Nhà văn với đề tài nông thôn hôm nay

Hương Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Khoảng 20 năm trở lại đây, nền văn học Việt Nam vắng bóng các truyện ngắn, tiểu thuyết và trường ca về đề tài nông thôn.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Thực tế, hiếm có người Việt Nam yêu văn chương nào lại không biết đến những tác phẩm văn học rất nổi tiếng về đề tài nông thôn của các nhà văn Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… cùng hàng loạt tác phẩm đậm đà hương vị miền Tây Nam Bộ của các nhà văn phía Nam như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam…vv và vv. Đó chính là những tượng đài góp phần kiến tạo nền văn học Việt Nam, khiến nền văn chương nước ta trở nên nổi tiếng ở cả chiều dài và chiều sâu trong dòng chảy của lịch sử văn hóa, đất nước, con người xứ Việt. Nhưng làng quê, cái vùng nông thôn rộng lớn, thực thể ấy với những họ hàng xóm mạc, luôn sống động trong ký ức người đi xa mỗi khi nhớ về,  thì như thế nào trong văn học Việt ngày hôm nay?

Ngày nay với sự vận động và phát triển không ngừng nghỉ của quá trình đô thị hóa, việc áp dụng khoa học kĩ thuật vào xây dựng và sản xuất đã tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, thông tin..

Nhà văn với đề tài nông thôn hôm nay - ảnh 1 Tiểu thuyết "Bí thư tỉnh ủy" của nhà văn Vân Thảo về đề tài nông thôn đã được chuyển thể thành phim truyền hình. Ảnh: VFC.

Trong đó văn học cũng chịu ảnh hưởng không ít. Nếu trước kia các tác phẩm văn học kinh điển được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào sách giáo khoa đều lấy bối cảnh làng quê Việt Nam như: “Chí Phèo”, “Lão Hạc” của Nam Cao; “Làng” và “Vợ nhặt” của Kim Lân; “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng; “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố… thì khoảng 20 năm trở lại đây, nền văn học Việt Nam vắng bóng các truyện ngắn, tiểu thuyết và trường ca về đề tài nông thôn.

Nói về thực trạng này, nhà văn Trần Quang Quý – Phó chủ tịch thường trực Hội nhà văn Hà Nội đưa ra hai lý do: “Tỉ lệ những người viết văn trẻ hiện nay nguồn gốc ở nông thôn là nhiều nhưng họ sống ở vùng quê cũng trong khoảng từ tuổi ấu thơ cho đến khi bắt đầu vào đại học, rời xa nông thôn. Nó gắn với số phận người nông dân cũng khác. Số phận người nông dân trước kia nhiều cực nhọc, nhiều thân phận lắm nên nó tác động đến thế hệ viết văn trước rất sâu đậm.

Thứ hai là nền văn hóa đọc bị suy giảm nó cũng ảnh hưởng nhiều đến việc kích thích những người cầm bút sáng tác. Các bạn viết văn trẻ hiện nay đặc biệt là các bạn phía Nam thì hầu hết họ viết sách kiểu du ký, tản văn, thì sách đó có khi lại bán chạy. Họ đọc những gì nó ngắn, nó nhanh, không có thời gian sâu sắc rồi chuyển hóa tâm lý nhân vật rồi mô tả đời sống con người trong sự giằng xé, xã hội trong sự vươn lên”

Với 70% dân số Việt Nam là nông dân, nông thôn từ lâu đã gắn liền với văn hóa lâu đời của dân tộc ta, là cái nôi lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của cha ông. Viết về nông thôn và người nông dân vẫn luôn là việc làm cấp thiết và còn nhiều thách thức. Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học – hiện đang công tác tại báo Nhân Dân cho rằng, bên cạnh chính sách tác động của các cơ quan quản lý thì bản thân nhà văn, đặc biệt là đội ngũ các cây bút trẻ phải biết dấn thân, thử sức mình ở nhiều phương diện để tìm ra những hướng đi mới: “Để có những sáng tác hay và xứng tầm về nông thôn thì ngoài đam mê, các nhà văn trẻ đó phải có sự bứt phá, vượt ra khỏi cái tầm của họ, thậm chí là mong muốn của họ.

Để hướng tới một giá trị vừa kích thích tạo nên một phong trào nhà văn trẻ sáng tác về nông thôn. Mong rằng các nhà văn trẻ sẽ tích cực tham gia các cuộc thi viết về nông thôn để tạo ra một phong trào bởi vì nông thôn bây giờ đang đặt ra những vấn đề rất bức thiết mà nhà văn trẻ cần quan tâm vì đó là cái cội rễ của đất nước.”

Nhà văn Thiên Sơn – tác giả của các tiểu thuyết “Đại gia”, “Dòng sông chết” bằng tình yêu sâu nặng với những câu chuyện, những số phận của người nông dân tin rằng nông thôn đang là mảnh đất vàng chờ đợi các ngòi bút đến cày xới: “Nếu mất đi của những cái đẹp cũ thì như vậy không toàn diện. Nhưng mỗi nhà văn chỉ đi vào một khía cạnh nào đó bởi vì nhà văn viết bằng rung cảm và nhà văn không nhất thiết phải viết tất cả vấn đề của đời sống xã hội. Tôi chưa thấy có nhà văn nào có thể viết về những cái mới của nông thôn và nếu như cố viết như một ý niệm áp đặt thì đôi khi nó không tạo được sự hấp dẫn trong văn chương. Nhưng đến một lúc nào đấy cái mới trở thành thân thuộc, trở thành trải nghiệm, trở thành cái gì máu thịt thì có thể lúc đó chính là khởi nguồn của những rung cảm mới.”

Trước tình trạng ngày càng khan hiếm các tác phẩm về đề tài này, tháng 4 vừa qua, Báo Nông thôn Ngày nay đã phối hợp với Hội nhà văn Việt Nam và Ban Văn học Nghệ thuật - Đài Tiếng nói Việt Nam phát động cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”. Cuộc thi là dịp tôn vinh người nông dân Việt Nam, cổ vũ tinh thần hăng say lao động, phát huy sáng tạo trong nông nghiệp cũng như bảo vệ các phong tục, văn hóa, nét đẹp của làng quê.

Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay hy vọng cuộc thi sẽ là cầu nối để công chúng quan tâm hơn tới nông thôn Việt Nam: “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là mọi người đừng lãng quên những giá trị của nông thôn, của làng Việt Nam – những nơi đã nuôi sống chúng ta từ 4000 năm nay và cho đến bây giờ cũng đang tiếp tục nuôi sống chúng ta)

“Làng Việt thời hội nhập” là cuộc thi có quy mô lớn nhất từ trước tới nay do Báo Nông thôn Ngày nay khởi xướng, hứa hẹn đánh thức tình yêu nông thôn của các cây viết. Qua đó, đời sống làng quê Việt với nhiều đổi thay tích cực có thể hiện lên sinh động trong các sáng tác cũng như tuyên dương các tấm gương điển hình về nông dân trên khắp đất nước. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu