Tản mạn về hình ảnh gánh hàng rong trong văn học nghệ thuật

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Gánh hàng rong, một vẻ đẹp được tiếp biến qua nhiều thời kỳ, bồi đắp nên một Hà Nội như ngày hôm nay

Ngay từ thời nhà văn Thạch Lam với “Hà Nội 36 phố phường”, Vũ Bằng với “Thương nhớ mười hai”, những người viết nhiều về nét đẹp văn hóa Hà thành đã khẳng định giá trị của văn hóa hàng rong. Một vẻ đẹp được tiếp biến qua nhiều thời kỳ, bồi đắp nên một Hà Nội như ngày hôm nay. Những “Quà Hà Nội”, “Bà cụ bán Xôi”, “Một thứ quà của Lúa non”… đều tái hiện đậm đặc hình ảnh gánh hàng rong như một phần đời sống thường nhật của người dân đất kinh kỳ. Từ những ngày tháng đó, hình ảnh gánh hàng rong đã đi vào văn học nghệ thuật hiện đại Việt Nam…

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đến thời kỳ tân tiến hơn nhà văn Băng Sơn đã chuyển thể linh hoạt và khúc chiết những nét đẹp giản dị của cuộc sống đời thường nơi phố xá lên những áng tùy bút tuyệt đẹp khiến nhiều độc giả mê mẩn. Ở trong văn ông, những người bán hàng rong bám vào phố luôn thấy mình được góp mặt vào sự phát triển đa dạng, muôn màu của Hà Nội.

Tản mạn về hình ảnh gánh hàng rong trong văn học nghệ thuật - ảnh 1 Nguồn ảnh: Internet

Đối với những nhà văn thế hệ sau này, gánh hàng rong trở thành một đối tượng văn học cụ thể trong nhiều tác phẩm. Không chỉ có những nhà văn viết chuyên biệt về Hà Nội mới viết về hình ảnh những gánh hàng rong, mà đâu đó vẫn luôn thấp thoáng trong các tác phẩm của các nhà văn hiện đại.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ tâm sự: " Với tư cách một nhà văn, về đề tài những gánh hàng rong tôi chưa có tác phẩm nào viết riêng về họ nhưng thấp thoáng đâu đó vẫn luôn có bóng hình của họ. Ví dụ trong một truyện ngắn nói về cảnh đi mua hoa Tết tôi cũng vẽ nên một vài hình ảnh về họ. Những người trong phiên chợ tết người ta đi bán hoa rong. Ngay câu chuyện của nhà văn Tô Hoài cũng như vậy, cũng đề cập đến những người bán quất rong. Bởi vì gánh hàng rong luôn gắn liền với con người, với thân phận, nên nhiều có sự quan tâm lưu ý của các nhà văn. Nhiều nhà văn Việt Nam quan tâm đến họ, nói lên đời sống riêng tư về họ."

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã từng có những bài tản văn tuyệt hay về Hà Nội với vẻ đẹp đất kinh kỳ. Trong đó ông dành không ít trang để nói về những người bán hàng rong. Một người cầm bút trẻ hơn - nhà văn Nguyễn Trương Quý cũng đã có những bài viết sâu, khảo cứu về nhu cầu có thật và việc gìn giữ vẻ đẹp của phố phường bằng chính những con người mưu sinh giản dị. Ít ai biết được hàng rong có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, khi nói đến cuộc sống của thành phố nghìn năm tuổi, người ta không thể không nhắc đến hàng rong, như một nét riêng của văn hóa Hà thành...

Trong thời gian gần đây, khi dòng văn học viết về ẩm thực trở lại nhiều hơn với đời sống văn nghệ, trong các tác phẩm nổi bật của nhà văn Nguyễn Quang Thiều và Di Li, hình ảnh của những gánh hàng rong có lẽ cũng là một phần không thể thiếu. Không giới hạn trong đại lý Hà Nội, những gánh hàng rong không chỉ là câu chuyện về thức quà nó mang theo mà còn gắn liền với thân phận người và mênh mang trong ký ức của người xa quê.

Nói như nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì: “Nhà văn Di Li gần đây nhất viết một tác phẩm về tiếng rao và tiếng rao ấy đã theo chị sang tận bên Mỹ, chứ không chỉ quẩn quanh ở Hà Nội. Ấn tượng về hàng rong và đặc biệt tiếng rao, là riêng biệt của Hà Nội, không lẫn đi đâu được. Tiếng rao trong đêm khuya khoắt gợi nhớ điều gì đó rất xa xăm, cũ kĩ mà cũng rất ấm áp của Hà Nội chúng ta”.

Còn trong lĩnh vực mỹ thuật, có lẽ hình ảnh gánh hàng rong không phải là một đề tài chính nhưng nó lại là một hình ảnh có sức gợi, trở đi trở lại và là niềm cảm hứng của nhiều thế hệ họa sĩ. Nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn, chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam thì: “Sự lựa chọn của họa sĩ đương đại Việt Nam, thực ra họ thích vẽ những gánh hàng hoa, hay chợ hoa chứ những con người cụ thể của gánh hàng rong ít khi xuất hiện trong tranh. Kể cả trong tranh nổi tiếng về phố Hà Nội của cụ Bùi Xuân Phái. Nhưng thực ra chúng tôi được thừa hưởng những vẻ đẹp cũ ấy để nuôi dưỡng tâm hồn mình. Chứ không chỉ cho nó hiện hình trên tác phẩm. Tôi cho rằng điều ấy cũng là một bảo vật cần được bảo trọng. Không gian của tác phẩm, tiếng nói của ngôn ngữ tạo hình, đĩa màu mà mình dùng gần như vẫn ẩn chứa bên trong đó nét đẹp của người Hà Nội”.

Tản mạn về hình ảnh gánh hàng rong trong văn học nghệ thuật - ảnh 2 Một trong số các phác thảo được chọn trưng bày

Gánh hàng rong có lẽ luôn gắn liền với những tiếng rao. Những tưởng tiếng rao chỉ có thể tả lại trong văn chương, ấy thế mà nó vẫn có thể đi vào mỹ thuật đương đại. Vào cuối tháng 9 vừa qua, khán giả có dịp được thưởng thức sự kết hợp đặc biệt này trong triển lãm “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội” tại Viện Pháp Hà Nội. Triển lãm trưng bày một tập hợp các phác thảo, tranh vẽ và màu nước được thực hiện bởi mười lăm sinh viên trường mỹ thuật Đông Dương, trong đó có những cái tên sau này trở thành các danh hoạ của Việt Nam như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân… Không chỉ là tranh, là ảnh quý về gánh hàng rong và những mái chợ truyền thống từ đầu thế kỷ trước, những tranh ảnh này còn được đưa đến với khán giả theo cách ấn tượng qua bàn tay sắp đặt của nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ tài năng Duy Phương và phần thu âm tiếng rao của nghệ sĩ Đàm Quang Minh và nhóm Đông Kinh cổ nhạc của ông.

Cách thể hiện vô cùng sống động, mới mẻ và sáng tạo đã tạo nên cái nhìn sâu sắc và hấp dẫn về hình ảnh gánh hàng rong quen thuộc. Nói như hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam thì: “Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, thế hệ sau đang tìm ra những không gian mở trong hành trang sáng tạo của mình. Tiếng nói tự do luôn cất lên để điều khiển sự tự do sáng tạo cho thế hệ trẻ. Bởi vậy, chúng ta có thể yên lặng kỳ vọng chờ đợi, kỳ vọng về cách nói khác của thế hệ trẻ”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu