Người Thu Lao ở thôn Sán Chá, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày hay vào dịp lễ hội, Tết, ngày cưới… Những bộ trang phục đó được dệt, thêu may thủ công, dù màu sắc đơn giản, nhưng đường kim, mũi chỉ lại rất cầu kỳ, tạo nên sự bền chắc mà độc đáo.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Trang phục truyền thống của dân tộc Thu Lao thường may bằng chất liệu vải bông, tự dệt. Màu chủ đạo trên bộ trang phục là màu đen, ít hoa văn trang trí. Mỗi họa tiết, hoa văn trên trang phục người Thu Lao đều gắn với thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt, lao động thường ngày. Anh Lừ Xuân Thương, trưởng thôn Sán Chá, cho biết: "Trước đây dân trồng nhiều cây chàm, nay do còn ít nên mua thuốc cùng với củ nâu luộc rồi đem ra phơi, phơi xong lại giặt rồi lại phơi tầm khoảng 2 đến 3 lần thì vải mới có màu đen và màu chàm. Bộ trang phục dân tộc Thu Lao của phụ nữ cơ bản váy và áo. Váy thì làm cầu kỳ hơn vì lúc làm phải có hoa văn trang trí, áo cũng có trang trí hoa văn. Nam giới có quần áo thường màu đen, bộ trang phục nam đơn giản hơn nữ. Ở đây, cứ vào dịp lễ, tết, bà con Thu Lao lại mang những bộ trang phục truyền thống ra để mặc, đi chơi trong làng."
Vải bông trắng qua nhiều công đoạn làm nên bộ trang phục của người Thu Lao.
Ảnh: Giàng Seo Pùa (VOV4) |
Áo của người Thu Lao thường được xẻ nách phải, cổ tròn đứng, cúc thường đơm bằng vải. Giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, khi mặc trang phục, người phụ nữ Thu Lao cũng đeo nhiều trang sức. Người Thu Lao quan niệm bạc mang lại nhiều may mắn, cho nên đồ trang sức bằng bạc luôn được người Thu Lao sử dụng. Trong gia đình, người phụ nữ là người may quần áo cho các thành viên.
Chị Thào Thị Sáo, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thào Chư Phìn, cho biết: "Đối với người Thu Lao chủ yếu là tự may quần áo, phục vụ nhu cầu trong gia đình. Hiện nay, chị em người Thu Lao vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Cứ vào dịp lễ hay ngày Tết thì chị em đều mặc trang phục truyền thống dân tộc rất đẹp."
Chị em phụ nữ Thu Lao hướng dẫn nhau may trang phục truyền thống.
Ảnh: Thanh Hải/Báo Nông nghiệp |
Phụ nữ cũng là người truyền dạy cho con cháu của mình, biết cách dệt vải, may những bộ trang phục truyền thống. Chính vì vậy những bộ trang phục truyền thống của họ đến nay vẫn được lưu giữ nguyên bản, không có sự cách tân. Người Thu Lao rất tự hào khi bảo tồn khá nguyên vẹn nghề may trang phục dân tộc.
Chị Vàng Thị Viễn, ở thôn Sán Chá, bày tỏ: "Khi khoác lên mình bộ quần áo truyền thống dân tộc, chị em chúng tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi mong thật cố gắng học hỏi được nhiều từ các bà may quần áo và sau này hướng dẫn lớp trẻ gìn giữ bản sắc dân tộc của người Thu Lao.
Ở thôn Sán Chá có hơn 100 hộ dân người Thu Lao thì mỗi thành viên trong gia đình từ già đến trẻ đều có từ 1 đến 2 bộ trang phục truyền thống. Chị Séo Thị Lễ, ở thôn Sán Chá, bộc bạch: "Khi mẹ tôi dệt vải thì mẹ vẫn dạy tôi cách làm để sau này còn biết nghề. Tại vì theo như dân tộc Thu Lao vải dùng rất nhiều, may quần áo hằng ngày mặc, may đồ địu cho các cháu bé nữa. Đến khi mất thì người ta cũng phải may quần áo cho người đã khuất. Nên nhà nào cũng phải có vải dệt sẵn để trong nhà, nhà nào cũng may quần áo, không làm không được."
Hoa văn trên những bộ trang phục của người Thu Lao không lẫn với các dân tộc khác. Trong các ngày lễ, tết, cưới xin… trang phục của người Thu Lao mang sắc thái rõ rệt, phản ánh những nhận thức về thẩm mỹ dân gian, tín ngưỡng, đạo đức, ước mơ, khát vọng của con người. Với người Thu Lao, trang phục truyền thống của họ chứa đựng giá trị về văn hóa, tín ngưỡng, không đơn thuần là chỉ sử dụng bộ quần áo để mặc.