Công chiếu vở diễn Bức chân dung và đối thoại cộng đồng

Chia sẻ
(VOV5) - Bức chân dung là dự án Kịch nói kết hợp Đối thoại cộng đồng do đạo diễn Lê An khởi xướng; thuộc khuôn khổ dự án sân khấu “Antigone” của Viện Goethe. 

Ngày 26/02/2022, dự án chính thức công chiếu bản ghi hình vở diễn Bức Chân Dung và tổ chức đối thoại cộng đồng về chủ đề Cá biệt hóa bản ngã - hai hoạt động chính nhằm hướng đến thể nghiệm sự trình diễn mới cho vở kịch Hy Lạp kinh điển “Antigone” (Sophocles).

Công chiếu vở diễn Bức chân dung và đối thoại cộng đồng - ảnh 1Sân khấu ghi hình vở Bức chân dung

Vở kịch Bức chân dung được lấy cảm hứng và Việt hóa từ “Antigone” - tác phẩm của Sophocles, nhà soạn kịch nổi tiếng nhất thủ đô Athens vào thế kỷ V trước công nguyên.

Là nhóm nghệ sĩ TP.HCM duy nhất trong số 6 đơn vị được Viện Goethe lựa chọn, đạo diễn Lê An cùng các cộng sự đã quyết định tái hiện bối cảnh Sài Gòn trong giai đoạn đầu thập niên 1970, mang đến cách diễn giải khác biệt về một tác phẩm Hy Lạp kinh điển.

Công chiếu vở diễn Bức chân dung và đối thoại cộng đồng - ảnh 2Ban nhạc đồng hành trong vở diễn.

Nội dung vở diễn xoay quanh nhân vật An trên hành trình đi tìm bức chân dung của mình và tranh đấu vì bức chân dung của người khác. An thuyết phục em gái (Nhi) tìm cách chống lại sắc lệnh cấm chôn cất xác địch để an táng cho anh trai. Tuy nhiên, trực tiếp đối đầu và ngăn cấm những quyết định của họ lại chính là người cha độc đoán (ông Đắc) - một sĩ quan cấp cao trong quân đội Việt Nam cộng hòa và mang trong mình một bí mật đáng sợ của định mệnh. Giữa những bi kịch của gia đình và thời cuộc, An phải đơn độc vượt qua những mất mát của quá khứ, đối diện với hiện tại và đưa ra quyết định cho tương lai.

Công chiếu vở diễn Bức chân dung và đối thoại cộng đồng - ảnh 3Cảnh diễn ông Đắc và Nhi. Nghệ sĩ Công Danh vai ông Đắc.

Đạo diễn Lê An chia sẻ: “Khi các nhân vật trong tác phẩm Antigone gốc bị đẩy vào những tình huống đầy đau thương mất mát, nhiều chủ đề tâm lý đã có thể được phân tích. Riêng trong Bức chân dung, chúng tôi quyết định đưa vở kịch thành một câu chuyện gia đình và hai nhân vật chính sẽ là hai cô gái trẻ đứng trước bước ngoặt cuộc đời.

Vấn đề tâm lý sẽ liên quan đến việc đi tìm bản dạng cá nhân. Tôi là ai? Tôi phải sống tiếp cuộc đời của mình như thế nào khi quá khứ gia đình có quá nhiều đau thương và những điều mình muốn làm không được người thân ủng hộ? Tôi sẽ phải làm gì tiếp theo? Qua vở kịch, tôi rất mong sự hoang mang và chênh vênh đó của hai cô gái trẻ sẽ được gợi mở nhiều hơn”.

Công chiếu vở diễn Bức chân dung và đối thoại cộng đồng - ảnh 4Cảnh diễn ông Đắc và An.

Góp mặt trong vở kịch là các diễn viên Huỳnh Ly (vai An), Thanh Trúc (vai Nhi), Công Danh (vai Đắc). Ngoài ra, tác phẩm lần này của đạo diễn Lê An còn có sự tham gia của biên kịch Nguyễn Phát, nhà sản xuất Nguyễn Thanh Phương, nhà thiết kế sân khấu KimB, nghệ sĩ tạo hình nhân vật Cheung, ban nhạc Humm,...

Bên cạnh vở diễn lấy cảm hứng từ văn hoá Việt Nam, Bức chân dung còn kết hợp góc nhìn tâm lý học để khai thác sâu vào suy nghĩ và hành động của nhân vật, từ đó mở ra chủ đề đối thoại với khán giả trẻ về chủ đề “Cá biệt hóa bản ngã”. Trước khi trình chiếu vở kịch, dự án mời khán giả tham gia vào hoạt động bắt cặp đối thoại. Sau khi thưởng thức tác phẩm, khán giả tiếp tục tương tác, đối thoại với các diễn giả khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý (Huỳnh Hiếu Thuận, Lê Thị Hương Giang) và giao lưu với diễn viên, ekip sáng tạo.

Công chiếu vở diễn Bức chân dung và đối thoại cộng đồng - ảnh 5Cảnh diễn An và Nhi

Thích ứng với trạng thái bình thường mới, Bức chân dung được trình diễn, ghi hình nội bộ và đến với khán giả qua hình thức công chiếu vở diễn đã được ghi hình. “Vì dịch bệnh, sân khấu ở TP.HCM đã đóng cửa gần tròn một năm. Khi thực hiện dự án, tôi đặt ra một câu hỏi: Nếu như khán giả không thể đến được với sân khấu thì mình có thể đem được sân khấu đến tận nhà khán giả hay không”, đạo diễn Lê An trăn trở.

Do đó, Saigon Theatreland tiến hành công chiếu vở diễn đã được ghi hình ở cả hình thức trực tiếp và trực tuyến để có thể tiếp cận đến nhiều khán giả nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Sau chuỗi sự kiện công chiếu vở diễn và đối thoại cộng đồng, dự án Bức chân dung dự định kết nối với các trường Đại học, Cao đẳng để lan tỏa thông điệp vở diễn và chương trình đối thoại đến nhiều sinh viên hơn.

ANTIGONE là một vở kịch của Sophokles (thế kỷ thứ 5 TCN). Sophokles là nhà soạn kịch nổi tiếng nhất thủ đô Athen. Từ gần 2500 năm nay, tác phẩm ANTIGONE của ông truyền cảm hứng tới những người làm văn hóa và nghệ thuật, cả phương Tây lẫn phương Đông, trong việc suy ngẫm về bản tính của con người và vị trí của họ trong xã hội.

Nhà hát Tuổi Trẻ lên kế hoạch công diễn vở kịch ANTIGONE trong năm 2021 – cả trên sân khấu lẫn trực tuyến. Thông qua một hội nghị chuyên đề và nhiều cách tiếp cận nghệ thuật khác nhau đối với hình tượng nhân vật nữ vĩ đại này, viện Goethe mời các nghệ sĩ sáng tạo Việt Nam nghiên cứu tác phẩm này trong bối cảnh Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu