80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển

Chia sẻ
(VOV5) - Hội thảo khẳng định giá trị lý luận, nguyên tắc cốt lõi, giá trị thực tiễn của đề cương về văn hóa. 

Sáng 27/2, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển”.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc. Đề cương  tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới.

80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển - ảnh 1

Ban Chủ tọa tại Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn

Tại hội thảo, các nhà khoa học phân tích 2 nội dung chính: giá trị lý luận, thực tiễn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ:Đề cương về văn hóa là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận: chính trị, kinh tế và văn hóa - thể hiện tư duy tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng trong phát triển văn hóa. Trải qua quá trình lịch sử, các giá trị mang tính cương lĩnh của đề cương vẫn còn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển con người Việt Nam. Hội thảo khẳng định giá trị lý luận, nguyên tắc cốt lõi, giá trị thực tiễn của đề cương về văn hóa. Từ đó, đề ra những định hướng giải pháp để khơi dậy khát vọng cống hiến tạo động lực chấn hưng văn hóa phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định bên cạnh giá trị quý báu về nền tảng, lý luận, nguyên tắc cốt lõi, Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt 8 thập niên qua.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu