Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ra đời vào tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Ba nguyên tắc: Dân tộc, khoa học và phát triển mà Đề cương về văn hóa Việt Nam định danh cho nền văn hóa mới của nước ta cũng đã được các nhà nghiên cứu soi chiếu ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, việc tiếp nhận ba nguyên tắc đó cũng đòi hỏi sự sáng tạo, không nên rập khuôn máy móc: “Chúng ta thấy bản Đề cương ra đời cách đây 80 năm. Lúc đó thì đất nước chưa giành được độc lập và còn rất nhiều những vấn đề cần phải giải quyết về cách mạng giải phóng dân tộc dân chủ…Sau 80 năm, rõ ràng bối cảnh đất nước và bối cảnh quốc tế đã có rất nhiều thay đổi nên vẫn kế thừa những giá trị hạt nhân, những giá trị cốt lõi ở đó nhưng đồng thời, cũng cần có sự bổ sung, điểu chỉnh, phát triển, khơi sâu thêm.
Ví dụ như trước đây thì nguyên tắc dân tộc hóa chỉ nhấn mạnh là chống những ảnh hưởng nô dịch thuộc địa và làm cho văn hóa Việt Nam được phát triển độc lập. Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, bên cạnh việc chống ảnh hưởng nô dịch chúng ta cũng phải tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, kế thừa những giá trị tốt đẹp, những ảnh hưởng tích cực của văn hóa bên ngoài để làm giàu,bồi bổ cho văn hóa Việt Nam. Bên cạnh việc chống những triết thuyết phản động thì bây giờ, cùng với sự khơi sâu, mở rộng của nhận thức, của tư duy, chúng ta phải tiếp thu tất cả các trường phái, những khuynh hướng, những trào lưu văn hóa văn nghệ mang tính chất tiến bộ, đa chiều hơn để làm cho văn hóa của chúng ta phong phú và đa dạng.”
PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học- Ảnh: vanhocsaigon |
Chia sẻ quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, đã nhắc tới việc vận dụng ba nguyên tắc của Đề cương để lấp khoảng trống trong nghiên cứu văn hóa nói chung và văn học nói riêng giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20: “Rõ ràng, sau Đổi mới thì chúng ta nhìn nhận tương quan của dân tộc, của khoa học, đại chủng khác đi và bản thân chúng ta nhìn về khái niệm dân tộc trong đó cũng khác đi. Nó không chỉ là một nhiệm vụ ở bề nổi mà chúng ta thấy được cơ cấu, cấu trúc của cái gọi là văn hóa dân tộc nó cũng thay đổi. Mọi thứ đều biến đổi, đều vươn lên.
Nói riêng về nghiên cứu văn học, có một thời chúng ta nhìn nhận các tác giả, rồi báo chí, có thể nói cơ bản là di sản văn hóa đầu thế kỷ 20, là văn học thực dân đế quốc phong kiến. Nhưng sau Đổi mới, chúng ta lại nhìn nhận lại. Nhiều tác giả trước đây chúng ta đánh giá rất là nặng nề, ví dụ như Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Trương Tửu, đến bây giờ, tác phẩm của các ông đã được tái bản lại hầu hết. Có thể thấy rằng di sản ấy được khôi phục, được hội nhập, và có thể gọi là một sự bù lấp văn hóa.”
Ở góc độ văn hóa dân gian, GS. TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhấn mạnh tới việc khai thác các loại hình du lịch văn hóa, vừa là một hình thức bảo tồn, vừa đem lại giá trị về mặt kinh tế: “Một số công ty du lịch cũng như các nhà nghiên cứu, tổ chức quản lý đã nhìn ra được tiềm năng và khai thác được một số nhưng đều nhỏ và manh mún, chứ không thành một hệ thống. Nếu mà các tỉnh có được một sự kết hợp hoặc có được một đường lối chung của Bộ Văn hóa để khai thác được theo từng mảng khác nhau thì sẽ trở thành những giá trị văn hóa rất tốt.”
Rõ ràng, việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không thể tách khỏi bối cảnh hội nhập. Nhu cầu giao lưu văn hóa và quảng bá văn hóa là tất yếu. Các tác phẩm nghệ thuật, nhất là điện ảnh, với sức lan tỏa mạnh mẽ và nhanh chóng, được kì vọng sẽ trở thành những cầu nối văn hóa.
TS Phan Thanh Hải - Ảnh: Báo Quân đội nhân dân. |
TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, lưu ý tới việc tạo ra các cơ chế để thu hút các nhà làm phim đến với nước ta: “Hiện nay, khi sức ảnh hưởng, sức thu hút của Việt Nam khá là tiêu biểu, nổi bật, nhất là thị trường du lịch thì khi chúng ta càng phát triển thì bản thân các nhà làm phim trên toàn thế giới cũng quan tâm tới Việt Nam nhiều hơn.
Đặc biệt một số bộ phim gần đây lấy bối cảnh Việt Nam có thể gọi là bộ phim bom tấn thì sự chú ý của dư luận ngày càng nhiều hơn. Đây là một sự đầu tư khác, rất khôn ngoan. Đó là chúng ta tạo ra cơ chế để thu hút các nhà làm phim tới Việt Nam. Thông qua các bộ phim của họ, phong cảnh đất nước, phong tục của Việt Nam được quảng bá một cách hữu hiệu, thu hút rất nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam.
Khi còn làm quản lý trực tiếp một quần thể di tích – Quần thể di tích cố đô Huế, chúng tôi cũng gặp khá nhiều đoàn khách. Họ cho biết họ đến Việt Nam thông qua một bộ phim hoặc là nghe thông tin. Người ta đã xem ở một video, một clip, người ta thấy Việt Nam, thấy Huế rất là đẹp thì người ta cũng mong muốn đến. Và khi mà đến thì người ta cảm thấy rất là vui. Tôi cho rằng đấy là một cách rất tốt.”
Bộ phim bom tấn Pan năm 2015 dựa trên câu chuyện về cậu bé Peter Pan có bối cảnh là Hang Én, vịnh Hạ Long và Ninh Bình. |
Văn hóa, con người Việt Nam chính là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Với ba nguyên tắc mà Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đạt ra, mỗi một lĩnh vực, ngành nghề đều có cách áp dụng của riêng mình. Đối với văn chương nghệ thuật, đây chắn chắn sẽ là “kim chỉ nam” để những người hoạt động trong địa hạt này sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị thực sự, để văn hóa của chúng ta “đại chúng nhưng vẫn khoa học, hội nhập nhưng vẫn dân tộc, thực sự trở thành động lực của sự phát triển bền vững” như cách nói của PGS. TS Nguyễn Văn Dân.