Lễ hội Ada của dân tộc Pa kô

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Dù cuộc sống hiện nay đã nhiều thay đổi, nhưng phong tục tập quán trong lễ hội Ada vẫn được gìn giữ, tạo sự hấp dẫn thu hút khách du lịch đến chiêm nghiệm, hiểu thêm về dân tộc Pa kô.  

Lễ hội Ada mừng lúa mới là lễ  hội lớn và quan trọng nhất trong năm của dân tộc Pa kô. Lễ hội được tổ chức vào ngày 6 tháng 11 âm lịch, vì theo quan niệm của người Pa kô đó là ngày đẹp và may mắn nhất trong năm. Lễ hội Ada gồm cả phần lễ và phần hội mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt. Lễ hội Ada thể hiện nét tín ngưỡng dân gian vẻ đẹp văn hóa của dân tộc Pa kô.

Lễ hội Ada của dân tộc Pa kô - ảnh 1

Nghi lễ tín ngưỡng dân gian độc đáo của tộc người sinh sống trên dãy Trường sơn đầy kỳ bí. (Ảnh: khamphadisan)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Cứ đến gần cuối năm, khi lúa trên rẫy đã đến độ chín vàng, trời đông bắt đầu se lạnh cũng là lúc các buôn làng của người Pa kô náo nức chuẩn bị cho lễ hội Ada để cảm ơn trời đất, thần linh đã cho một mùa vụ bội thu. Nhà nhà trong buôn đều chuẩn bị những đồ ăn thức uống ngon nhất, mọi người chuẩn bị trang phục đẹp đẽ nhất để chuẩn bị đón khách quý. Người Pa kô rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, bởi họ tin vào các thần linh huyền bí, đặc biệt là vị thần lúa mang lại hạnh phúc ấm no cho dân tộc họ. Lễ hội Ada cũng được gọi là Tết mừng lúa mới hay mừng cơm mới, là dịp Tết sum họp các dòng họ, thể hiện rõ nét phong tục tập quán truyền thống của người Pa kô. Ông Hồ Văn Đô, dân tộc Pa kô, cho biết: “Bất cứ con cái đi làm ăn xa, khi đến dịp lễ Ada đều phải về. Đồng bào Pa kô tụ tập đầy đủ, ngồi uống rượu, trò chuyện xem trong một năm làm ăn phát đạt cái gì, cái gì chưa đạt để năm tới làm ăn phát đạt hơn”.

Trước khi lễ hội được tổ chức, các già làng bàn kế hoạch tiến hành trình tự như thế nào; từ khách mời, đón tiếp khách, chuẩn bị các lễ vật dâng cúng theo đúng nghi thức tín ngưỡng truyền thống. Và một việc quan trọng nữa là bình chọn người đứng đầu có uy tín để điều hành lễ hội. Khi mọi việc đã bàn thống nhất, các già làng phân công từng dòng họ chuẩn bị mọi thứ cho lễ hội. Thường là người đàn ông chuẩn bị các con vật nuôi phục vụ các nghi lễ cúng, phụ nữ kiếm sản vật từ rừng như: măng tre, nứa, các loại lá cây rừng như: đọt mây, đoác…để chế biến các món ăn truyền thống. Bà A Viết Thị Nhi, dân tộc Pa kô ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: “Cái lễ chủ yếu của dân tộc mình là lễ Ada. Trong lễ hội cúng Ada phải có các sản vật cúng Giàng như:  cơm lam, gà nướng ống, thịt lợn, chim, ếch, cá…Có khi  nghi lễ chỉ diễn ra trong một vài ngày, nhưng phải chuẩn bị trước đó cả tuần”.

Lễ hội Ada của dân tộc Pa kô - ảnh 2Nghi lễ tín ngưỡng dân gian độc đáo của tộc người sinh sống trên dãy Trường sơn đầy kỳ bí. (Ảnh: khamphadisan) 

Từ các loại lá cây rừng phụ nữ Pa kô dùng để chế biến các thành các món ăn truyền thống của dân tộc như: Peng, clưm, cloar  hay bánh A quát.. Theo quan niệm của người Pa kô, thời gian để cúng lúa mới, cúng thần linh là vào buổi sáng, bởi vào lúc đó khí trời tốt nhất trong ngày. Lễ hội bắt đầu rộn rã khi những khách mời đến. Khách quý đi từng đoàn mang theo nào lợn, bò; gà, vịt, cá…đến góp vui cùng lễ hội. Trong buôn, gia đình nào cũng phải chuẩn bị ba mâm đồ để cúng tạ ơn các Giàng: Giàng xứ Núi ( Thần núi), Giàng Tro ( Thần Lúa),  Giàng A ưm, Adủa, Atoong (Thần bắp, kê, đậu ). Ông Hồ Văn Hạnh già làng dân tộc Pa kô cho biết: Đối với Giàng xứ núi thì phải cúng con vật to, có giá trị lớn như: Trâu hoặc Dê. Còn đối với giàng Tro ( thần lúa) đồ dâng cúng là các con vật như: Lợn, gà, vịt, cá… để tạ ơn các vị thần một năm qua đã cho mưa thuận gió hòa, lúa chất đầy kho, gà lợn nuôi lớn nhanh như thổi, con người khỏe mạnh không ốm đau. Trong nghi lễ cúng tế thần linh, ngoài mâm cúng dành cho các Giàng, thì mỗi gia đình còn chuẩn bị các mâm cơm dành cho khách quý gọi là “Khơi” và họ hàng, dân các làng khác được mời dự lễ hội. Các món ăn truyền thống đặc biệt từ các mâm cúng từ các “ bếp gia đình” cũng được dọn ra tiếp đãi khách quý thưởng thức. Theo truyền thống, mọi gia đình Pa kô đều chú trọng thực hiện phong tục này để làm “vừa lòng Giàng” thì lúc đó lễ hội mới thành công.

Sau khi phần nghi lễ cúng, là phần hội tạo nên sự rộn ràng, hấp dẫn cho lễ hội. Trong phần hội diễn ra những hình thức vui chơi, hát múa với các làn điệu dân ca tự ứng tác như:  Cha-chấp, ba-bói, câr-lơi..Các điệu múa, điệu nhảy lả lơi với tiếng đệm của các loại nhạc cụ cồng, chiêng…càng thu hút người trong và ngoài làng cùng đến lễ hội chung vui.

Cuộc vui có khi kéo dài 2-3 ngày thể hiện tình yêu, niềm lạc quan của người Pa kô trong cuộc sống. Với những nghi thức diễn xướng qua lễ hội này cho thấy nét đẹp bản sắc văn hóa của tộc Pa kô. Dù cuộc sống hiện nay đã nhiều thay đổi, nhưng phong tục tập quán trong lễ hội Ada vẫn được gìn giữ, tạo sự hấp dẫn thu hút khách du lịch đến chiêm nghiệm, hiểu thêm về dân tộc Pa kô và góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Feedback