"Nhà sàn ở đó bao năm…"

Võ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Vẫn đang tồn tại và tiếp nối và có thể sẽ có thêm những tác giả dân tộc ít người, viết về vùng đất và con người ở những vùng rẻo cao.

Nền thơ nước ta đã ghi nhận nhiều nhà thơ lớn xuất thân từ các dân tộc ít người như Nông Quốc Chấn, Y Phương, Pờ Sảo Mìn, Inrasara, Dương Thuấn, Bàn Tài Đoàn, Lò Ngân Sủn, Dương Khâu Luông…

Những năm gần đây cũng xuất hiện một số cây bút trẻ ghi được dấu ấn trong sáng tác thơ. Nhưng số lượng cũng chưa thật đáng kể. Thơ của tác giả trẻ người dân tộc ít người hôm nay đang tập trung thể hiện đề tài và cảm xúc nào? Có gần gũi với đời sống hôm nay không?

Nghe âm thanh bài tại đây:
"Nhà sàn ở đó bao năm…" - ảnh 1Từ trái qua: các nhà thơ Lương Mỹ Hạnh, Lý Hữu Lương, Phùng Hương Ly

Tác giả Tòng Văn Hân, (người Thái ở Điện Biên), người được báo Văn nghệ trao giải thưởng cao nhất trong cuộc thi thơ kéo dài hai năm 2019 và 2020 cũng là một người hay quan sát và đọc sáng tác của các tác giả thuộc các dân tộc ít người. Tòng Văn Hân điểm một vài cái tên mà mình biết như Nông Quang Khiêm (Người Tày), Kiều Duy Khánh (Sơn La). Tuy nhiên, theo ông sáng tác của các tác giả trẻ là người dân tộc ít người hoặc sinh sống tại cộng đồng này chưa có bản sắc riêng và chưa có nhiều sáng tạo hình tượng mới.

Khoảng chục năm về trước, Bùi Tuyết Mai được xem là một trong những cái tên nổi trội trong phong trào sáng tác thơ của cộng đồng tác giả dân tộc ít người. Hiện nay, dù chuyển sang công tác văn hóa, chị vẫn dõi theo những thế hệ sáng tác trẻ, đặc biệt là trong cộng đồng người Mường. Bùi Tuyết Mai kể ra một vài cái tên ấn tượng với bản thân như Phạm Tiến Triều, Bùi Nguyễn Trí Đức.

Vừa sáng tác vừa làm công tác xuất bản, phát hành sách, tác giả Đặng Thiên Sơn bao quát được đội ngũ những người sáng tác hiện nay. Anh cũng không bỏ qua tầm mắt những tác giả thuộc các dân tộc ít người. Một số người sáng tác thuộc thế hệ 8x, 9x theo Đặng Thiên Sơn đã có những bước tiến dài, khẳng định được ngòi bút qua các cuộc thi, các diễn đàn như Phùng Hương Ly (người Tày) – Giải Nhì cuộc thi Thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 2021-2022, Lý Hữu Lương (người Dao) - Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ I-2021 của Hội Nhà văn Việt Nam, Vàng A Giang (người Mông) - giải Nhì Cuộc thi thơ và truyện ngắn “Những làn gió Tây Bắc” năm 2019.

Những đóng góp của các nhà thơ trẻ thuộc cộng đồng dân tộc ít người là một phần không thể thiếu của dòng văn học trẻ Việt Nam đương đại. Suy nghĩ của tác giả Đặng Thiên Sơn đã cho thấy sự quan tâm, trân trọng đến đội ngũ những tác giả thơ trẻ là người dân tộc ít người. Các tác giả này đang tư duy và suy nghĩ ra sao, tiếp nối di sản của các thế hệ đi trước như thế nào? Tác giả Lương Mỹ Hạnh, sinh ra và lớn lên ở Sơn La có bài thơ “Nhà sàn” được nhiều người biết đến. “Nhà sàn ở đó bao năm/ Xa trông như những mảnh trăng gác trời/ Uốn cong lựa dáng núi đồi/ Ấp iu hồn đất, mạch đời thẳm sâu”, những câu thơ như nói hộ tâm sự, nỗi lòng của Lương Mỹ Hạnh khi chị sinh sống tại mảnh đất của một bản Mông với những phong tục tập quán của tộc người. Đó cũng là tâm thế, tâm cảm trong thơ của các tác giả dân tộc ít người hiện nay:

Thực tế không phải tác giả người dân tộc ít người nào cũng có cách diễn đạt mộc mạc, giản dị và đi vào lòng người như Lương Mỹ Hạnh. Trở đi trở lại với một số hình ảnh, tập quán, bản sắc truyền thống của quê hương, bản quán – Thật không dễ để có những trang thơ để nhớ trong lòng độc giả, công chúng.

