Kí ức Tết xưa của người nghệ sỹ hôm nay

Vũ Nga
Chia sẻ
(VOV5) - Đi qua những u trầm của mùa dịch hai năm qua, hơn ai hết những người nghệ sĩ mong muốn có một mùa kịch Tết thật đặc biệt cho sàn diễn.

Vào những ngày đầu năm mới khi mọi người được quây quần, xúng xính bên người thân hay vi vu chơi Tết thì những nghệ sĩ sân khấu lại tất bật tới các chương trình, vở diễn để đem lại không khí vui tươi, sự nô nức và tiếng cười cho khán giả.

Dù phải ăn Tết sớm hoặc muộn hơn một chút so thông thường thì cảm xúc về ngày xuân năm mới hay kỉ niệm về những cái Tết đã qua với họ vẫn luôn đặc biệt. Tết là sự khởi đầu của một năm mở ra những ước mơ, hy vọng, với người nghệ sĩ đó còn là hoài bão để tạo nên vẻ đẹp cho cuộc đời. Thấy Tết là thấy tình yêu thương, lòng biết ơn nguồn cội, với họ cũng vậy, nhận được tình cảm ấm áp của gia đình thì cả năm sẽ không còn cảm thấy cô đơn!

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:
 
Kí ức Tết xưa của người nghệ sỹ hôm nay  - ảnh 1 NSUT Trần Lực ngồi cùng cụ thân sinh là NSND Trần Bảng và NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

Được sinh ra trong trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật và hiện nay đã thành danh ở cả lĩnh vực sân khấu và điện ảnh NSUT Trần Lực vẫn hoài niệm  đến những cái Tết năm xưa khi anh còn nhỏ ở quê với bà. Đó cũng chính là cái Tết mang đặc trưng của gia đình nghệ sĩ mà anh đã trải qua: “Thực sự mà nói cái Tết tuổi thơ của tôi đẹp nhất là những ngày tôi ở với bà ở quê và bố mẹ về thăm tôi trong dịp Tết. Chỉ là những ngày 29, 30, mùng 1. Hết mùng 1 bố mẹ tôi lại trở về với công việc. Tôi nhớ có một cái Tết khi tôi đang bám mẹ thì bố mẹ lại đi. Với tôi nhiều kỷ niệm về Tết rất đẹp mà mỗi lần nhớ đến là tôi lại xúc động.  Ấn tượng nhất với tôi là mỗi lần bố mẹ tôi về sẽ có rất nhiều thịt, có giò, có bánh chưng và có mứt Tết. Tôi nhớ mãi hộp mứt Tết ngày xưa trông hổ lốn lung tung nhưng với bọn tôi thì là cả một trời yêu thương. Nó ngọt ngon kinh khủng. Một tí bí đao, một chút dưà  một ít kẹo chứng chim v.v... Tôi nhớ trong gói mứt có quả táo tàu khô quắt queo, cả nhà bà ngoại biết tôi thích nên để dành cho tôi.”

Kí ức Tết xưa của người nghệ sỹ hôm nay  - ảnh 2Nghệ sĩ Tú Quyên

Tết ở mỗi miền quê đều mang những đặc trưng riêng về văn hóa tập tục và người nghệ sĩ ở mỗi vùng cũng mang dáng nét của mảnh đất, con người nơi đó. Là một diễn viên cải lương đầy thanh sắc đến từ miền sông nước Tây Nam Bộ và đã từng vinh dự được góp mặt trong bộ phim Song Lang, nghệ sĩ trẻ Tú Quyên luôn háo hức với phong tục chuẩn bị  đồ đón Tết mang đặc trưng văn hóa Nam Bộ của gia đình mình.

Mỗi khi Tết đến dù công việc có bận rộn đến đâu Tú Quyên cũng cố gắng sắp xếp để về quê sớm phụ giúp mẹ và cũng là để được cảm nhận trọn vẹn cái hương vị đặc biệt của ngày Tết trên quê hương: “Không khí Tết ở quê em  sẽ diễn ra từ ngày 23 Tết, kéo dài cho đến mùng 1 mùng 2 mùng 3.  Khoảng thời gian trước Tết rất là vui. Mẹ em ở nhà sẽ chuẩn bị làm củ kiệu, làm dưa cải, rồi làm bì, rồi thịt kho hột vịt…Trong những ngày 29, 30 Tết gói bánh tét nữa. Còn em sẽ về phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ trang trí cây mai, cây bông vạn thọ rồi những tấm liễn câu chúc ngày Tết…”

