Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình cảm của văn nghệ sỹ và nhân dân

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca nghệ thuật đã gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngoài đời. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình cảm của văn nghệ sỹ và nhân dân - ảnh 1"Bác Hồ với thiếu nhi" - tranh lụa của họa sĩ Đào Thế Am.

Tròn 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa và Người để lại cho chúng ta bản Di chúc thiêng liêng -  một văn kiện lịch sử vô giá. Cuộc đời và tư tưởng của Người đã được tái hiện sống động trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật.

Theo ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ kể lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết những dòng Di chúc đầu tiên vào 9 giờ sáng thứ hai, ngày 10/5/1965, đến 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết xong phần mở đầu. Ba ngày tiếp theo, cũng vào giờ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tiếp các phần còn lại. Ngày 14/5/1965, do buổi sáng có lịch đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Người chuyển viết Di chúc sang buổi chiều với thời gian gấp đôi. Đúng 16 giờ, Người đánh máy xong bản Di chúc và cho vào phong bì. Đến 21 giờ hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao chiếc phong bì cho người thư ký riêng và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”.

Và cứ đến ngày sinh nhật mình, ngày 19 tháng 5, chủ tịch Hồ Chí Minh lại đọc kỹ bản Di chúc, xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời và bổ sung thêm, theo tình hình của đất nước, theo diễn biến của cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam. “Bác bình yên viết Di chúc ngay giữa ngày sinh nhật”, “Lời văn trong suốt trong veo như nước mắt/ Cái nỗi đau đã lọc đến trong ngần” (Thơ Chế Lan Viên). Di chúc và toàn bộ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá để lại. Khát vọng của Người, mục tiêu mà Người mong muốn cũng chính là khát vọng, mục tiêu của mọi người dân Việt. Là một nhà nghiên cứu lịch sử văn học và thơ Hồ Chí Minh, giáo sư Phong Lê cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ của nhân dân trong ý nghĩa triệt để và toàn diện của nó: “Tôi cũng được sống những tháng năm có Bác, ít nhất đến năm 1969. Mình cũng là một thành viên con em trong đại gia đình dân tộc, và nhìn Bác như một con người rất cao cả, nói như Tố Hữu “Người là Cha, là bác, là anh”. Độc lập, tự do, hạnh phúc và thống nhất của Tổ quốc – đó là mục tiêu của cả cuộc đời Bác, cũng là ý nguyện chung của nhân dân. Bác là tổng hợp chung của dân tộc Việt Nam. Đó là lãnh tụ của nhân dân trong ý nghĩa triệt để và toàn diện. Nếu gọi một phong cách lớn trong cuộc đời Bác, thì đấy là sự giản dị, giản dị như chân lý, như ánh sáng”

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình cảm của văn nghệ sỹ và nhân dân - ảnh 2 Bác Hồ với các nghệ sỹ nhiếp ảnh. - Nguồn: Tư liệu

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, có biết bao tình huống, bao kinh nghiệm để lại. Xúc động nhất là những câu chuyện đời thường, cho thấy một lòng vì dân, lo trước nỗi lo của nhân dân. Thời điểm cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính quyền đã về tay nhân dân nhưng trước nạn thù trong giặc ngoài, giặc đói và giặc dốt, “quốc khố khánh kiệt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào “Hũ gạo cứu đói”. Người kêu gọi "Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Ðem gạo đó để cứu dân nghèo”.  Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện đúng như vậy, lấy phần gạo của mình tự tay đổ vào hũ gạo cứu đói. Hành động ấy cho thấy sự đồng cam cộng khổ của một vị lãnh tụ đối với nhân dân.

Thời gian tìm tư liệu để viết cuốn sách “Người suy nghĩ về tuổi trẻ”, nhà thơ Phạm Đức được tiếp xúc với ông Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, được nghe nhiều câu chuyện giản dị trong cách sống, cách làm việc, cách đối nhân xử thế của Người, từ đó ngẫm ra bao điều sâu sắc: “Ao cá nơi nhà sàn Bác Hồ ở, Người thả rất nhiều cá. Trong đó có con cá chép đuôi đỏ, Bác rất quý, thường cho nó ăn. Một lần Bác đi công tác, quay trở về không thấy con cá chép đuôi đỏ đâu, bởi vì bình thường nó hay xán lại gần Bác mỗi khi Bác cho cá ăn. Bác hỏi ông Vũ Kỳ, ông Vũ Kỳ họp anh em lại thì cũng không ai biết về con cá đó. Sau đó, ngày nào Bác cũng cho cá ăn, quả nhiên chừng nửa tháng sau con cá chép đuôi đỏ trở về. Nhân chuyện đó Bác nói: Chuyện cá cũng như chuyện người. Nếu anh không quan tâm chăm sóc thì nó sẽ bỏ đi đâu đó, làm cái gì đó. Nếu anh quan tâm thì nó sẽ trở về. Bác nhấn mạnh sự quan tâm chăm sóc, quan tâm tới từng chi tiết. Bác thường đưa những câu chuyện ra để nói, chứ Bác không ép buộc “anh phải thế này phải thế kia”  

