Đây là tựa đề bài viết mới nhất của ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.
Trong bài viết, chuyên gia WB dẫn chứng dự báo của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm và dự báo năm nay Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Khẳng định Việt Nam là một nền kinh tế có sức kháng cự đáng nể, dù thời gian qua có chao đảo, nhưng không hề gục ngã, ông Jacques Morisset đưa ra dẫn chứng, đó là: GDP của Việt Nam vẫn đang giữ tỉ lệ tăng trưởng đáng nể ở mức 3,8% trong quý I năm 2020.
Cùng với đó, kinh tế đối ngoại – động lực tăng trưởng chính của Việt Nam – vẫn đang phát triển năng động. Kim ngạch xuất khẩu bốn tháng đầu năm tăng 5%, bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục đổ vào Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020 đã có hơn 12 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được đăng ký.
Khẩu hiệu tuyên truyền chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Nguồn: Reuters |
Theo chuyên gia của WB, một số lý do để kinh tế Việt Nam có sức kháng cự mạnh mẽ, đó là: Thứ nhất là quản lý tài khóa, với dự trữ dòng tiền đáng kể trước khi có dịch và 5% ngân sách dự phòng của năm được trích lập cho trường hợp khẩn cấp. Thứ hai là thương mại và logistics, trong bối cảnh thương mại toàn cầu dự báo suy giảm 15% - 30% trong năm nay, Việt Nam đã nhanh chóng có các biện pháp tiết giảm chi phí logistics và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp xuất khẩu. Thứ ba, là kinh tế số, thể hiện ngay từ các ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh, tới đây là Mobile Money. Tất cả đều cho thấy phương án ứng phó dịch bệnh kết hợp giữa tầm nhìn xa và tính thực tiễn, là bài học quý giá cho các quốc gia khác.