Nhiều nghệ sĩ chọn đưa những chất liệu truyền thống kết hợp với hiện đại, để vừa tạo ấn tượng, và cũng là cách để đưa dòng nhạc truyền thống trở nên quen thuộc và gần gũi hơn với người trẻ.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Phương Mỹ Chi là một ca sĩ trẻ đã có 10 năm theo đuổi âm nhạc truyền thống. Mới đây, nữ ca sĩ đã cho ra mắt Album mang tên Vũ trụ cò bay. Trong đó, Phương Mỹ Chi thể hiện những ca khúc được lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học, như: "Vũ trụ cò bay", "Gối gấm" (mượn ý thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương), "Vũ trụ có anh" (lấy chất liệu từ truyện cổ tích Tấm Cám), "Chiếc lược ngà" (truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng),…Bên cạnh đó, phần trình diễn của Phương Mỹ Chi được đầu tư rất công phu và có cả sự kết hợp giữa các nhạc cụ dân tộc, gồm: đàn nhị, sáo, đàn bầu và phổ biến văn hoá múa chén.
Hình ảnh của Phương Mỹ Chi trong album “Vũ trụ cò bay”. - Ảnh: Báo Sài gòn giải phóng |
Ngoài Album Vũ trụ cò bay, trong MV Chiếc lược ngà, Phương Mỹ Chi cũng kết hợp với nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Kim Tử Long và nhóm nhạc DTAP, lồng ghép tác phẩm văn học Việt và loại hình cải lương với âm nhạc hiện đại.
Phương Mỹ Chi cho biết với cô, việc có những sản phẩm kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và truyền thống, như: cải lương, vọng cổ là một điều rất tốt. Bởi việc kết hợp này giúp tác phẩm không bị đơn điệu và chạm được đến trái tim của nhiều khán giả trẻ: "Em hay các bạn trẻ, không chỉ gen Z hay gen Y,… nên kế thừa và phát huy những gì liên quan đến truyền thống dân tộc Việt Nam."
Trong khi đó, từ năm 2019 đến nay, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh (sinh năm 1990) và các cộng sự đã thành lập dự án văn hóa, nghệ thuật đa ngành “Lên ngàn” để phục vụ cộng đồng. Điểm nhấn của dự án là việc đưa yếu tố nghệ thuật truyền thống của Việt Nam vào hình thức nghệ thuật đương đại thế giới. Qua đó tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, hấp dẫn. Vở diễn 'Cõi thinh không' là 1 ví dụ Sự tương tác với nghệ thuật tuồng qua Cõi thinh không rất tích cực. Khán giả có thể cảm nhận nhiều chất liệu âm nhạc truyền thống đã được sử dụng.
Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Quốc Hoàng Anh, chia sẻ: "Chúng tôi chú trọng lấy chất liệu văn hóa, nghệ thuật của địa phương làm nền tảng, sau đó phát triển chúng, hơn là kết hợp với âm nhạc phương Tây. Tuy là âm nhạc điện tử nhưng thực ra là chơi theo phong cách tuồng, và nó chỉ thay đổi nhạc cụ thôi, chứ thực ra nó là nhạc truyền thống. Chỉ cần chúng ta thay đổi phương tiện thì văn hóa truyền thống có thể có sức hấp dẫn mới đối với các bạn trẻ. Như thế sẽ góp phần giúp cho nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Tuồng nói riêng vẫn được sống trong đương đại."
NSUT Kim Tử Long - Ảnh: VOV |
Theo NSƯT Kim Tử Long, việc mà nhiều nghệ sĩ trẻ đang làm là một xu hướng để khán giả thay đổi góc nhìn về nghệ thuật truyền thống. Qua đó, khán giả, nhất là những người trẻ, có thể vừa cảm thụ được tân nhạc, vừa cảm thấy nghệ thuật truyền thống không phải là nghệ thuật cổ, mà lãng quên: "Các bạn trẻ đã mạnh dạn đưa cải lương, đờn ca tài tử, điệu lý vào các bài tân nhạc hoặc ca nhạc dân ca. Đó là một sự mạnh dạn và có đầu tư về âm nhạc. Tôi rất ủng hộ bởi điều đó tạo nên sự tò mò để khán giả vào nghe hoặc xem."
Dưới góc nhìn của người trẻ, Bùi Thị Nam Giang, 21 tuổi, ở TP.HCM, cho biết khi nghe những ca khúc có sự kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và dân ca, cải lương, bản thân cô cảm thấy rất ấn tượng. Yếu tố truyền thống và hiện đại kết hợp đan xen khiến cho người nghe cảm thấy dễ chịu: "Khi tiếp xúc với những thể loại âm nhạc mới như vậy, tôi thấy rất phấn khởi và bản thân cũng cảm nhận được sự mới mẻ khi nghe những loại nhạc này. Đôi khi, sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống khiến cho mình thấy hoài niệm về cái cũ, song song với đó là cảm giác mới mẻ và sáng tạo trong các giai điệu âm nhạc mới."
Sự sáng tạo, giao thoa giữa âm nhạc hiện đại và âm nhạc truyền thống góp phần tạo ra sự khác biệt, khiến cho các tác phẩm âm nhạc có thêm các giá trị riêng biệt trong đời sống hiện nay. Đó cũng là cách để phát huy và giữ gìn được nét đẹp dân tộc trong đời sống đương đại hiện nay.