Phú Quốc – Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Hiện trên địa bàn huyện Phú Quốc có hơn 320 dự án và 47 dự án đi vào hoạt động. 

Từ ngày 1/1/2021, theo nghị quyết của Quốc hội, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, chính thức công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Đây cũng là huyện đảo đầu tiên của Việt Nam trở thành thành phố.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
  Thành phố Phú Quốc được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc. Phú Quốc được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp và còn nguyên sơ, các ngư trường giàu tiềm năng và vùng nước biển sâu tạo điều kiện phát triển du lịch, đánh bắt hải sản và phát triển hệ thống cảng biển. Sau 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định.
Năm 2019, Phú Quốc đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn.
Phú Quốc – Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam - ảnh 1Phú Quốc được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp và còn nguyên sơ.
Ảnh:  vnexpres.vn

Sau hơn 5 năm được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II, Phú Quốc đã có sự phát triển ngoạn mục, diện mạo của huyện đảo thay đổi rõ nét, đồng bộ theo hướng là đô thị hiện đại, nghỉ dưỡng cao cấp. Kinh tế - xã hội đang có những bước chuyển dịch mạnh mẽ đưa Phú Quốc ngày càng phát triển, hoàn thiện.

Ông Phan Văn Mạnh, Giám đốc công ty TNHH MTV Du lịch Rồng Vàng Phú Quốc, cho biết:            "Khi Phú Quốc được công nhận là thành phố và đặc biệt là Thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam sẽ thu hút sự quan tâm và đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như thu hút lượng du khách tới đây ngày càng đông hơn. Sự quan tâm và đầu tư đúng hướng của Đảng và Nhà nước sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho Phú Quốc."

Hiện trên địa bàn huyện Phú Quốc có hơn 320 dự án và 47 dự án đi vào hoạt động. Nhiều công trình dự án tầm cỡ quốc tế trong lĩnh vực du lịch đã đi vào hoạt động như khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế JW Marriott Phú Quốc Emerald Bay, Cáp treo An Thới - Hòn Thơm; Vinpearl Land; Vinpearl Safari; Casino Phú Quốc v.v… biến đảo ngọc trở thành “thiên đường du lịch”. Hệ thống giao thông đồng bộ vòng quanh đảo, giao thông trên biển và hàng không phát triển đã giúp kết nối Phú quốc với cả nước và quốc tế.

Người dân trên đảo ngọc rất vui mừng khi Phú Quốc chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang và hy vọng thành phố sẽ có sự phát triển tốt hơn nữa. Anh Đinh Quang Thiều, người dân ở khu phố 10 thị trấn Dương Đông, cho rằng:"Tôi rất vui mừng, tự hào vì Phú Quốc sau thời gian vừa phấn đấu vừa phát triển đến ngày hôm nay đã trở thành thành phố. Hy vọng trong những năm sắp tới Phú Quốc sẽ phát triển tốt hơn.

Cùng trong tâm trạng phấn khởi, bà Bùi Thanh Huyền, Chủ tịch HĐQT Salinda Resort, cho rằng:      "Biết rằng mình sẽ đạt được những điều đấy nhưng cái khoảnh khắc này vô cùng chờ đợi và và hồi hộp, rất vui khi thành phố hoàn toàn mang diện mạo mới và chắc chắn sẽ thu hút khách du Lịch không chỉ trong nước mà cả quốc tế đến đây."

Phú Quốc – Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam - ảnh 2Cáp treo An Thới - Hòn Thơm. Ảnh:  vnexpress.vn

Ông Mai Văn Huỳnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang, cho biết: Tỉnh sẽ có nhiều giải pháp để đưa Phú Quốc phát triển xứng tầm. Trong đó tập trung giải quyết những bất cập trong quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý về môi trường; nâng cao mức sống, thu nhập, nâng cao chất lượng sống và các điều kiện tiếp cận phúc lợi xã hội cho nhân dân:  "Chúng tôi giải quyết các khó khăn về bộ máy quản lý, chuyển từ mô hình quản lý đơn vị hành chính cấp huyện là chính quyền nông thôn sang mô hình chính quyền đô thị với chức năng và nhiệm vụ phù hợp hơn. Thứ hai là đủ điều kiện và tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các khu nghỉ dưỡng, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao và trung tâm thương mại, trung tâm tài chính tầm cỡ của khu vực."

Việc thành lập thành phố Phú Quốc không chỉ tạo ra động lực lớn trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Kiên Giang, mà còn góp phần vào sự tăng trưởng cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng - an ninh, nhằm khẳng  định chủ quyền biển đảo, tạo nên vị thế vững chắc của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu