Lễ thổi tai của người Tây Nguyên

Hải Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Theo quan niệm của đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Nguyên thì trí tuệ con người nằm ở lỗ tai.

Sau khi trẻ sơ sinh được đặt tên, trong vòng từ 1 đến 3 tháng tuổi, gia đình các tộc người vùng Tây Nguyên sẽ tổ chức lễ thổi tai cho em bé. Đây là nghi lễ nhằm gửi gắm mong muốn, ước nguyện đến thần linh, tổ tiên phù hộ, che chở cho đứa trẻ mạnh khỏe và khôn lớn.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
 Thổi tai là một trong những nghi lễ quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Đây là bước đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp cuộc đời để qua đó thần linh, gia đình và cộng đồng đón nhận một thành viên mới, một con người mới đến với buôn làng.
Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết:  Hầu như tộc người nào ở Tây Nguyên cũng có lễ thổi tai. Sau khi đứa trẻ sinh ra người ta quan niệm chưa đến 1 tuổi đứa bé chưa biết nói, nó chỉ là một sinh linh thôi, mà muốn là con người cộng đồng thì đứa bé đó phải tiếp thu truyền thống văn hóa của cộng đồng.
Với người Tây Nguyên, cá nhân con người, gia đình với cộng đồng là sự hòa quyện chặt chẽ, không tách rời. Cho nên lễ thổi tai tuy dành cho 1 thành viên gia đình nhưng thực ra là cho cả cộng đồng. Bởi vì từ nay trở đi đứa bé là thành viên của cộng đồng.
Lễ thổi tai của người Tây Nguyên - ảnh 1 Vật phẩm rượu, gà trong ngày tổ chức lễ. Ảnh: VOV

Để tiến hành lễ thổi tai, ngay từ khi người mẹ sinh đứa trẻ, gia đình đã bắt đầu chuẩn bị vật phẩm dâng cúng thần linh, tổ tiên, như: gà, lợn, hoa quả, bánh kẹo… gia đình khá giả thì mổ trâu, bò. Ngoài chuẩn bị vật phẩm dâng cúng tổ tiên, như: gà, lợn, hoa quả, bánh trái… thì 1 cây nêu nhỏ cũng được gia chủ tiến hành dựng ngay trong nhà. Cây Nêu trong ngày lễ thổi tai là loại cây đặc trưng của đồng bào làm bằng tre, tỉa nhánh và vẽ hoa văn lên thân cây nêu.

Ông Đinh Pờ Ly, trưởng nhóm dân tộc Bana tại làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam, cho biết: Cây nêu dựng gọi là cây nêu bàn thờ nên cây nêu bé. Cây nêu ở gần bàn thờ để mình dễ thấy, dễ nhớ. Mời thần linh, các cụ tổ tiên về chứng kiến cùng gia đình.

Khi lễ vật đã đủ đầy gia chủ sẽ mời người đến làm lễ. Tùy từng dân tộc mà chủ lễ có thể là thầy cúng, bà mụ hoặc chính cha mẹ đứa trẻ. Thông thường bà mụ tiến hành cúng mời thần linh, tổ tiên.

Lễ thổi tai thường được tiến hành vào buổi chiều nhưng ngay từ sáng, bà mụ và người thân gia đình đã được mời đến để dùng bữa cơm trưa. Sau khi ăn xong là làm lễ thổi tai. Thổi bên tai phải trước bên tai trái sau. Bà mụ sẽ dùng một ống nứa dài khoảng 30 cm rỗng ở hai đầu. Sau đó đặt sát vào tai đứa trẻ thổi nhẹ qua ống vào tai đứa bé và nói những lời cầu chúc mong muốn tốt đẹp nhất sẽ đến với đứa trẻ.

Trình tự người thổi tai trong buổi lễ bắt đầu từ chủ lễ, rồi đến cha mẹ đứa trẻ, cuối cùng mới đến họ hàng và xóm làng. Nếu con gái cầu xin lớn lên xinh đẹp, giỏi bếp núc với con trai phải giỏi săn bắn, biết cầm vũ khí bảo vệ dân làng. Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết:

Người Tây Nguyên chọn ngày tốt làm lễ thổi tai cho đứa bé. Chủ lễ làm lẽ thông báo với Giàng hôm nay gia đình, cộng đồng sẽ làm lễ thổi tai cho đứa bé. Chủ lễ là người thổi và nói đầu tiên sau đó đến cha mẹ và những người xung quanh nói thêm vào. Mỗi người nói một ít coi đứa bé là thành viên của cộng đồng và nói chuyện với bé về những điều tốt đẹp, trao truyền kinh nghiệm sống, kinh nghiệm lao động, sản xuất, trao truyền văn hóa… cho đứa trẻ.

 Sau nhưng lời chúc phước cho trẻ, chủ lễ sẽ lấy một chút rượu quệt nhẹ lên miệng, lên trán bé. Đó cũng là lúc nghi lễ kết thúc và mọi người chuyển sang phần ăn uống, ca múa hát. Những ai được mời dự lễ có thể mang quà tặng, ai có gì mang nấy cốt là ở tấm lòng để mừng chúc cho gia chủ.

Theo quan niệm của đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Nguyên thì trí tuệ con người nằm ở lỗ tai. Mỗi con người khi mới chào đời đều phải làm lễ thổi tai để được truyền trí khôn. Chừng 1 tuần sau ngày làm lễ thổi tai, người mẹ bế đứa trẻ đi chơi sang nhà họ hàng để nhận quà. Quà cho bé thường là lưỡi cuốc, chuỗi hạt cườm, hay nắm bông, sợi chỉ… không nặng về giá trị nhưng có ý nghĩa biểu trưng, với mong muốn đứa trẻ mạnh khỏe, sau này có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.

Feedback