Người La Hủ thuộc nhóm dân tộc Tạng - Miến và được biết đến với nhiều cái tên khác như Xá Lá Càng, Cò Xung, Khù Sung, Khả Quy... Đây là dân tộc thiểu số ít người trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, sinh sống duy nhất ở huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trải qua nhiều thế hệ du canh, du cư qua các cánh rừng nơi thượng nguồn sông Đà, theo mỗi mùa lá rụng để sinh tồn, đến nay, người dân La Hủ từ bỏ tập tục di cư tự do để xuống núi định cư, ổn định cuộc sống.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bên bếp lửa trong ngôi nhà được Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu xây dựng, ông Ly Xạ Pu, ở bản Nhú Ma, xã Pa Ủ, chia sẻ: Những năm trước, năm nào ông và gia đình cũng đi tìm vùng đất mới. "Du canh du cư theo nhóm hộ là rất nhiều, ở trên chỗ rừng già chủ yếu là phát nương thôi. Chỗ nào trồng được ngô và lúa nương phát xong hết rồi lại xuống thấp. Thiếu đói thì cứ đi đào củ mài, củ nâu và kiếm được cái gì người ăn được thì ăn vào để sống thôi. Nhà chỉ có lán tạm thế thôi, chăn màn cũng không có, quần áo cũng không có mặc đâu. Thế rồi đêm ngủ cũng chỉ biết lấy củi đốt xung quanh. Khổ lắm, đời sống của bà con chỉ lủi thủi trong rừng như thế thôi.
Thói quen du cư của dân tộc La Hủ trước đây thực hiện vào mùa lá rụng hàng năm. Ảnh VOV |
Từ thuở xưa, đồng bào La Hủ đã quen cư trú trên núi cao, rừng sâu, sống biệt lập với thế giới bên ngoài, ngại giao tiếp với người lạ, không biết tiếng phổ thông, thiếu hiểu biết, vì thế không có mảnh vườn, vạt nương nào là vĩnh viễn với họ. Chủ tịch UBND xã Pa Ủ Phí Chí Giá chia sẻ: "Vận động và con du canh, du cư từ trên rừng hoặc các chỏm bản cũng cần phải có một quá trình. Cấp ủy, chính quyền đã vào cuộc vận động, đặc biệt như là ở Hà Nê và Hà Xi, trước đây là 2 nhóm hộ khác nhau. Qua quá trình vận động bà con xuống núi, cùng với các chính sách đầu tư của bản và nhà nước, hiện tại bà con tập trung về một bản để xóa dần đi những cái khó khăn.
Trên những nẻo đường di cư của đồng bao La Hủ, lực lượng biên phòng tỉnh Lai Châu đã lặng lẽ đồng hành, vượt qua từng vách đá và vai áo nhuộm trắng cả sương trời, gió núi. Sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động, đồng bào La Hủ đã hiểu ra cái lý của Bộ đội biên phòng để xuống núi lập bản định cư, làm quen với cuộc sống mới. Chị Lu Lỳ Ga ở bản Hà Xi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, một trong những người đầu tiên xuống núi lập bản vào năm 2006, chia sẻ: Ngày ấy, khi bà con đang sống nay đây mai đó trong những mái lều tranh nơi rừng thiêng nước độc, được bộ đội biên phòng vận động xuống núi và được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ cuộc sống thì bà con mừng lắm "Sống lang thang trên rừng bà con khổ lắm. Ở trên núi cũng không có một chỗ thờ cúng tổ tiên, đi đến đâu là mình phải làm bàn thờ ở đó. Thấy bộ đội biên phòng tìm đến nói, xuống núi ở sẽ bớt khổ, con cháu mình sẽ được đi học chữ, không còn đói rét nữa. Khi thấy một hộ, hai hộ theo chân bộ đội xuống núi nên mình cũng theo xuống. Về ở bản mới có nhà cao rộng để ở, được hỗ trợ cuộc sống, bà con không còn phải chịu đói rét nữa."
Những ngày di cư tự do, đồng bào Lai Hủ thường sống từng nhóm hộ trong rừng sâu, biệt lập với thế giới bên ngoài. |
Từ một vài hộ ban đầu, số hộ dân tin và theo bộ đội biên phòng xuống núi định cư ngày càng nhiều. Năm 2020, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Công an, tỉnh Lai Châu, đã có Đề án 245 hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại huyện Mường Tè, trong đó có đồng bào La Hủ. Chưa đầy 3 tháng, hơn 1.000 căn nhà được lực lượng biên phòng cùng với các lực lượng khác tại địa phương xây dựng cho bà con. Thượng tá Phan Văn Hóa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu, nhớ lại:
"Đề án triển khai vào mùa mưa nên bước đầu triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã động viên cán bộ, chiến sĩ, triển khai bằng các biện pháp tích cực, bằng nhiều biện pháp làm. Với am hiểu về phong tục của đồng bào trên địa bàn, cán bộ chiến sĩ đã phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình để triển khai hiện theo đúng sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lai Châu. Trong quá trình triển khai thì phân công cụ thể các đồng chí thủ trưởng Bộ Chỉ huy, rồi các phòng ban vào chỉ đạo và tham gia trực tiếp cùng anh em; động viên anh em trong mùa mưa nên đã hoàn thành toàn bộ."
Trẻ em người La Hủ từng phải theo cha mẹ, ông bà sống tạm bợ trong các cánh rừng |
Bên ngôi nhà mới của gia đình, ông Thàng Mý Sè, ở bản Mu Chi, xã Pa Ủ, cho biết: "Đời sống của dân tộc La Hủ chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, không đủ ăn, chủ yếu là ăn củ mài, củ nâu lấy ở rừng về. Được sự quan tâm của Đảng, trực tiếp là bộ đội biên phòng vận động dân tộc chúng tôi về sống thành từng bản. Bây giờ thì bản đã rất to, rất đẹp, có nhà khang trang hơn trước nhiều. Bộ đội xuống hướng dẫn cho chúng tôi làm ruộng nước, khi thu hoạch thì thế nào, chăm sóc thế nào, rồi bón phân, bày cho dân thật là cụ thể. Cho nên bây giờ thì đời sống của nhân dân đã nâng lên, bàn làng thì thấy no ấm.
Người La Hủ từng mong ước có một nơi ở ổn cư để sinh sống, để làm ăn, người già không còn phải leo núi nữa. Những mong ước giản đơn đó nay đã thành sự thật khi khắp các bản làng là hình ảnh những ngôi nhà mới ấp áp nghĩa tình quân dân.