Cao Lan là một trong hai nhóm của dân tộc Sán Chay (Cao Lan – Sán Chí). Tại Bắc Giang, người Cao Lan tập trung chủ yếu ở 4 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. So với dân tộc Cao Lan ở các địa phương khác như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, văn hóa đồng bào Cao Lan ở Bắc Giang có một số nét khác biết. Trong đó có trang phục của người phụ nữ. Trang phục của người Cao Lan ở Bắc Giang rất độc đáo, chỉ cần nhìn vào trang phục của người phụ nữ Cao Lan là có thể nhận ra tộc người này.
Trang phục dân tộc Cao Lan - Ảnh: tuyengiao.bacgiang |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trang phục của người phụ nữ Cao Lan rất ít thay đổi cho đến thời kỳ những năm 60 của thế kỷ XX. Chiếc áo cổ nhất của người phụ nữa Cao Lan “Pù dằn dinh” – áo uyên ương có nghĩa là áo “bươm bướm”. Vì 2 từ “dằn dinh” là chỉ loài bươm bướm to. Sải cánh của chúng có thể bằng bàn tay còn loài bươm bướm nhỏ gọi là “Tú pệt nhứ” ý nghĩa của tên gọi chiếc áo này gợi cho ta thấy ước vọng của người phụ nữ Cao Lan muốn mình mặc đẹp như con bươm bướm. Cũng có nơi gọi là “Pù dàu dinh” nghĩa là áo du hương – áo mặc đi chơi hội hè ca hát từ bản này sang bản khác. Loại áo này được trang trí khá công phu và đẹp. Chị Nguyễn Thị Mai Thanh, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, giới thiệu: “Một trang phục hoàn chỉnh của người phụ nữ Cao Lan gồm một áo dài bên ngoài gọi là pù dằn dinh, một cái yếm ở bên trong gọi là sồng dím, váy cũng được dệt bằng vải chàm, ở chân cuốn sà cạp với quai xà cạp dệt thổ cẩm, trên đầu có đội khăn”.
Phụ nữ Cao Lan xưa dùng khăn dài để cuốn trên đầu. Khăn là một mảnh vải 6 vuông dài trên 2m, rộng khoảng 40cm màu chàm, khăn được cuốn trên đầu theo một lối riêng, hai đầu thừa thắt chéo nhau ở sau gáy và hạ xuống chấm vai che búi tóc.
Áo của phụ nữ mặc ngày thường là loại áo vải nhuộm chàm thẫm, dài quá đầu gối, tay chẽn hơi rộng ngang. Dưới gấu áo đáp liền nhau những miếng vải trắng, hình vuông. Áo không cúc, vậy nên khi mặc, phụ nữ Cao Lan sử dụng 2 dải vải màu, thường là màu xanh và đỏ, để làm thắt lưng bên ngoài. Hai bên cổ áo may đáp vải trắng, đen xen kẽ, trong đó vải đen có thêu các hoa văn theo truyền thống của người Cao Lan. Phần áo phía trước của phụ nữ Cao Lan được xẻ thàng 2 tà, như tà áo tứ thân của người Kinh, nhưng được viền bằng vải màu trắng. Còn phần lưng áo có thêu các họa tiết lớn. Các hoa văn của người Cao Lan do người phụ nữ tự tay thêu, đường kim mũi chỉ đều tay, rất đẹp. Nghệ nhân ưu tú Trạc Thị Ngọn, dân tộc Cao Lan ở bản Khe Nghè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang), chia sẻ: “Phần thêu mất thời gian nhất. Riêng thêu bộ hoa đã mất 6 ngày. Phải thêu đúng mẫu của người Cao Lan ngày xưa. Thường thêu hình hoa trám, hoa hồi, đằng sau phải thêu có gốc đa, các cụ từ thuở xa xưa dạy như vậy. Sau lưng cũng có hoa trám và thêu hình gốc đa, chim đậu trên cành đa. Tự dệt hết, thêu hoa xong đi may rồi mới chắp hoa vào, trước chúng tôi toàn tự khâu lấy, không biết may đâu”.
Phụ nữ Cao Lan thường dùng yếm che ngực, yếm có màu trắng hoặc đỏ, là một mảnh vải vuông khoét cổ tròn và có dây buộc sau gáy. Trong những ngày xuân đi chơi hội, ngày đi lấy chồng phụ nữ Cao Lan thường thắt ba đến bốn dải phải nhiễu điều ở eo bụng cái nọ đắp lên cái kia tạo dáng vẻ thướt tha uyển chuyển. Chị Mai Thanh cho biết: “Theo phong tục người Cao Lan, người con gái khi lấy chồng phải có cái yếm và đôi dải yếm. Nếu khi lấy chồng mà không có đôi dải yếm này thì được coi là người phụ nữ tái giá, vì vậy đôi dải yếm này rất quan trọng. Bình thường người phụ nữ có thể không cần mặc yếm mà mặc áo bên trong nhưng cô dâu mới về nhà chồng bắt buộc phải có dải yếm. Người ta nhìn vào dải yếm của cô dâu thì họ sẽ biết được cô dâu như thế nào. Ví dụ cô dâu không có dải yếm thì là người phụ nữ tái giá”.
Váy của phụ nữ Cao Lan gọi là “sồng bịn” là một tấm vải được khâu khép kín ghép bằng năm miếng vải, cạp váy nhỏ hơn gấp nẹp vằng vải khác màu thường là hoa văn xanh đỏ. Váy được buộc bằng lọn chỉ tết tròn, đầu chỉ để thành tua luồn vào trong cạp, phụ nữ Cao Lan còn dùng năm dây chỉ màu tết một cách khéo léo để khâu viền dưới gấu váy, họ mặc váy dài đến bắp chân. Ngày thường đi làm, phụ nữ Cao Lan thường thắt con dao nhỏ có vỏ dao ngang thắt lưng. Dây vỏ dao được dệt rất công phu và đẹp rộng 1cm với nhiều màu sắc.
Ở bắp chân, phụ nữ Cao Lan cuốn xà cạp bằng vải trắng với đôi quai dệt thổ cẩm. Nghệ nhân Trạc Thị Ngọn cho biết muốn xem một người phụ nữ Cao Lan có khéo tay hay không, ngoài việc xem miếng vải áo, váy họ tự dệt có đẹp không, hoa văn thêu có đúng kỹ thuật người Cao Lan không và đặc biệt người đó có biết dệt quai xà cạp không. Phần quai này được dệt riêng bằng một loại khung cửi nhỏ, đòi hỏi người làm ra nó phải có mắt thẩm mỹ cùng với một đôi tay khéo léo.
Ngày nay, tại Khe Nghè vẫn còn nhiều phụ nữ Cao Lan duy trì nếp tự tay dệt vải và thêu truyền thống của dân tộc mình. Đây là cách để họ vừa gìn giữ trang phục từ bao đời nay cũng như bảo tồn nghề truyền thống của ông cha để lại.