Ảnh: Trịnh Lữ |
Trong bài "Các hoạ sỹ sơn mài Hà Nội" dịch từ tuần san Indochine ngày 06/02/1941, có nhắc đến "kỹ thuật Coromandel, "sơn Coromandel", và người đọc đều hiểu rằng đó là kỹ thuật khắc chìm xuống mặt sơn đã mài nhẵn rồi phủ đầy những nét mà mảng khắc ấy bằng màu, vàng hoặc bạc. Đó là lối làm các tấm bình phong trang trí bằng sơn mài của Trung Quốc, đã có từ thế kỷ 17.
Trong hai thế kỷ tiếp theo, công ty Đông Ấn của Anh đã nhập các bộ bình phong sơn khắc ấy của Trung Quốc về bán ở Châu Âu. Chúng được chở bằng tầu thuỷ, phải trung chuyển ở một hải cảng ở Bán đảo Coromandel trong Vịnh Bengal, vùng duyên hải Đông Nam Ấn Độ.
Vì thế mà người Châu Âu mới gọi các bộ bình phong sơn khắc này là "đồ Coromandel". Các cụ học Mỹ Thuật Đông Dương cũng toàn gọi làm sơn khắc là làm "đồ Coromandel".
Theo bài viết này thì sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương cũng được cụ Inguimberty bảo làm bình phong Coromandel, nhưng không thành công. Chắc vì chưa có mẫu cụ thể để xem khắc sơn mài thì phải design hình như thế nào, sâu nông ra sao. Mà cụ Inguimberty thì chưa bao giờ làm một bức sơn mài hoặc một cái hộp sơn mài nào nên không thể hướng dẫn cụ thể cho trò. Cho nên cụ mới phải bảo mẫu quốc chụp ảnh chi tiết màu sắc rõ ràng vài bộ Coromandel đẹp có ở bảo tàng Cluny gửi sang làm mẫu. Lúc ấy các trò mới làm được.
Nghĩa là về kỹ thuật và mục đích là cố gắng làm "đồ Coromandel" như của Tầu, là sản phẩm bán tốt lúc bấy giờ; chứ không phải "tìm ra kỹ thuật Coromandel" như viết trong bài báo nói trên. Có thể hiểu được điều này, vì ông Jonchère mới lên làm hiệu trưởng trường mỹ thuật Đông Dương lúc ấy đã chủ trương chỉ đào tạo nghệ nhân, chứ không theo đường lối phát triển nghệ thuật bản xứ với những nghệ sỹ của riêng mình mà ông Tardieu đã theo đuổi.
Ảnh: Trịnh Lữ |
Một điều cũng nên để ý nữa: năm 1937 cụ phó Thành được đưa sang Paris trình bày việc làm sơn mài trong gian triển lãm của Đông Dương thuộc Pháp trong kỳ Đấu xảo Quốc tế. Mà ông Jean Dunand thì lại được chính phủ Pháp cử làm người phụ trách toàn bộ phần sơn mài của gian triển lãm ấy. Xưởng của ông Dunand lúc ấy vẫn có hơn 20 thợ sơn mài tuyển từ Đông Dương sang. Đồ sơn mài làm ở xưởng Dunand thì đã đang nổi tiếng lẫy lừng khắp cả châu Âu và Bắc Mỹ.
Và lưu trữ quốc gia của ta cũng cho thấy ngay từ triều Nguyễn, chính phủ đô hộ cũng đã cho cả "thợ sơn" mang sản phẩm của mình dự các đấu xảo quốc tế rồi. Và kỳ đấu xảo quốc tế 1937 thì ngoài cụ thợ sơn (lacquer) Đinh Văn Thành của Mỹ thuật Đông Dương, còn có cụ thợ sơn Nguyễn Văn Khang, ở 103 Hàng Bạc cũng mang sản phẩm của mình sang thi thố nữa. Tư liệu này là của Cục lưu trữ Quốc gia, kể cả bức poster của đấu xảo ấy cũng vậy.
Cũng nên biết rằng "Coromandel" là những bình phong trang trí bằng kỹ thuật sơn khắc, một mặt hàng bán rất chạy ở Châu Âu từ thế kỷ 19. Sau này thì thành tên gọi chung cho đồ sơn khắc. Đừng bao giờ gọi tranh sơn ta vẽ mài nhiều lớp có hiệu quả kỳ ảo sâu xa là tranh "Coromandel"; đấy là tranh "sơn mài".
Kiệt tác Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí |
Mà kỹ thuật vẽ tranh sơn mài thì bà Alix Aymé đã viết lại khá đầy đủ trong bài đăng trên báo ảnh Pháp số đặc biệt về Đông Dương năm 1949.
Bà cũng viết đã hướng dẫn sinh viên thử nghiệm vẽ sơn mài "dưới dự chỉ đạo khắt khe của ông Inguimberty. Nghĩa là bà có dậy thật, nhỉ! Chắc là với vai trò phụ giảng, vì bà không có bằng cấp như ông Inguimberty.
Những gì về cụ Inguimberty mà tôi đã đọc thì chưa thấy cụ nhắc đến phụ tá đồng nghiệp Alix Aymé bao giờ.
Các tài liệu về cụ Nguyễn Gia Trí cũng thế. Sáu bức thư cụ Nguyễn Gia Trí viết cho thầy Inguimberty trong mấy năm từ 1968 đến 1971 chủ yếu là bộc bạch về mơ ước sáng tạo, điều kiện sáng tác, và đặc biệt là có một bức nói về ý định sẽ không chịu bị kiềm toả bởi những đòi hỏi khắt khe của chất liệu sơn mài nữa, mà sẽ lỏng cương đi theo hứng khởi của mình, muốn nhìn ngay thấy những gì mình đang vẽ chứ không ú oà với chất liệu nữa. Là tôi hiểu thế, rảnh rỗi sẽ dịch bức thư ấy ra tiếng ta hầu các bạn.