhà làm phim đang nỗ lực tìm những đề tài mới. Chúng ta thấy rất nhiều đề tài mới lạ hoàn toàn. Ví dụ như là về xác sống, về thế giới mạng xã hội, về đề tài tính dục… là những đề tài còn rất mới mẻ trong điện ảnh Việt, cho thấy nỗ lực khai phá của người làm phim. Tuy nhiên, tôi thấy chất lượng các bộ phim chưa tới, chưa đạt đạt được mức để khán giả đổ xô tới rạp theo đúng như kỳ vọng của nhà làm phim.
Anh vừa nhắc tới những bộ phim có tính khai phá. Anh có thể nói rõ hơn điều này được không?
Nhà báo Hoàng Anh Tuấn: Chúng ta cứ nói rằng chúng ta hướng đến nền công nghiệp điện ảnh. Vậy thì chúng ta phải có người đi khai phá thị trường điện ảnh đó để tạo cho chúng ta có một môi trường phát triển. Huống chi tất cả những lãnh địa từ trước tới giờ vốn ăn khách như dòng phim tình cảm hay hài, hành động thì nó đã quá cũ rồi và các nhà làm phim đang nỗ lực để tìm kiếm, khai phá những hướng đi mới, để trở thành người tiên phong đi trên những con đường đó, khai phá con đường làm phim, khai phá cách thức xem phim của khán giả, từ đó họ có doanh thu.
Tôi đánh giá cao những nỗ lực khai phá của các nhà làm phim đóng góp chung cho sự phát triển của công nghiệp điện ảnh cũng như tìm kiếm hướng đi riêng cho bản thân họ.
So với 10 năm trước thì bộ mặt của điện ảnh Việt Nam hiện nay, cụ thể hơn là các tác phẩm phim truyện điện ảnh hướng tới thị trường đã đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Ý kiến của anh về điều này?
Nhà báo Hoàng Anh Tuấn: Thực ra việc khai phá thị trường là điều tốt cho cả nền điện ảnh cũng như tốt với cả những nhà làm phim nữa. Từ thập niên 90 về sau này, sau khi đạo diễn Lê Hoàng làm phim “Gái nhảy” thì thị trường điện ảnh nước ta hầu như chỉ có phim tình cảm gia đình, phim yêu đương và phim hài. Sau đó là những khai phá con đường làm phim như phim hành động, phim kinh dị mà trong suốt một thời gian chúng ta làm rất nhiều phim kinh dị nhưng không đạt doanh thu, rất nhiều phim hành động cũng không đạt doanh thu.
Cho đến thời điểm chín muồi, khán giả đi xem và các nhà làm phim cũng chín chắn lên trong cách làm phim thì chúng ta có Hai Phượng – phim hành động bom tấn về doanh thu, chúng ta có Quỷ cẩu, Làm giàu với ma, Ma dai… Mặc dù có thể chất lượng phim chưa tốt nhưng đã bắt đầu tạo nên thị hiếu của người xem về dòng phim đó.
Đấy là nỗ lực mà các nhà làm phim bây giờ cũng đang khai phá những dòng phim như phim sinh tồn, phim ma cà rồng. Lúc đầu có thể là thảm họa, có thể lúc đầu chưa tốt. Nhưng dần dần gu nhà làm phim và gu khán giả sẽ xích lại gần nhau.
Thứ hai nữa là nó tạo được một thị trường cho dòng phim đó để các nhà rạp chấp nhận, các nhà đầu tư chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào những việc đó. Tất cả những dòng khai phá cần có sự gian kéo dài khoảng cách, chứ không thể độp một phát thành công luôn. Tôi nghĩ rằng đó là con đường rất dài.
Giải thưởng Cánh diều Bạc 2024 trao cho phim “Móng vuốt” của đạo diễn Lê Thanh Sơn là một khích lệ rất lớn ở những dòng phim như anh Lê Thanh Sơn theo đuổi hoặc với những người làm phim khai phá những đề tài mới lạ và làm phim một cách tử tế chỉn chu.
Cá nhân tôi nghĩ rằng là làm phim thị trường bây giờ khó hơn ngày xưa rất nhiều...
Nhà báo Hoàng Anh Tuấn: Thực ra thì làm phim thị trường không phải khó hơn ngày xưa mà luôn luôn khó. Bởi vì làm ra sản phẩm đáp ứng được thị hiếu khán giả luôn cực kỳ khó. Cho nên rất nhiều hãng phim đẻ ra rồi chết, những bộ phim làm cho đạo diễn mất tên tuổi hoặc sạt nghiệp, và đó là chuyện bình thường.
Có những phim ngày xưa là doanh thu lớn, bây giờ chiếu sẽ là thảm họa. Rất nhiều bộ phim mà chúng ta có thể dẫn chứng ra được. Bởi vì mỗi một năm thị hiếu khán giả lại thay đổi, thay đổi theo lứa tuổi khán giả ra rạp, thay đổi theo xu hướng làm phim của các nhà làm phim định hướng khán giả cũng như xu hướng của khán giả, nhất là thế hệ gen Z bây giờ không giống khán giả đơn thuần ngày xưa, bởi vì các bạn ảnh hưởng rất lớn bởi mạng xã hội. Thế nên bao lâu nay câu hỏi mà báo chí hay những nhà làm phim đặt ra là Thế nào là một bộ phim ăn khách thì chỉ có một số ít nhà làm phim giải đáp được.
Tôi nghĩ những người làm phim thành công về mặt thị trường hiện nay, đó là Trấn Thành, Lý Hải, vợ chồng Thu Trang – Tiến Luật, phần nào đấy là Võ Thanh Hòa. Đấy là bốn người mà tôi thấy làm phim gần như không bao giờ bị lỗ. Tức là họ đã có một công thức riêng cho mình.
Cảnh trong phim "Lật mặt 7: một điều ước" của đạo diễn Lý Hải |
Và chắc chắn rằng công thức cũng sẽ phải thay đổi theo từng bộ phim, từng giai đoạn. Như anh Lý Hải, seri phim của anh là Lật mặt, nhưng từ Lật mặt 1 tới Lật mặt 7 rất nhiều đề tài, từ kinh dị đến gia đình, hành động, không có cái nào giống cái nào. Và rõ ràng sự tiến bộ của anh nhận thấy rất rõ.
Những phim có yếu tố cảm động rơi nước mắt đều đoạt doanh thu phòng vé rất cao. Phải chăng thị hiếu khán giả của chúng ta cũng chưa được phong phú lắm? Tệp khán giả của chúng ta vẫn chưa được mở rộng?
Nhà báo Hoàng Anh Tuấn: Điều này ngoài liên quan đến văn hóa người Việt là thích những câu chuyện như thế thì trong lịch sử điện ảnh Việt, phải nói thật rằng nhiều bộ phim của điện ảnh cách mạng quen phong cách làm phim tuyên truyền, thường rất ít khai thác đến tận cùng chi tiết, trừ những phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh hoặc một số đạo diễn khác. Khi họ khai thác chi tiết đến tận cùng sẽ chạm đến trái tim khán giả.
Những tác phẩm gần đây cũng thế thôi. Những ăn khách thể loại tình cảm, khai thác những chi tiết đẩy sâu vào trong tim khán giả sẽ chạm đến xúc cảm của khán giả, khiến cho khán giả và bộ phim xích lại gần nhau và họ sẽ tuyên truyền miệng cho bộ phim.
Còn về đề tài mới lạ, ví dụ “Chuyến tàu đến Busan”, là bộ phim về xác sống của Hàn Quốc. Nó hoàn toàn không phù hợp với văn hóa của Hàn Quốc. Xác sống chỉ có ở văn hóa từ Mỹ thôi. Nhưng họ đã đẩy được đến tận cùng. Trong cái sự mới mẻ chúng ta tìm được bản thân. Nếu chúng ta đối mặt trong các trường hợp đó, chúng ta sẽ như thế nào, tình người ra làm sao, tình cảm như thế nào? Tôi nghĩ rằng vấn đề là chúng ta phải làm phim hay và chạm đến khán giả. Còn bất cứ đề tài nào chỉ là cách chúng ta tiếp cận khán giả mà thôi.
Xin cảm ơn nhà báo Hoàng Anh Tuấn.