Những ai đi qua thời thơ ấu thật khó có thể quên những cái Tết của tuổi hồn nhiên tung tăng cùng bạn bè rồi cùng đếm ngược chờ ngày mùng 1 Tết. Cũng lớn lên từ một miền quê đạo diễn trẻ Hoàng Tấn luôn mang theo những kỷ niệm đẹp và đáng yêu về những cái Tết nơi quê nhà: “Hoài niệm về những ký ức thời trẻ khi vào những ngày Tết đến xuân về nô nức, hồ hởi, phấn khởi để được mặc một chiếc áo mới đi chợ Tết. Cái Tết của những đứa trẻ khác hẳn so với suy nghĩ của người lớn. Hồn nhiên lắm. Có những cái đơn giản chỉ là được đi chợ, nối đuôi nhau trong một cái đám đông, trong một khu vực chợ quê để được ăn một ly chè lạnh, để được ăn một tô hủ tiếu và đi về.

Một kỷ niệm vui nhất là nhiệm vụ được giao vào thời điểm giao thừa: canh nồi bánh tét để cúng ông bà, Đảm nhận vị trí quan trọng nhất nhưng mà vì mải chơi trốn tìm quên hẳn đi cái gọi là canh lửa. Và khi thấy bánh khét bốc mùi lên thì chữa cháy bằng cách đổ thêm nước vào đồng thời báo là có mùi vị lạ. Mẹ phải kiểm tra những đòn bánh tét và phát hiện ra hình như có cái mùi đặc biệt. Có lẽ nếp năm nay có cái mùi hương thơm của một mùa bội thu chăng?...”

Vùng đồng bằng Bắc Bộ được coi là mảnh đất sản sinh ra nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, giàu bản sắc như hát chèo, múa rối nước, hát quan họ... Đây cũng là nơi khiến trái tim của biết bao thi nhân loạn nhịp đắm đuối viết lên những vần thơ hay. Hình ảnh thấp thoáng cánh hoa đào trong mưa xuân, tiếng trống chèo ngày xuân báo hiệu một mùa lễ hội sắp đến đã đi vào tâm thức của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Trưởng thành từ mảnh đất giàu truyền thống đó và đến nay anh là một nghệ sĩ rối nước có tiếng tại Hà Nội. Khi đã có được hai cơ sở trưng bày và trình diễn múa rối nước để phục vụ các mục đích giải trí và tìm hiểu văn hóa, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm vẫn không thể nào quên những ngày xuân năm xưa được đi xem các cụ nghệ nhân biểu diễn tại quê nhà.

Kí ức Tết xưa của người nghệ sỹ hôm nay  - ảnh 3Sân khấu rối nước mini của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đi lưu diễn ở nước ngoài - Ảnh: TTXVN

"Theo tôi được biết, nghệ thuật múa rối có cách đây hàng ngàn năm. Các cụ biểu diễn phục vụ một năm chủ yếu đầu xuân từ ngày 15 tháng giêng. Đây còn là tiết mục chính trong các dịp lễ thượng thọ, lên lão của các cụ trong làng trong xã. Gia đình tôi tham gia khi nghệ thuật rối nước cho rằm tháng giêng. Xem các cụ biểu diễn tôi rất tò mò theo chân các cụ chuẩn bị và sửa chữa con rối. Tôi chăm chú xem các cụ làm những chi tiết nhỏ như dây, đến động tác kỹ thuật cơ giới. Hình ảnh đó sống động và thu hút tôi vô cùng.” - Phan Thanh Liêm nhớ lại.

Tết đến, vào thời khắc chuyển giao thiêng liêng của đất trời cũng là khi lòng người cũng nở bung những niềm hy vọng mới. Hương vị đầu năm khi đó còn là những cảm thức xuân mà khi bước qua những thăng trầm sóng gió ta mới có thể nhận thấy. Ngày Tết và mùa xuân không chỉ mang đến vẻ đẹp, sự vui tươi phấn chấn sự cho mỗi người mà còn là sự chộn rộn bối rối của tâm can khi vì ta bắt gặp mùi trầm hương quen thuộc của năm nào như chia sẻ của đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai.

“Tôi vẫn nhớ như in cái mùi hương trầm, được ngửi thấy mùi hương trầm là trái tim, lòng dạ mình cứ xốn xang, tức là cảm giác mùa xuân, một cái Tết đầm ấm lại ùa về. Mỗi một mùa xuân đến mình luôn luôn cảm giác mình vẫn bé nhỏ, mình vẫn muốn được trở về ngôi nhà của mình, trở về với những gì thân thương nhất. Trong nhịp điệu của cuộc sống hiện đâị mọi thứ cũng khác xưa nhiều, đầy đủ hơn. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ cái mùi hương trầm ngày Tết. Ngày còn bao cấp chia nhau những cân thịt, cân giò cả xóm rộn rã vui không tả được.

