Đây cũng là một trong bảy vở diễn được sử dụng cho chương trình Tết vừa rồi của sân khấu này.
Từ kịch bản văn học của tác giả Xuân Trang, NSND Hồng Vân và tác giả đã cùng nhau xây dựng vở diễn. Lấy bối cảnh của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, “Ngôi nhà trên thuyền” khắc họa cuộc sống bình dị và cả bi kịch của một gia đình nghèo sống lênh đênh rày đây mai đó.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Mái ấm nhỏ của cặp vợ chồng cùng con của họ sống trên thuyền gồm bốn thành viên. Do ảnh hưởng của chất độc da cam nên hai đứa con không được lành lặn bình thường. Có lẽ cũng vì vậy mà bên cạnh sự ngây thơ hồn nhiên vốn có vẫn có sự ngơ ngác hoang mang của những đứa trẻ sớm cảm nhận được sự mất mát, thiếu hụt trên cơ thể mình.
Trong khi người cha chán nản (nhân vật do NS Hoàng Hiệp thủ vai) ngày ngày đắm chìm trong men rượu thì bà mẹ (Diễn viên Hoàng Thy đóng) lúc nào cũng cần mẫn, dịu dàng luôn chăm lo và bầu bạn cùng các con. Về hình tượng vật người mẹ lam lũ, khổ cực mà đầy yêu thương trong vở diễn, NSND Hồng Vân tâm đắc: “Đề tài này rất là khó nhưng mà hay là bởi vì ở đây đề cập rằng vai trò của người phụ nữ trong gia đình là không thể thiếu được. Mặc dù họ phải chịu đựng sự cùng cực về cả thể xác lẫn tinh thần nhưng mà trên tất cả điều mà họ luôn tâm niệm vẫn là gia đình là chồng là con. Mặc dù rất yếu đuối, chịu đựng nhiều tổn thương mất mát nhưng theo tôi cái bản ngã của người phụ nữ Việt Nam nói riêng phụ nữ Á Đông nói chung đó luôn là tình yêu gia đình. Họ có thể hy sinh vô điều kiện, cực khổ tận cùng của những bất hạnh nhưng lúc nào họ cũng một lòng yêu thương chồng con."
Một cảnh trong vở diễn Ngôi nhà trên thuyền của Sân khấu kịch Hồng Vân - Ảnh: Linh Đoan - Báo Tuổi trẻ |
Đi vào khắc họa một câu chuyện đời với những tình tiết đời thường, gần gũi, “Ngôi nhà trên thuyền” đem đến nhiều cung bậc tình cảm và sự xúc động cho người xem. Nhất là khi các nghệ sỹ điễn tả được trọn vẹn niềm yêu thương sự hờn giận của các thành viên với nhau. Theo họ, dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra thì “nhà” vẫn luôn là nơi mà ai ai cũng có và muốn tìm về để được che chở và yêu thương
Cảm nhận về thông điệp mà vở diễn muốn gửi tới khán giả, NS trẻ Tuấn Dũng nói: “Thông điệp của vở diễn ở đây là thông điệp của tình yêu thương, tình cảm gia đình nghĩa là dù gia đình có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa thì mãi mãi họ vẫn luôn là một gia đình. Với đứa em, người chị cũng vậy. Người cha, người mẹ cũng vậy dù có bao nhiêu nỗi niềm hay chuyện gì xảy ra đi nữa, nhất là những lúc giận hờn thì họ cũng rất nhanh làm hòa với nhau. Vì tình cảm gia đình là thứ không gì có thể thay đổi được.”
Xưa nay nếu như tình yêu thương được coi là yếu tố cốt lõi của mỗi gia đình thì người mẹ được coi là thành viên giữ lửa là linh hồn của mỗi tổ ấm. Người mẹ trong vở “Ngôi nhà trên thuyền” là hình ảnh của sự hợp nhất của biết bao bà mẹ khác với sự tần tảo, bao dung và khi cần cũng có thể tỏ ra dữ dằn để bảo vệ các con và hạnh phúc gia đình mình.
Vì vậy vai diễn bà Lệ - người mẹ có hai con chịu di chứng của chất độc da cam trong vở “Ngôi nhà trên thuyền” đã là một trải nghiệm đáng nhớ đối nhớ đối với diễn viên Hoàng Thy: “Với tôi vai diễn giống như xương máu vậy, vì nó rất gần gũi với đời thường và là tâm huyết của đạo diễn Vũ Xuân Trang, anh đã truyền tâm huyết đó đến cho từng diễn viên của cả ê kíp. Cho nên vở diễn hầu như lột tả được hết tâm trạng của những người phụ nữ khi đàn ông họ phải là người vợ trong một gia đình khó khăn như vậy là vừa phải lo chu toàn hết tất cả mọi thứ mọi lúc. Nhiều lúc có cảm giác như họ phải xù lông để bảo vệ con mình bảo vệ cho gia đình mình.”
Trước sự du nhập của lối sống hưởng thụ thiên về các yếu tố vật chất, nhiều người coi nhẹ hoặc không còn tin tưởng vào các giá trị truyền thống mà gia đình mang lại. Thay vì gần gũi chia sẻ với người thân thì họ lại tự tìm kiếm cho mình những niềm vui ở bên ngoài.
Hy vọng vở diễn cũng sẽ như một lời đồng vọng chân thành và mộc mạc làm mọi người xích lại gần nhau và yêu thương gia đình của mình hơn như chia sẻ của diễn viên Hoàng Yến: “Em cực kỳ thích ý nghĩa nhân văn của vở diễn. Nó đề cao tình cảm gia đình. Điều mà rất nhiều người trong giới trẻ bọn em bây giờ không chú ý. Tức là tụi em sẽ lo kiếm tiền và mối quan hệ bên ngoài hơn là những người thân yêu của mình. Em nghĩ vở diễn này sẽ khiến cho những bạn trẻ suy nghĩ lại thấy quý trọng gia đình hơn!”
Về hình ảnh con thuyền và cũng là ngôi nhà di động trên sông của vợ chồng Tình, Lệ nhiều ý kiến khán giả cho rằng nó có sức gợi tả và liên tưởng cao. Hạnh phúc của gia đình họ phải chăng cũng chông chênh như chính con thuyền đang phụ thuộc vào những con sóng lúc đầy lúc vơi khi êm ả khi dữ dằn của sông nước, như nhận xét của diễn viên Hoàng Tấn: “Cái tài tình nhất mà ê-kip thực hiện được đó là chiếc thuyền đã khắc họa được cái thân phận đáng thương của đời người. Nó cứ lênh đênh trôi nổi như thế để thấy rằng là nếu một trong những thành viên trong gia đình thiếu kiên nhẫn thì con thuyền sẽ bị lật ngang. Phải có được sự cân bằng trong cuộc sống thể hiện giữa các cái sự đan xen với nhau nó mang tính chất là dung hòa một trong những cá nhân nào bị lêch chiếc thuyền sẽ bị tròng trành. Tôi nghĩ đó là ý rất hay.”
Hy vọng với thông điệp và sự gợi tả của vở diễn khán giả có thêm sự chiêm nghiệm và thấu hiểu về gia đình về giá trị của tình yêu thương và che chở.