Vở nhạc kịch Khung cảnh lãng quên do đạo diễn Olivier Dhenín Hữu dàn dựng, với sự hợp tác giữa các nghệ sĩ Pháp và Việt Nam. Đây là hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, dưới sự bảo trợ của Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Pháp và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Qua hai buổi trình diễn ở TP HCM và Hà Nội, khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi vở opera kết hợp cải lương của một đạo diễn người Pháp gốc Việt kể về quá khứ lại gợi nhiều rung cảm đến vậy.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Vở nhạc kịch “Khung cảnh lãng quên” đã đoạt giải nhất trại sáng tác “Villa de Saigòn” năm 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một vở nhạc kịch thơ gồm năm hồi, mang tính sử thi và trữ tình, đề cập đến câu chuyện của một gia đình đã rời đất nước từ những năm 50 nhưng tâm hồn và tình cảm luôn hướng về quê hương, ghi nhớ những ký ức sâu đậm về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Hơn 3 giờ đồng hồ, vở opera năm hồi của biên kịch - đạo diễn Olivier đưa khán giả ngược dòng quá khứ, không chỉ tìm lại ký ức lãng quên dọc theo biên niên sử những gia đình phải ly tán trong thời Pháp thuộc, mà còn sống lại cả lịch sử ngàn năm văn hiến đầy thăng trầm lẫn hào hùng của nước Việt con cháu Rồng Tiên.
Vở nhạc kịch Khung cảnh lãng quên không chỉ thể hiện được tấm lòng và tình cảm gắn bó của những người Việt xa quê hương, đăc biệt vào giai đoạn đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chịu đựng nhiều tàn phá, mất mát mà còn chứng tỏ mối quan hệ lịch sử sâu sắc, lâu đời, sự giao lưu, trao đổi về văn hóa giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp, mặc dù trải qua nhiều biến cố lịch sử.
Các diễn viên góp mặt trong vở kịch - Ảnh: artrepublik.vn |
Câu chuyện kịch kể về Antonin, cháu trai của Rosaline, một phụ nữ Việt Nam rời Sài Gòn năm 1958 với các con để sang Pháp cùng chồng - một người Việt từng là phi công trong quân đội Pháp. Louise - con gái bà - có rất ít ký ức về tuổi thơ ở Sài Gòn. Cuộc sống Pháp đã xóa nhòa quá khứ gia đình. Ở đất nước mới này, cô lớn lên và quên mất quê hương, giống như mẹ cô đã từ bỏ cuộc sống trước đây của mình. Antonin - con trai của Louise, cháu ngoại của Rosaline - cố gắng tìm lại ký ức gia đình thông qua những câu chuyện từ bà ngoại, những bức ảnh cũ, những cuốn sách. Trí tưởng tượng gợi nên từ những câu chuyện, hình ảnh và tranh vẽ đã giúp làm sống lại những khung cảnh bị lãng quên này trong cậu và gia đình. Thời gian trôi qua và nỗi mất mát dần vơi đi, nhường chỗ cho sự hòa giải
Đi tìm ký ức đã mất, Khung cảnh lãng quên là bức họa lịch sử trữ tình về một Việt Nam ngàn năm văn hiến và mối liên hệ với Pháp lần đầu tiên được đưa lên sân khấu. Olivier Dhénin Hữu sử dụng sân khấu như một chiếc hộp thần kỳ quay ngược thời gian để kể lại biên niên sử của tổ tiên ông thông qua góc nhìn Lịch sử và Truyền thuyết: triều đình Đại Nam, huyền thoại đất Rồng,…
Kết hợp giữa opera và cải lương, vở opera Khung cảnh lãng quên đầy kịch tính đan xen giữa lời thoại, bài hát và âm nhạc. Một hình thức opera mới hòa quyện tinh thần phương Đông và phương Tây để kể câu chuyện về những khung cảnh bị lãng quên và được tái khám phá.
Nhà thơ, nhà soạn kịch và đạo diễn sân khấu Olivier Dhénin Hữu - Ảnh: artrepublik.vn |
Olivier Dhénin Hữu là nhà thơ, nhà soạn kịch và đạo diễn sân khấu, hiện đang sống tại Paris và Rochefort. Ông xem văn chương và sân khấu như một nơi để tồn tại và để lưu giữ ký ức, sự nghiệp kịch nghệ của ông chủ yếu liên quan đến âm nhạc. Ông vừa theo học song song ngành văn chương tại Đại Học Paris VII và khóa đào tạo âm nhạc tại Nhạc Viện Quốc Gia vùng Amiens, nơi đưa ông đến với vai trò điều phối nghệ thuật tại một nhà hát kịch, sau đó tự công ty biểu diễn nhạc kịch Winterreise. Ông là nhà văn đoạt giải thưởng của tổ chức Fondation des Treilles cho vở Waldstein. Năm 2021, Olivier Dhénin được chọn tham gia chương trình lưu trú sáng tác Villa Saigon của Viện Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2023 với tác phẩm Khung cảnh lãng quên trong ký ức, vở opera được thực hiện cùng với nhạc sĩ Benjamin Attahir.
Ngoài các nghệ sĩ tài danh khác , trong vở nhạc kịch này còn có sự xuất hiện của một nghệ sĩ gốc Việt nữa là giọng ca nữ trung cao Léa Bảo Ngọc Badillo. Với giọng hát nhẹ nhàng, linh hoạt cùng tông giọng đặc trưng, Léa dễ dàng nhập các vai nhân vật nam mà cả diễn viên nữ và nam đều có thể đóng, và được đánh giá cao. Tác phẩm của cô đã đạt Giải Nhất về Ca hát từ Học viện âm nhạc Quốc tế Flaine vào tháng 8 năm 2021. Ngoài ra, Léa Badillo đã hai lần lọt vào vòng chung kết cuộc thi âm nhạc quốc tế Marmande ở hạng mục Giai điệu Pháp.