Tôi nghĩ rằng tôi hay bất kể một ai đó đều có những ký ức rất thiêng liêng về những cái Tết cổ truyền của dân tộc và những cái Tết đấy khiến cho con người ta nhắc nhở là mùa xuân sẽ đến. Sau một năm vất vả thì chúng ta lại thảnh thơi, chúng ta lại có những ngày Tết để mở ra những trang mới mở ra những thành công mới. Chúc quý vị khán thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam một cái Tết thật an vui đầm ấm hạnh phúc, bình an.” - Hoàng Quỳnh Mai nhớ lại.

Phong tục ngày Tết thiêng liêng là vậy với mỗi vùng lại có những sắc thái khác nhau. Dù vậy hầu như trên khắp đất nước Việt Nam ta nơi nào cũng có một nghi lễ rất chung được truyền tụng và nhắc nhớ cho nhiều thế hệ, đó là việc biện mâm cơm tất niên để mời đón ông bà về ăn Tết trong ngày 30. Đối với nhiều người nghệ sỹ mâm cơm đoàn tụ ấy cũng là thời điểm bắt đầu một mùa biểu diễn trong năm mới của họ.

Đạo diễn Thái Kim Tùng chia sẻ: “Tôi luôn tìm cách gửi gắm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình vào các tác phẩm, kịch phẩm. Tôi mới vừa hoàn thành một phim ngắn chiếu Tết với tựa đề là "Về nhà" trong phim này thì tôi muốn gợi lại một tập quán rất đẹp của người Việt Nam chúng ta trong dịp Tết Nguyên đán.

Kí ức Tết xưa của người nghệ sỹ hôm nay  - ảnh 4Cảnh gia đình bên mâm cơm tất niên trong phim ngắn Về nhà

Đó là vào buổi trưa ngày 30 Tết sẽ có một bữa cơm cúng rước ông bà với quan niệm truyền thống mời ông bà tổ tiên về ăn Tết như một lòng thành kính tưởng nhớ tới những người đã sinh thành ra mình đúng như truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Và trong phim đó như một phần nào gửi gắm thông điệp đến các bạn trẻ về một tập quán đẹp đẽ của truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam ta.”

Ai đó đã từng nói, tác phẩm chính là tâm can của người nghệ sĩ. Họ thường mang những ước mơ những điều trăn trở, những khát vọng của mình đến cho từng nhân vật. Vì vậy những tác phẩm nói về Tết vừa mang vẻ đẹp chung của phong tục truyền thống nhưng đồng thời cũng là những dấu ấn cá nhân khi họ cảm họ nhìn về ngày Tết về cái đẹp và tình yêu quê hương.

Kí ức Tết xưa của người nghệ sỹ hôm nay  - ảnh 5Diễn viên Hoàng Thy thứ 2 từ trái sang, trong vở Ngôi nhà trên thuyền - Sân khấu kịch Hồng Vân

Khi người nghệ sĩ đi diễn Tết niềm vui của họ là việc mang lại niềm vui, tiếng cười cho khán giả, ngày Tết của họ chính là khi thấy không khí xuân, nụ cười xuân rạng rỡ trên gương mặt của người thân hay bè bạn xung quanh!

Nghệ sĩ Hoàng Thy – Sân khấu kịch Hồng Vân tâm sự: “ Thực sự  không phải riêng một mình Thy  mà hầu như tất cả các anh chị em nghệ sĩ thường có những ngày nghỉ trước Tết vài ngày, gọi là dành cho gia đình. Sau đó bắt đầu từ ngày mùng 1 trở đi, hầu như mình đi diễn phục vụ quý vị khán giả.  Lâu lắm rồi không Thy không được đi chơi Tết cùng gia đình, không biết mọi người như thế nào còn mình mình thấy cũng quen rồi. Tại vì năm nào cũng mùng 1 Tết đã đi lên sân khấu biểu diễn phục vụ mọi người.”

Đi qua những u trầm của mùa dịch hai năm qua, hơn ai hết những người nghệ sĩ mong muốn có một mùa kịch Tết thật đặc biệt cho sàn diễn.

Khán giả sau thời gian dài phải tự đóng khung trong các bức tường kín cũng muốn đến với những đêm diễn xôm tụ, ấm cúng đầy ắp sự lạc quan này. Một vở diễn hay lúc ấy có khác nào những kí ức mùa xuân xưa, đều là những đốm sáng nhỏ chập chờn, lung linh mà đầy lay động! Chúng có thể nâng đỡ khát vọng hay đánh thức những giấc mơ ai đó đã bỏ quên!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu