Hội làng Ngọc Tân – Nơi lưu giữ những trò chơi dân gian độc đáo

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) -Hội làng Ngọc Tân chính tổ chức nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc.

Cứ vào ngày mùng 1 và mùng 2/2 Âm lịch hằng năm, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, lại tổ chức lễ hội đình làng Ngọc Tân. Trong cái se lạnh của tiết trời đầu xuân, du khách và người dân nơi đây cùng  tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân và cầu mong một năm mới bình an, mưa thuận gió hòa. Một trong những điểm nhấn làm nên sức hấp dẫn của hội làng Ngọc Tân chính là việc tổ chức các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Làng Ngọc Tân nằm ở ngay chân núi Đẫu, ngọn núi cao nhất của huyện miền núi Đoan Hùng với 100% đồng bào là dân tộc Cao Lan. Đình làng Ngọc Tân được xây dựng từ năm 1803 dưới triều vua Gia Long năm thứ 2, và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1994. Đình thờ Tam vị Đại Vương thời Hùng Vương thứ 18 là Cao Sơn, Cao Đại, Cao Đài, những danh tướng đã có công giúp Vua Hùng dẹp giặc giữ nước.

Hội làng Ngọc Tân – Nơi lưu giữ những trò chơi dân gian độc đáo - ảnh 1Một hoạt động thi đấu trong Hội làng Ngọc Tân.-Ảnh fb Hoilang NgocTan

Không chỉ lưu giữ được nhiều hiện vật quý, đình còn giữ được lễ hội truyền thống tổ chức đầu tháng 2 âm lịch hàng năm. Cùng với phần tế lễ theo nghi thức truyền thống là các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, trong đó việc tổ chức các trò chơi dân gian là một trong những hoạt động được duy trì và phát huy từ nhiều năm nay ở hội làng Ngọc Tân.

" Bà con nhân dân và du khách không chỉ ở huyện Đoan Hùng mà ở nhiều địa phương khác đến dịp này là tụ hội về đây cùng nhau chơi các trò chơi dân gian như đi cà kheo, bắn nỏ, kéo co… Lễ hội góp phần đoàn kết giữa người dân các xã và các địa phương lân cận". Ông Trần Ngọc Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, cho biết:    

Đến hội làng Ngọc Tân, trò chơi đầu tiên không thể bỏ qua là đi cà kheo. Trước kia, cà kheo dùng làm phương tiện để lội suối, băng rừng. Ngày nay, đi cà kheo trở thành một nét văn hóa độc đáo được người Cao Lan giữ gìn, thể hiện mơ ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ở xã Ngọc Quan, nhiều người, thậm chí là các em nhỏ có thể đi cà kheo mọi địa hình và biểu diễn nhiều động tác thuần thục như đôi chân thứ hai của mình. Để tạo không khí cho ngày hội, ban tổ chức đã tổ chức trò chơi đi cà kheo bỏ đũa vào chai. Người chơi sẽ từ vạch xuất phát, di chuyển bằng cà kheo đến 7 chiếc chai đã được buộc sẵn, cho đũa vào trong chai. Đi cà kheo vốn không dễ, muốn vừa di chuyển trên cây cà kheo vừa bỏ được đũa vào chai đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì của người chơi. Vì thế, hoàn thành được trò chơi này không chỉ đem lại niềm vui cho người thắng cuộc mà cả sự thích thú cho người xem.

Em Nguyễn Thị Hồng Nhung, làng Ngọc Tân, xã Ngọc Quan chia sẻ: "Em đi cà kheo được sáu năm rồi. Do từ nhỏ được dạy và khi đi học ở Trường dân tộc nội trú được trường tổ chức cho bọn em vui chơi. Bí quyết quan trọng nhất để đi được cà kheo là phải giữ thăng bằng, tay phải chắc bên trên, chân bên dưới bước thoải mái."

Một trò chơi dân gian truyền thống khác của người Cao Lan cũng duy trì nhiều năm nay trong ngày hội làng Ngọc Tân là trò bắn nỏ. Hiện nay việc sử dụng nỏ để săn bắt giờ không còn phù hợp, nhưng như để nhắc lại các đấu tranh sinh tồn của tổ tiên nên vào những dịp lễ hội, các cuộc thi bắn nỏ lại được tổ chức.

Anh Nguyễn Văn Ngọc, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, cho biết:" Bắn nỏ thực chất không khó mà rất dễ. Cỏ bản là phải lấy được đường ngắm, tay không được run, thường thì khi bắn súng thì viên đạn bay lên, còn mũi tên thì đi xuống. Mình ngắm lấy được điểm chuẩn và bắn, khi bắn thì tay không được run,  nỏ không được nghiêng sang hai bên, giữ được đường thẳng."

Trò chơi dân gian khép lại hội làng Ngọc Tân cũng là trò chơi thu hút chú ý của tất cả mọi người tham dự chính là ném còn. Nghi thức ném còn chính là sự phát triển của nghi thức thờ mặt trời và thờ mặt trăng của cư dân nông nghiệp nơi đây. Ở giữa bãi đất trống, người ta dựng một cây nêu cao 13,5 m bằng tre tươi nguyên ngọn. Trên đỉnh cây nêu buộc một vòng tròn như vành nón đường kính năm mươi phân, bịt giấy bản màu đỏ.

Sau khi quả còn đầu tiên được tung lên, trò chơi ném còn bắt đầu. Những quả còn bay qua bay lại liên tục, mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi  việc buồn, ốm đau, mọi việc xấu sẽ được rũ sạch, thay vào đó là sự ấm no, hạnh phúc. Nếu ném trúng vòng tròn và xuyên thủng làm rơi giấy là âm – dương giao hoà, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu. Vì thế, tham gia ném còn, ai cũng háo hức không vì thắng thua mà vì mong ước một năm mới an lành.

"Ném còn là hình thức mua vui cho xóm làng trong ngày xuân, ngày lễ hội cũng như đám cưới, đám hỏi. Đây cũng là dịp để lớp trẻ tham gia và hiểu hơn về những trò chơi của dân tộc nói chung và của người Cao Lan nói riêng".Ông Sầm Xuân Sinh, già làng Ngọc Tân, xã Ngọc Quan, cho biết:

Rộn ràng, náo nức, thấm đẫm tinh thần đoàn kết là điều mà người đến dự hội làng Ngọc Tân đều có thể cảm nhận được. Sau những ngày hội làng vui chơi thoải mái, người dân sẽ phấn khởi bước vào một năm mới với khí thế lao động, sản xuất mới. Nếu có dịp lên Ngọc Quan vào dịp lễ hội, du khách hãy hòa mình vào các trò chơi dân gian hấp dẫn để hiểu hơn một nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào Cao Lan.

Feedback