Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 (diễn ra từ ngày 9 tới 17/11), có ba sự kiện về điện ảnh đáng chú ý được tổ chức tại rạp Khăn Quàng Đỏ - Cung Thiếu nhi Hà Nội (36-38 Lý Thái Tổ): Tọa đàm Cu li không bao giờ khóc: Nghĩ về thành phố như một nhân vật điện ảnh diễn ra chiều 1011, phân tích mối liên hệ giữa kiến trúc và cảnh quan đô thị Hà Nội trong ngôn ngữ điện ảnh của bộ phim Cu li không bao giờ khóc; sự kiện chiếu phim Xưa ta thuở nhỏ: Tự sự điện ảnh trẻ em Việt Nam thời chiến diễn ra chiều 13/11; tọa đàm Sáng tạo hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh các thời kỳ vào sáng 16/11, bàn về vai trò của điện ảnh như một phép lưu giữ ký ức về văn hóa và con người Hà Nội.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm Cu li không bao giờ khóc: Nghĩ về thành phố như một nhân vật điện ảnh - Ảnh: Fp Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội |
Tại buổi tọa đàm "Cu li không bao giờ khóc: Nghĩ về thành phố như một nhân vật điện ảnh" đạo diễn Phạm Ngọc Lân, TS Hoàng Cẩm Giang, tác giả Trương Quý và TS Trần Ngọc Hiếu bàn luận về mối liên hệ giữa cảnh quan đô thị Hà Nội trong ngôn ngữ điện ảnh, cách nhìn thành phố như một nhân vật điện ảnh hấp dẫn.
TS Trần Ngọc Hiếu băn khoăn: "Khi nào một cảnh quan ở một thành phố trở thành một nhân vật, khi nào nó không phải chỉ là cái nền, chỉ là phông cảnh mà ở đó con người ta xuất hiện, mà bản thân thành phố dường như cũng có những tính cách, cũng có những kí ức, cũng có những thứ tạo cảm giác hình như là phải ở một thành phố như thế thì một câu chuyện như thế, một con người như thế mới có thể hòa hợp với nhau?" Anh chia sẻ khi xem các phim về Hà Nội thời gian gần đây "khiến cho người xem có cảm giác lùi lại với thời gian thực tại, những câu chuyện phim như rơi vào một vòng lặp, một sự bế tắc nào đó. Nhưng khi xem phim của Phạm Ngọc Lân, lại không có cảm giác là mình nhiều hoài niệm, bởi vì mình thấy đấy là đời sống của gia đình mình, những người lớn lên ở trong các xóm, các ngõ lao động."
TS Hoàng Cẩm Giang nhận xét: "Hà Nội đã từng xuất hiện trong rất nhiều những bộ phim thời đổi mới, những bộ phim truyền hình như là một đối tượng, một khách thể cho người ta khao khát. Mọi người hay nói là “lên Hà Nội”, nhưng mà trong bộ phim Culi không bao giờ khóc thì Hà Nội lại là chủ thể, cảm giác như là hơi thở của chính những người trong không gian đấy."
Theo nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý, mặc dù bộ phim Cu li không bao giờ khóc không có tên nào nhắc về Hà Nội, không có những biểu tượng, từ khóa dễ nhận diện như những phim thương mại, nhưng trong cảm giác rất nhẹ nhõm khi xem bộ phim của Phạm Ngọc Lân, người xem có thể cảm nhận Hà Nội như một nhân vật điện ảnh: “Hà Nội ở đây chúng ta thấy là Hà Nội của những không gian đen trắng, lại còn là những không gian khá chặt, như trong ngôi nhà, góc máy hẹp, hoặc những không gian có tính chất của sự đang xây dựng như đường trên cao, hay sân trượt patin ở khu đô thị mới, một không gian Hà Nội đậm hơi thở đương đại. Đặc biệt tôi thấy ở phim có góc nhìn rất kiến trúc, vì có lẽ do Phạm Ngọc Lân là người học kiến trúc. Những cảnh như đập thủy điện có những vệt thời gian do nước mưa nước sông in hằn, hay cảm giác về chất liệu khi nhân vật ngồi trên một vỉa hè có những viên gạch, những ô sau cửa sắt vv… cho thấy cách nhìn của những người có tư duy về không gian.”
Tại sự kiện chiếu phim Xưa ta thuở nhỏ: Tự sự điện ảnh trẻ em Việt Nam thời chiến diễn do Ngô Thanh giới thiệu; thông qua ba chủ đề xuyên suốt (hư cấu điện ảnh, trẻ em Việt Nam và một thời chiến tranh), sự kiện gợi mở những câu hỏi sâu sắc về cách điện ảnh khắc họa hình ảnh trẻ thơ.
Khán giả tại sự kiện chiếu phim Xưa ta thuở nhỏ: Tự sự điện ảnh trẻ em Việt Nam thời chiến - Ảnh: Fp Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội. |
Sự kiện cũng trình chiếu hai phim tiêu biểu của thập niên 1970, cũng chính là thời kỳ tái thiết đất nước, xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội (1974-1976) là Em bé Hà Nội (đạo diễn Hải Ninh, 1974) và Mẹ vắng nhà (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư, 1979).
Cả hai bộ phim đều khắc họa những đứa trẻ lạc mất người thân giữa thời loạn lạc, tạo nên những lát cắt cảm xúc, gợi nhắc người xem về ký ức tập thể của một thời kỳ đau thương mà kiên cường. Nhân vật trẻ thơ trong các bộ phim này không chỉ biểu hiện hình thái mất mát cá nhân mà còn đại diện cho một thế hệ phải đối diện với cuộc chiến và sự khắc nghiệt của lịch sử ngay từ khi còn nhỏ tuổi.
Với tọa đàm Sáng tạo hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh các thời kỳ vào sáng 16/11, do nhà văn Trương Quý điều phối, có sự tham gia của các khách mời là lớp diễn viên tài năng thuộc các thế hệ đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam là NSND Minh Châu, NSND Lan Hương (phim Em bé Hà Nội) và nhà sản xuất Nghiêm Quỳnh Trang (phim Cu li không bao giờ khóc). Tọa đàm khơi gợi lại một lịch sử Hà Nội qua các bộ phim điện ảnh Việt Nam ghi dấu qua các thời kỳ, và cũng nhằm đánh thức những khát vọng làm phim về một thành phố thủ đô mang trong mình rất nhiều câu chuyện để kể.