Tác giả Việt kể lại thần thoại Bắc Âu

Phùng Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là cuốn “Thần thoại Bắc Âu” đầu tiên do một tác giả Việt Nam kể lại.

Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt cuốn “Thần Thoại Bắc Âu” do tác giả Quỳnh Liên biên soạn. “Yêu trẻ con, yêu câu chữ và yêu ý nghĩ rằng mình là trẻ con, đã biên soạn những câu chuyện bằng niềm yêu ấy” là lời tự bạch của Quỳnh Liên. 

Tác giả Việt kể lại thần thoại Bắc Âu - ảnh 1

Thần thoại là những câu chuyện người xưa sáng tạo ra để lý giải về khởi nguyên của vũ trụ, những hiện tượng kì bí của tự nhiên, về sự vận hành của vạn vật. Bất cứ dân tộc nào cũng có thần thoại của riêng mình, mang màu sắc tư duy, văn hóa đặc trưng của dân tộc, vùng đất đó.

Với Quỳnh Liên, thần thoại nói riêng hay tất cả các tác phẩm văn học dân gian nói chung luôn có một vẻ thông tuệ mộc mạc, đó vừa là điều khó vừa tạo nhiều cảm hứng để cô biên soạn cuốn sách này. Quỳnh Liên chia sẻ: “Thần thoại của người Bắc Âu có vẻ đẹp tráng lệ của những cuộc chiến hào hùng, có ý chí kiên cường đáng ngưỡng mộ, có tinh thần dân chủ bình đẳng và có muôn màu muôn vẻ của tình yêu.”

Tác giả Việt kể lại thần thoại Bắc Âu - ảnh 2Tác giả Quỳnh Liên. 

Vượt qua biên giới địa lý của một vùng đất, “Thần Thoại Bắc Âu” từ lâu đã trở thành di sản của toàn nhân loại. Những nhân vật, mô-típ trong Thần thoại Bắc Âu đã gợi cảm hứng cho rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật như văn chương, hội họa, điện ảnh… mà độc giả Việt Nam từng say mê trong các tác phẩm của Tolkien, những bộ phim đầy mê hoặc của Disney, Marvel…

“Bạn sắp sửa đọc những câu chuyện thần thoại Bắc Âu được biên soạn, được kể lại với trí tò mò và sức tưởng tượng của một người. Chúng không khỏi thiếu sót và rất có thể không giống với những gì bạn đã, đang và sẽ tưởng tượng. Nhưng chẳng phải đó là đặc quyền của chuyện kể hay sao, chúng sinh ra để trò chuyện cùng chúng ta và để mở ra những thế giới mới mẻ chúng ta chưa từng nghĩ mình sẽ nghĩ tới.” – Quỳnh Liên gợi mở về tác phẩm đầu tay của mình.

Thế giới thần thoại Bắc Âu vô cùng phong phú, phức tạp về hệ thống nhân vật, về thời gian diễn biến của các câu chuyện. Nhưng bằng ngôn ngữ trong sáng, giàu hình ảnh, nhịp điệu, cách kể chuyện hấp dẫn, cách sắp xếp mạch truyện và giới thiệu các nhân vật một cách lớp lang, tác giả Quỳnh Liên đã khéo léo dẫn dắt bạn đọc đến với thế giới Thần thoại Bắc Âu huyền diệu một cách dễ hiểu và đầy cuốn hút.

“Từ trung tâm của vũ trụ, cây tần bì thần thánh Yggdrasil vươn mình chở che cho mọi vùng đất. Theo thân cây đứng thẳng, kì vĩ và tôn nghiêm, chín thế giới chia thành ba tầng bậc. Tầng cao nhất có Asgard của các thần Aesir, Vanaheim của các thần Vanir, Alfeim của tiên ánh sáng. Tầng giữa có Midgard của loài người, Jotunheim của khổng lồ băng giá, Muspelheim của khổng lồ lửa. Tầng dưới cùng có Svartalfeim của tiên bóng tối, Nidavellir của người lùn, và Niflheim của người chết…”

Cuốn sách chia làm hai phần lớn “Vũ trụ thần thoại” và “Những câu chuyện thần thoại”.

“Vũ trụ thần thoại” kể về sự hình thành thế giới, nguồn gốc các vị thần, về nơi ở của các vị thần, công trình kì vĩ của thần tối cao Odin, thế giới bỏng cháy của người khổng lồ, về hoàng hôn của các chư thần khi trận chiến của sự lụi tàn Ragnarok diễn ra và hậu Ragnarok – sự sống hồi sinh…

“Những câu chuyện thần thoại” lôi cuốn bằng câu chuyện tình yêu sầu đau của nữ thần kiều diễm nhất Asgard, về những trái táo thanh xuân của các vị thần, về người lùn si tình, về những chuyến viễn du của các vị thần, những chuyến song hành của Thor và Loki, chuyện về bức tường thành xứ Asgard…

Một phần thú vị khác trong cuốn sách là những câu chuyện ở xứ Midgard - xứ sở của loài người với những câu chuyện thú vị không hồi kết của người hát rong, về ông tổ của loài người, ngày và đêm, nguồn gốc của thơ ca…

Phần cuối cuốn sách là Từ điển thần thoại Bắc Âu, giúp độc giả tra cứu tên của các nhân vật, các vị thần, bảo bối, các tộc người, địa danh… trong Thần thoại Bắc Âu.

Tác giả Quỳnh Liên tên thật là Phạm Thị Quỳnh Liên, sinh năm 1991, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện Quỳnh Liên đang phụ trách mảng phát triển văn hóa đọc cho trẻ em của dự án Sách ơi Mở ra.

Feedback