Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết – “cải lương chi bảo“

Lê Phương (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - "Gam màu của nghệ sĩ Bạch Tuyết rất chói lọi. Chị luôn muốn làm một cuộc cách mạng trong đời mình và trong nghệ thuật."

Trung tuần tháng 1, tạp chí Forbes công bố nghệ sĩ Bạch Tuyết của Việt Nam là 1 trong 50 người phụ nữ trên 50 tuổi (50 Over 50) có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Á. Theo Forbes, nghệ sĩ Bạch Tuyết (79 tuổi) là “một nghệ sĩ của mọi nhà ở Việt Nam, được biết đến với dòng nhạc cải lương”.

Nghe âm thanh bài tại đây:
 
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết – “cải lương chi bảo“ - ảnh 1 Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết. Ảnh: Hà Phương/vov.vn

Tên tuổi của nữ nghệ sĩ gắn liền với nhiều vở cải lương kinh điển giai đoạn những thập niên 60 – 80 của thế kỷ trước.

Với tài năng của mình, nghệ sĩ Bạch Tuyết được mệnh danh là “Cải lương chi bảo” của Việt Nam.

16 tuổi, nghệ sĩ Bạch Tuyết đến với cải lương một cách tình cờ trong khi cả gia đình không ai đi theo con đường nghệ thuật. Trong hơn 60 năm gắn bó với cải lương, bà đã tham gia trên 500 vở diễn.
Đầu thập niên 60, những vai chính của các vở tuồng kinh điển lần lượt đưa Bạch Tuyết lên ngôi vị "Cải lương Chi bảo" (bảo vật của nghệ thuật ca kịch cải lương) như: “Lá thắm chỉ hồng”, “Tần Nương Thất”, “Trăng Thề vườn Thuý”, “Mùa thu lá bay”, “Nửa đời hương phấn”… Đến thập niên 70 - 80, tên tuổi của Bạch Tuyết lại gắn liền với các nhân vật mà bà thể hiện, như: Thái hậu Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, cô Lựu, cô The hay Thúy Kiều…

Theo các đồng nghiệp, nghệ sĩ Bạch Tuyết luôn có một thái độ làm việc nghiêm túc, ở mỗi tác phẩm có sự tham gia của bà, người xem đều cảm nhận được trong đó một sự đầu tư công phu và vượt bậc về phong cách sáng tạo. Nghệ sĩ Thành Lộc cho rằng: "Hầu như chị Bạch Tuyết rất xuất sắc trong những vai diễn cô gái thời đại, ăn mặc hippy, rất quyến rũ toát lên tố chất của 1 người muốn nói lên: tôi là ai. Dấu ấn của Bạch Tuyết quá lớn. Cùng thời với nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết khi đó cũng có nhiều tên tuổi lớn, nhiều nghệ sĩ nữ khác cũng rất nổi tiếng. Nhưng gam màu của nghệ sĩ Bạch Tuyết rất chói lọi. Chị luôn muốn làm một cuộc cách mạng trong đời mình và trong nghệ thuật. Qua những nhân vật nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng có thể thấy rất rõ điều đó. Chị ấy muốn làm điều gì đó rất khác, khác hẳn với tất cả."

Ngoài diễn cải lương, nghệ sĩ Bạch Tuyết còn sáng tác kịch bản, làm đạo diễn cho hàng trăm bài vọng cổ, tân cổ giao duyên được khán giả đón nhận với bút danh Nguyễn Thị Khánh An. Bà còn có một “cuộc khai phá đầy ấn tượng” trong mảng sân khấu kịch thể nghiệm vào những năm 1990, khi độc diễn trong vở “Hoàng hậu hai Vua”, vở “Trần Nhân Tông” (2006)…

Nghệ sĩ Thành Lộc cho biết thêm: "Đối với những người nghệ sĩ cải lương ngày xưa, khi họ diễn cải lương rồi bước sang điện ảnh sẽ bị lai nét hơi giống với cải lương. Nhưng với nghệ sĩ Bạch Tuyết thì không hề như vậy. Sau này, khi chị Bạch Tuyết đóng kịch nói lại càng là một hiện tượng lớn cho sân khấu kịch nói tại thành phố Hồ Chí Minh. Chị diễn kịch rất duyên, một nét duyên đặc biệt. Chị có những kiểu diễn mà tôi cho rằng chỉ có chị Bạch Tuyết mới diễn được. Đó là mặt thần thái rất riêng của 1 ngôi sao."

Trên con đường hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Bạch Tuyết từng có những thời gian tạm nghỉ ca hát để nâng cao hiểu biết của mình. Bước vào giảng đường đại học lúc đã 40 tuổi, nghệ sĩ Bạch Tuyết có được bằng Cử nhân Ngữ văn. Năm 1988, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, cũng năm này “Cải lương chi bảo” tốt nghiệp khoa đạo diễn ở Viện hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh tại Sofia (Bulgaria).

7 năm sau, bà nhận bằng Tiến sĩ nghệ thuật tại Viện Hàn lâm Hoàng gia Kịch nghệ Anh Quốc. Với thành tích này, nghệ sĩ Bạch Tuyết trở thành Tiến sĩ đầu tiên của nghệ thuật cải lương tại Việt Nam. Nghệ sĩ Bạch Tuyết chia sẻ:"Trách nhiệm của cải lương đi liền với dân tộc. Tôi nghĩ mình là một nghệ sĩ cải lương và mình nên đi học để hiểu thêm để sau này có cơ hội may mắn có thể giúp thế hệ sau mình có thể hiểu được giá trị thực sự của nghệ thuật sân khấu dân tộc. Như vậy là điều hạnh phúc."

Ngoài 60 tuổi, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), danh hiệu cao quý nhất dành cho những người hoạt động nghệ thuật năm 2012. Và đến nay, khi đã ở tuổi 79, NSND Bạch Tuyết vẫn miệt mài hoạt động nghệ thuật và không ngừng làm mới mình khi tham gia đóng phim, làm nội dung mạng xã hội... Mỗi ngày, bà dành 4 tiếng để học trực tuyến, tích lũy thêm kiến thức về ngoại ngữ. Bà thích làm việc với nghệ sĩ trẻ, thích tìm hiểu, cập nhật các xu hướng âm nhạc của Việt Nam và thế giới. Ngôi sao gạo cội đã cho ra mắt những ca khúc cải lương được chuyển thể từ nhạc trẻ, tìm tòi hướng đi để cải lương đến gần hơn với thế hệ hiện đại.

Năm 2022, nghệ sĩ Bạch Tuyết kết hợp cùng ca sĩ trẻ Hoàng Dũng trong ca khúc “Về nghe mẹ ru” và trở thành một “hiện tượng” của làng nhạc Việt; tiếp đó, giữa tháng 6 năm ngoái, bà hợp tác cùng rapper Wowy phát hành bản rap kết hợp cải lương mang tên “Tia sáng cuối cùng”.

Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết – “cải lương chi bảo“ - ảnh 2NSND Bạch Tuyết và Hoàng Dũng trong MV "Về nghe mẹ ru". Ảnh: sggp.org.vn

Nghệ sĩ Bạch Tuyết cho biết:"Tôi đã kết hợp nhạc Trịnh với tân cổ. Khi kết hợp với nhau khán giả cũng thích lắm vì qua văn học của nhạc Trịnh, mình lại phát triển được một số câu trong bài vọng cổ, nó thanh nhã hơn, mới hơn. Đối với bài “Em gái mưa”, sau khi làm xong, tôi rất xúc động. Trong bài hát có những cách sử dụng từ của thế hệ trẻ, rất dễ thương, rất văn minh, xúc tích. Như vậy sẽ thêm được một chút văn học cho cải lương, nó vừa mang tính thời đại, rất hợp với các bạn trẻ. Âm nhạc và nghệ thuật làm cho người ta đỡ buồn. Vì lý do gì mà mình không làm cho nó nhiều mặt, làm cho nó sinh động lên và phong phú hơn nữa, để cho cuộc sống này đẹp hơn."

Trung tuần tháng 1 vừa qua, NSND Bạch Tuyết được tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 50 người phụ nữ trên 50 tuổi (50 Over 50) có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Á. Ðây là lần đầu tiên có một nghệ sĩ Việt Nam được vinh danh mang tầm cỡ châu lục. Ði hát khi còn trẻ, đến nay, khi đã 79 tuổi, bà vẫn nặng lòng, dành nhiều tâm huyết với nghệ thuật cải lương, và luôn là "Cải lương chi bảo" trong lòng công chúng.

Feedback