“Không có sách chúng tôi làm ra sách/ chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” – là câu thơ trong trường ca “Đường tới thành phố” của nhà thơ Hữu Thỉnh, cũng là tuyên ngôn của một thế hệ cầm bút tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa với vai trò người lính, vừa với vai trò người cầm bút, người thư ký thời đại, ghi lại những tháng ngày lịch sử hào hùng, vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ 20 mà họ có cơ duyên được tham dự, được chứng kiến.
Ký ức chiến trường xưa. - Tranh: Nguyễn Hoàng Khai |
Trong đội ngũ đông đảo các nhà thơ thời chống Mỹ, có người ở hậu phương, người trực tiếp ra mặc trận, người ở miền Bắc, người ở miền Nam, người vừa rời ghế nhà trường, người đang đi làm đi học. Họ hối hả hành quân, hối hả hòa vào cuộc sống mới với bao tràn trề háo hức tuổi thanh xuân, vui vẻ nhận mọi nhiệm vụ được giao, sống, chiến đấu và viết về mình cùng đồng đội. Nhớ lại những ngày tháng đó, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ thực sự là một từ trường lớn, thu hút mọi sự tập trung của dân tộc, không ai có thể đứng ngoài: "Không có một con người nào thoát khỏi cái từ trường này, cái quỹ đạo này - cái quỹ đạo chi phối toàn bộ hoạt động của đất nước, đời sống của đất nước, từ một cá nhân đến gia đình đến cả một cộng đồng, không ai thoát khỏi một quỹ đạo lớn là giải phóng dân tộc. Không chống Mỹ cứu nước thì đi làm gì đây? Không đi bộ đội mà làm bác sỹ thì cũng vẫn thực hiện nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước. Bởi vì ở bất cứ một trận tuyến nào cũng là chống Mỹ cứu nước. Đây là một từ trường, mọt quỹ đạo lớn quá, nó tập trung hút hết tiềm lực của dân tộc. Và vui buồn và sướng khổ, chúng ta bị cái guồng này huống chi phối. Có thể nói, cuộc chiến đấu này đã vắt kiệt tiềm năng của dân tộc"
Có thể nói, chính môi trường quân ngũ đã rèn luyện, phát triển, góp phần không nhỏ vào sự thành công của nhà thơ Hữu Thỉnh, với nhiều tập thơ và trường ca như “Tiếng hát trong rừng”, “Đường đến thành phố”, “Từ chiến hào đến thành phố”, “Thư mùa đông”, “Trường ca biển”… vừa có giá trị lịch sử - tư liệu, vừa mang đậm dấu ấn tinh thần thời đại, được biểu đạt gần gũi, sâu sắc. Thực tế chiến trường đem đến cho ông những chất liệu sống động để đến tận bây giờ ông vẫn day trở về đề tài người lính: "Tôi nhập ngũ từ năm 1963, gần 30 năm mặc áo lính, cho nên thơ ca của tôi, tình cảm của tôi dành cho đồng đội là ưu tiên hàng đầu. Tôi cũng nghĩ rằng viết về người lính không bao giờ là đủ. Bởi vì vẻ đẹp của họ, sự hy sinh cao cả, tình đồng đội ấm áp đẹp đẽ vô cùng. Thơ ca làm sao nói hết được. Mỗi người nói một chút thôi. Cái quan trọng nhất là nói hết được lòng mình, gửi gắm được dù một đôi câu thôi nhưng chân thành và tha thiết. Đây là một đề tài mà chúng ta còn phải viết lâu dài, còn phải viết mãi."
Nhập ngũ năm 1971, khi đang là giáo viên giảng dạy ở trường trung cấp thương nghiệp, nhà thơ Anh Ngọc có một năm trải nghiệm vai trò người lính thông tin ở Trường Sơn. Một năm, đủ để ông nhận diện cuộc chiến tranh, thấu hiểu vì sao dân tộc ta chiến thắng. Cũng từ đây, ông trở thành nhà báo quân đội, có mặt ở Sài Gòn trong ngày 30 tháng tư, rồi lại mải miết với những phóng sự ký sự theo bước chân người lính: "Lý do gì chúng ta thắng được địch, bộ đội chúng ta đói cơm khát uống như thế, sốt rét như thế mà chúng ta chiến thắng? Tôi xin cắt nghĩa bằng góc nhìn của một người làm thơ từng có mặt ở Trường Sơn. Đó chính là điều nói ra thì to lớn là tình yêu Tổ quốc, nhưng mà nó cụ thể vô cùng. Cứ mỗi ngày chúng tôi hành quân mang vác rất nặng, tối mịt mới dừng chân. Nhiều lúc không thấy gì hết, tôi sờ soạng mò mẫm để mắc võng. Lúc bấy giờ mệt quá chỉ có lăn ra ngủ thôi. Thế nhưng mà sáng dậy, quay nhìn xuống mảnh đất dưới gầm võng của mình, thú vị vô cùng. Có lúc dưới lưng mình toàn đá tai mèo, có lúc lại toàn cỏ cây gai góc. Có lúc, đặc biệt là mùa xuân, mình chỉ cần mắc võng một đêm thôi, hoa trứng gà rơi xuống, ngọn lang rừng đã bắt đầu ngoi lên và bám vào cọc phụ của mình rồi. Và mùa thu, lá dát vàng ở dưới lưng mình. Đói ăn khát uống như thế mà vẫn còn thấy đẹp mà! Và tôi nghĩ ra chúng ta thắng vì chúng ta là thần Ăng-tê – nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. Chúng ta trở thành vĩ đại khổng lồ chính vì chúng ta đứng trên đất mẹ." - Nhà thơ Anh Ngọc nói.
Nếu nhà thơ Anh Ngọc từ Hà Nội vào Trường Sơn thì nhà thơ Từ Quốc Hoài từ miền Nam tập kết ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội xung phong vào chiến trường miền Nam. Ấn tượng của buổi đầu tiên đối mặt với đạn bom không hề dễ dàng, vậy nhưng đến tận bây giờ ông vẫn cho rằng, thế hệ ông tin vào “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” – niềm tin ấy là xác tín, không bao giờ thay đổi, không bao giờ hối tiếc: "Ngày 14 tháng 5 năm 1971, tôi vào chiến trường. Đặt chân đến mảnh đất miền Nam là đặt chân đến ngay một vùng lửa. Tôi nhớ rất rõ, hôm đó vừa tới là máy bay ập đến ngay. Nó thả dù và bắt đầu ném bom. Giao liên dẫn tôi chạy qua những thanh tre thanh nứa rất sắc, nó xóc vào chân mình. Không bấm đèn pin để soi được vì có thể trở thành mục tiêu của máy bay. Lúc ấy tôi nghĩ có thể hôm nay mình chết. Trước đó tôi phải làm mọi cách, phấn đấu để được đi chiến trường. “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” không phải huyễn đâu. Đúng là như thế! Có một thời chúng ta đến với những sự ác liệt, thậm chí đánh đổi cái chết một cách thanh thản vì nghĩ rằng sự hy sinh đó thiêng liêng…" - Nhà thơ Từ Quốc Hoài chia sẻ.
“Đường ra trận mùa này đẹp lắm” – Khi đặt bút viết câu thơ này, hẳn người lính - nhà thơ Phạm Tiến Duật không thể ngờ được rằng thơ ông đã tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ trong lớp thanh niên trí thức vào cuối những năm 60 – đầu những năm 70 của thế kỷ 20. “Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng” ở thành thị và nông thôn, lòng tràn đầy nhiệt huyết viết tâm thư bằng máu xin được ra chiến trường “chia lửa”.
Thời điểm ấy, hậu phương miền Bắc có thơ Trần Đăng Khoa và ở ngoài mặt trận có thơ Phạm Tiến Duật – món ăn tinh thần không thể thiếu của các chiến sỹ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa lý giải sức hấp dẫn của thơ Phạm Tiến Duật: "Người ta từng kể rằng có những điểm chốt địch bao vây, chúng ta phải điện hỏi các chiến sỹ ở đấy cần gì, các chiến sỹ nói rằng, chúng tôi cần rất nhiều thứ, nhưng ở đây chúng tôi cần nhất vẫn là thơ Phạm Tiến Duật. Và rồi người ta cũng lại kể rằng đã phải nhồi thơ Phạm Tiến Duật vào đạn pháo để bắn lên trên chốt cho các chiến sĩ. Thơ Phạm Tiến Duật là gì mà các chiến sĩ yêu đến mức độ như vậy? Trước hết đấy là thơ của người lính, thể hiện bằng giọng đặc biệt rất ngang tàng rất lính mà trước đó không có. “Không có kính không phải vì xe không có kính” - Bằng cái giọng như vậy, ông kể chuyện chụp ảnh ở mặt trận: “Không phải hoa khế hoa nhài nở trên cây/Vải dù pháo sáng trắng như cờ hàng của giặc/ Trên trọng điểm mọi thứ đều xiêu vẹo hết/ chỉ có dáng đi của chiến sĩ ta là ngay ngắn như không/ Tôi đề nghị các chiến sĩ công binh/ cứ để nguyên áo quần ám khói/ Ra chụp ảnh, và đề nghị thêm/ Hãy khuân ra tất cả ống pháo sáng mảnh đuôi bom và vải dù có được/ Chụp vào cho có vẻ chiến trường”… Không có nhà thơ nào viết bằng một giọng như vậy!"
“Trên đường ta đi đánh giặc/ Ta về Nam hay ta lên Bắc/ Ở đâu/Cũng gặp/ Những ngọn đèn dầu/ Chong mắt/ Đêm thâu/ Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt/ Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt/ Như miền Nam/ Hai mươi năm/ Không đêm nào ngủ được/ Như cả nước/ Với miền Nam/Đêm nào cũng thức...”. Những câu thơ này được nhà thơ Chính Hữu viết năm 1965. Và lại tiếp 10 năm sau, 10 năm không ngủ, cả nước mới được đoàn tụ trong ngày vui đại thắng.
30 năm cuộc trường chinh đã vắt kiệt sức lực của dân tộc. Hàng chục triệu con người bị hút vào từ trường ấy, thay đổi hoàn toàn số phận. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Nhưng nếu được trở lại, chắc chắn những người lính, những nhà thơ vẫn chọn con đường đồng hành cùng đất nước, như nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao”…