Văn học Đức ở Việt Nam

P.H
Chia sẻ
(VOV5) - Nền văn học Đức với chiều sâu triết lý và rất nhiều những tác gia lẫy lừng có sức ảnh hưởng rộng lớn trong lịch sử văn chương nhân loại.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Hàng trăm đầu sách dịch của các dịch giả Việt Nam, Đức, Áo, Thụy Sĩ đã được dịch từ tiếng Đức ra tiếng Việt, với những tên tuổi các tác giả kiệt xuất của nền văn học sử dụng tiếng Đức, đã góp phần không nhỏ làm giàu có thêm vốn hiểu biết, sự chia sẻ văn hóa của người yêu văn học trong nước.

Văn học Đức ở Việt Nam - ảnh 1Một số tác phẩm văn học Đức đã được dịch thuật ở Việt Nam. - Ảnh: internet. 

Trước đây, trong dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ Việt – Nam, Đức, Viện Goethe Hà Nội cũng từng lần đầu tiên phối hợp với Thư viện Quốc gia tổ chức triển lãm sách dịch Đức, bao gồm những tác phẩm Đức ngữ đã được dịch ra tiếng Việt qua nhiều thời kỳ khác nhau, với những danh tác quan trọng của những tác giả kiệt xuất như Goethe, Henrich Haino, Stefan Zwight, Henrich Boin, Thomass Mann vv….Nền văn học Đức với chiều sâu triết lý và rất nhiều những tác gia lẫy lừng có sức ảnh hưởng rộng lớn trong lịch sử văn chương nhân loại, cũng đã có những ảnh hưởng nhất định tới các tác giả Việt Nam trong một thời kỳ dài, qua các bản dịch này.

Văn học Đức ở Việt Nam - ảnh 2 Cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp phát triển tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Đức, nhà thơ, dịch giả Trần Đương đã hoạt động trên nhiều lĩnh vực: dịch thơ, viết báo, dịch sách từ tiếng Việt ra tiếng Đức và ngược lại. - Ảnh: Báo Công an nhân dân

Về những dịch giả hàng đầu có công lao đóng góp vào sự nghiệp dịch thuật này, theo dịch giả Trần Đương: “Trong số những người có đóng góp hàng đầu vào việc tiếp nhận văn học Đức ở Việt Nam, nhà giáo Đỗ Ngoạn là người giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Ông là người đã nhiều năm nghiên cứu, dịch thuật và giảng dạy văn học Đức, có những cống hiến đáng kể trong việc tham gia viết giáo trình văn học Đức, làm từ điển, đặc biệt trong việc dịch và giới thiệu tác phẩm Faust của Đại thi hào Goethe từ những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước.”

“Sự hợp tác bền bỉ, đầy sáng tạo và thân tình trong việc dịch tác phẩm ấy giữa Thế Lữ - một nhà thơ lừng danh lớp trước và Đỗ Ngoạn một nhà giáo trẻ được đào tạo chu đáo ở Đức trong nhiều năm đã đưa đến kết quả lớn: Năm 1977, Nhà xuất bản Văn học ấn hành bản dịch Phaoxtơ (tập I). Đó là một trong những sự kiện lớn trong đời sống văn học vào thời gian sau ngày giải phóng miền Nam. Bản dịch được in với số lượng khá lớn: 20.000 bản.”  (Trần Đương: "Nhà giáo Đỗ Ngoạn và văn học Đức ở Việt Nam" - 100 năm Đại học Đông Dương).

Văn học Đức ở Việt Nam - ảnh 3Bìa cuốn Tuyển tập Văn học Đức được một ấn bản điện tử phát hành trên mạng. 

Nhưng vì lực lượng dịch giả không nhiều, cho đến nay, dù có nhiều tác giả, tác phẩm quan trong, kinh điển của Đức được giới thiệu ở Việt Nam, mảng văn học Đức vẫn như một khu rừng hoang sơ cần được khai phá. Như dịch giả Tạ Quang Hiệp chia sẻ: "Mảng văn học Đức tôi vẫn nói đùa rất nhiều lần, là nó giống như khu rừng nguyên sinh rất rậm rạp đang chờ đợi được khai phá. Nó sẽ có rất nhiều những cuốn sách hay."

Sau nhiều năm, mấy năm trở lại đây một số tác phẩm quan trọng của nền văn học tiếng Đức lại xuất hiện bài bản ở Việt Nam như: Cái trống thiếc của Gunter Grass, Tình ơi là tình của Elfriede Jelinek, Mùi hương và Chỉ tại con chim bồ câu của Patrick Sueskind, Chuyện dài bất tận và Momo của Michael Ende , Người đọc của Bernhard Schlink  và Đo đạc thế giới của Daniel Kehlmann - là tác phẩm đã đánh bật Harry Potter và Mật mã Da Vinci để đứng đầu danh sách best - seller tại Đức suốt hơn 60 tuần liền ...vv....Những tác phẩm văn học thiếu nhi Đức của những tác giả lớn như Otfried Preussle, Cornelia Caroline Funke đã đến với bạn đọc Việt Nam.

Những tác phẩm này đến được với công chúng nhờ công của những dịch giả như Dương Tường, Quang Chiến, Lê Quang, Hoàng Đăng Lãnh, Tạ Quang Hiệp vv…

Một trong những hoạt động kết nối văn học phi chính phủ có hệ thống và hiệu quả là “Tủ sách văn học Đức – Việt”. Tiến sĩ Thái Kim Lan, người Việt ở Đức, là một trong những dịch giả có công  tuyển dịch những tác phẩm nổi tiếng về văn học và tư tưởng của Việt sang tiếng Đức và ngược lại, trong chương trình này. Tiến sĩ Thái Kim Lan chia sẻ: "Về mảng văn học thì đây là một câu chuyện thường xuyên giữa Thái Kim Lan và Viện Goethe. Ví dụ những buổi giới thiệu các tác giả Đức đến Việt nam, các nhà thơ, nghệ nhân, nghệ sĩ…đều có sự hợp tác của tôi trong việc giới thiệu đến Việt Nam".

 Tiến sĩ Thái Kim Lam cho biết, ý tưởng về chương trình phổ biến tác phẩm Việt - Đức theo hai chiều chuyển ngữ bắt đầu từ năm 1998, khi tiến sĩ Walter Buhme, chủ tịch Quĩ hỗ trợ văn hóa Schmitz Stiftung sang Huế thực hiện một số chương trình hỗ trợ văn hóa.

Và chương trình này ra đời với mục tiêu: giới thiệu văn học và tư tưởng của châu Âu qua Việt Nam và ngược lại, trong đó giới thiệu có phê bình, chứ không phải chỉ đơn thuần đưa tác phẩm sang bằng cách chuyển ngữ suông, đã từng dịch những cuốn Câu chuyện dòng sông và Huệ tím của Hermann Hesse, tập kịch Người hảo tâm thành Tứ Xuyên của Bertolt Brecht  bản dịch Faust của Goethe và tập sách triết học của Kant Phê phán lý tính thuần túy do Bùi Văn Nam Sơn dịch...

Feedback