Nhờ biết ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, học hỏi,ông A Hler người dân tộc Xê Đăng là gương điển hình về làm kinh tế giỏi. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn động viên bà con dân tộc trong xã Đak Mar, huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum vươn lên thoát nghèo.
Căn nhà này gia đình ông Hler xây dựng năm 2015. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thời gian từ năm 1995 trở về trước, đời sống của bà con dân tộc Xê Đăng ở thôn Kon Kơlok, xã Đak Mar, huyện Đak Hà, Kon Tum gặp nhiều khó khăn. Theo tập quán canh tác cũ cả năm bà con chỉ biết làm lúa rẫy một vụ. Năm nào mưa thuận gió hoà cũng chỉ đủ lương thực ăn qua ngày. Năm nào gặp hạn hán, lũ lụt, thiếu hụt. Không cam chịu với cái đói nghèo, ông A Hler đã lặn lội, học hỏi các hộ làm ăn giỏi tại các địa phương khác như ở Dak Lak, Gia Lai… Đến năm 1996, ông A Hler quyết định vừa làm lúa rẫy vừa trồng cây cà phê, cao su, bời lời. Nhờ kiên trì học hỏi, đến nay, gia đình ông A Hler đã có hơn 2 ha cà phê, 1 ha cao su, 5 sào lúa ruộng và đàn gia súc, gia cầm hàng chục con. Trừ chi phí sản xuất, mỗi năm, gia đình ông thu về hơn 250 triệu đồng. Về chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế của mình, ông A Hler khẳng định học hỏi kỹ thuật, chăm chỉ chính là cách để thành công: “Cần phải luôn luôn học hỏi để hiểu biết, phải biết cách tính toán trong làm ăn, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật thì sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh đó cần phải tập trung sức lực, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như trong sản xuất. Trước đây tôi lao động vất vả, dùng sức lực nhiều. Hiện nay không còn vất vả như xưa, mọi việc đều được sử dụng máy móc, rút ngắn thời gian. Gia đình tôi hiện nay đã làm cây công nghiệp như cà phê, cao su, bời lời và trồng cây lúa nước”.
Gia đình ông A Hler nay đã có cơ ngơi chắc chắn, một căn nhà khang trang, rộng rãi, kiến trúc kiểu phương Tây, xây dựng từ năm 2015. Trong nhà có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình. Vườn quanh nhà rộng 3.700 mét vuông và một phần không gian bên hông nhà là nơi để xe máy và các loại máy móc phụ vụ sản xuất nông nghiệp. Tích luỹ được kinh nghiệm trồng cây công nghiệp và chăn nuôi, ông A Hler không ngần ngại, sẵn lòng giúp đỡ, hướng dẫn các hộ gia đình trong thôn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, cho cây cà phê, cao su, bời lời. Nhiều hộ gia đình học theo A Hler chuyển sang trồng cây công nghiệp, kết hợp chăn nuôi, đã vươn lên thoát nghèo. Ông A Bôm, già làng Kon Kơlok nói về ông A Hler: “Ông A Hler là một người rất tận tình giúp đỡ bà con trong thôn, ông đã dành thời gian nhiều hướng dẫn bà con về cách làm ăn sản xuất. Không chỉ phổ biến cho bà con trong cuộc họp, mà ông còn cầm tay chỉ việc cho bà con tận nương rẫy về kỹ thuật trồng các giống cây, hiện nay nhiều hộ gia đình đã có của ăn của để”.
Không những làm kinh tế giỏi, vợ chồng A Hler còn quan tâm, dạy bảo và lo cho các con học hành đến nơi đến chốn. Ông có 4 mặt con, 2 trai, 2 gái, nay đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Con trai đầu lòng là cán bộ thống kê của Công ty Cà phê 704; Con gái là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đak Mar, con trai kề út làm công nhân Công ty cà phê và con gái út vừa tốt nghiệp Trường Trung học Y tế tỉnh Kon Tum. Ông A Hler chia sẻ: “Mình thấy kiến thức quan trọng lắm, nên làm gì cũng cố khuyên con đi học. Đi học để mở mang đầu óc, để có nghề, có nghiệp, biết cách tính toán làm ăn”. Ông Đinh Thư, cán bộ Đak Mar cho biết: “Ông A Hler luôn ra sức tuyên truyền cho bà con thôn làng phải học tập, học kiến thức, học cách làm ăn, sinh hoạt. Ông rất siêng năng trong việc hướng dẫn biện pháp khoa học ứng dụng trong sản xuất. Năm 2016, ông A Hler được bà con bầu là người có uy tín của thôn, và cũng là 1 trong 4 người được vinh dự người có uy tín nhất của xã”.
Học theo mô hình, cách làm của ông A Hler, đến nay, hầu hết các gia đình trong thôn Kon Kơlok đều gắn bó với cây công nghiệp, không chỉ trông chờ lúa rẫy như ngày trước. Thôn Kon Kơlok, xã Đak Mar, những năm gần đây đang phát triển mạnh mô hình nông nghiệp đa dạng theo hướng sản xuất bền vững, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Có nguồn thu nhập ổn định, thôn Kon Kơlok của đồng bào dân tộc Xê Đăng giờ đây không còn hộ nghèo. Phong trào thi đua sản xuất lan đến cả những hộ gia đình trẻ. Bà con ai cũng muốn nỗ lực vươn lên bằng công sức, trí tuệ của mình, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần xây dựng buôn làng ngày một ấm no.