Trở lại với thời điểm 3 năm trước, khi báo Văn nghệ trao giải thưởng cuộc thi thơ kéo dài hai năm 2019 và 2020, nhiều ý kiến tranh luận nổ ra về ý tưởng, nội dung, nghệ thuật chùm thơ được trao giải cao nhất của tác giả Tòng Văn Hân (người Thái ở Điện Biên). Tòng Văn Hân vốn cũng là một người sưu tầm, nghiên cứu văn hóa người Thái đen. Trước những luồng ý kiến tranh luận đó, khi tiếp xúc với chúng tôi, Tòng Văn Hân giãi bày rất đời thường, giản dị về mục đích và đường đi của các sáng tác thơ của mình. Ông chủ yếu viết về những sinh hoạt thường ngày, những nét đẹp trong bản làng người Thái để cộng đồng sử dụng chuyển thành những bài hát dân gian biểu diễn trong các dịp lễ của bản, của xã.

Nhà sàn, khăn piêu, áo cóm, tiếng khèn, tiếng sáo, cọn nước, con suối, rau rừng…Những hình ảnh quen thuộc của vùng cao, là một phần cuộc sống đời thường. Phải làm sao để đời thường cũng là hồn vía, là trăn trở nghệ thuật trong sáng tác những người con của núi. Phải chăng họ cần vượt thoát ra khỏi những quẩn quanh, viết về những điều mới mẻ, khác đi thì mới tạo được dấu ấn riêng. Và những trang viết như vậy liệu có “sống” được, có nổi trội hơn sáng tác của các tác giả miền xuôi? Sinh trưởng ở vùng núi đá Si Ma Cai, tác giả trẻ Vàng A Giang, người dân tộc Mông ở Lào Cai, người vừa bước qua tuổi 30, từng được trao Giải nhì Cuộc thi Thơ và Truyện ngắn “Những làn gió Tây Bắc” từ năm 2017-2019. Nhà thơ Pờ Sảo Mìn từng nhận xét: “Vàng A Giang lặng lẽ, âm thầm đến với văn chương, ở Vàng A Giang có một điều gì đó rất nhạy cảm với thơ ca”. Khi đặt bút sáng tác thơ, Vàng A Giang có những suy nghĩ rất chân thật. Anh cho rằng thơ là điệu hồn dân tộc, là hiện thực được khúc xạ qua thấu kính. Sinh ra và lớn lên ở núi, Vàng A Giang tự nhận thơ của mình viết về núi đồi, quê hương, những gì gần gũi và giản dị nhất.

Hòa vào dòng chảy của thơ ca nhưng cảm nhận trong dòng chảy này vẫn còn đó những trở ngại với các tác giả là người dân tộc ít người. Đó là suy nghĩ của nhà thơ Lý Hữu Lương (người Dao) - Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác giả sinh năm 1988 đồng thời là Biên tập viên Ban Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ cảm thấy chạnh lòng khi điểm danh đội ngũ tác giả trẻ có dấu ấn, bộ phận người sáng tác thuộc các dân tộc ít người bị bỏ qua.

Vẫn đang tồn tại và tiếp nối và có thể sẽ có thêm những tác giả dân tộc ít người, viết về vùng đất và con người ở những vùng rẻo cao. Căn cước văn hóa, gốc gác vùng miền còn được trân trọng không và có giúp ích gì cho người viết vùng cao hôm nay? Họ sẽ được ghi nhận như thế nào? Văn hóa và bản sắc dù có mai một qua thời gian, nhưng dấu tích, ký ức vẫn còn được thẩm thấu, lan tỏa. “Nhà sàn vẫn ở đó bao năm, vẫn ấp iu hồn đất, mạch đời thẳm sâu” -  Đó chắc chắn vẫn còn  là một di sản, một tài sản giá trị khi nhìn lại, đặc biệt soi chiếu với đời sống hôm nay qua những trang thơ.
Và những trang thơ hay, bắt được mạch nguồn của dòng chảy tâm hồn, dòng chảy văn hóa của quê hương, bản quán, của truyền thống dân tộc vẫn sẽ được độc giả, công chúng yêu mến, đón nhận

Feedback