Một trong những bài thơ đầu tiên rất thành công trong khắc họa hình tượng vị lãnh tụ của nhân dân, phải kể đến bài “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ. Bài thơ giản dị về câu chữ mà đạt hiệu quả nghệ thuật lớn, có sức cổ vũ động viên bao lớp bộ đội và dân công trên những nẻo đường kháng chiến.

Nhiều năm rồi, nhà phê bình Nguyên An vẫn còn nhớ rõ câu chuyện mà nhạc sỹ Trần Hoàn kể cho ông nghe, liên quan đến bài thơ này: “Nhạc sỹ Trần Hoàn kể lại, khoảng năm 1953 -1954, ông đi chiến trường, gặp một đơn vị dân công từ trong khu 4. Tết đến nơi rồi, họ cũng mỏi mệt và đặc biệt rất nhớ nhà. Nhiều người muốn xin được nghỉ Tết để về nhà, hoặc xin tạm dừng chân để tỏa vào các thôn xóm bên cạnh ăn Tết. Những vị chỉ huy trong đoàn dân công rất lúng túng. Mặt trận thì đang chờ từng lon gạo, từng thùng đạn.

Tình cờ hôm ấy nhạc sỹ Trần Hoàn có việc đi qua, mới nghỉ chân một chút và có ý định nghỉ đêm lại. Nghe xao xác sự việc như thế, nhạc sỹ Trần Hoàn nói với chính trị viên: “Anh hãy hợp đơn vị lại, trò chuyện giải thích cho anh em nghe. Tôi sẽ kể chuyện đi chiến dịch và hát cho anh em nghe”. Chính trị viên ngỡ ngàng, đang gian khổ thế này, đang đòi về thế này, giờ lại hát thì ai nghe. Nhưng vì nể nhạc sỹ nên chính trị viên cũng cho tập hợp đơn vị lại. Nhạc sỹ Trần Hoàn đứng lên, chào đơn vị và kể chuyện, kể dăm câu chuyện rồi ông vừa gảy đàn vừa đọc bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ. Ở dưới đang xôn xao bất chợt im hết. Lặng đi một lúc, cả đơn vị đứng bật dậy, vỗ tay rào rào, hoan hô. Chính trị viên nói: “Chúng ta lên đường thôi nhỉ”. Không ai bảo ai, tất cả cùng đứng dậy. Cả đoàn dân công rùng rùng chuyển động”

Hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca nghệ thuật đã gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngoài đời. Một cuộc gặp gỡ tự nhiên, và các văn nghệ sỹ không cần phải dụng công đã có ngay chất liệu quý để đưa vào tác phẩm. Với nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, trong 5 tập thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đều theo đuổi một từ “giản dị : viết giản dị về những điều giản dị: “Viết về Bác Hồ là một đề tài khó mà nhiều nhà thơ lớn đã viết rất thành công. Tôi là tầng lớp hậu sinh, trước hết là viết từ tấm lòng mình thôi. Tôi viết về những điều bình dị nhất mà chính những điều ấy làm nên những phẩm chất tuyệt vời nhất của Bác. Phong cách, lối sống, tư tưởng của Người đã dẫn dắt cả dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi. Ngày hôm nay có thể chúng ta đã quên mất những tháng năm gian khổ hy sinh của cả dân tộc và quên cả lời Bác, nhất là một số đồng chí trong Đảng có chức có quyền dần dần bị tha hóa, xa rời mục tiêu lý tưởng. Tôi nghĩ chính vì điều ấy mà ngày hôm nay, mỗi người cầm bút cần phải có trách nhiệm hơn để cùng với toàn Đảng toàn dân làm trong sạch lại bộ máy, sát cánh trong cuộc chống tham nhũng này, để nở hoa kết trái những điều tốt đẹp như Bác hằng mong đợi

Ở tuổi đôi mươi, đôi chân của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã thực hiện một hành trình vĩ đại trong 30 năm, đi qua gần 30 quốc gia để rồi mang ánh sáng của độc lập tự do trở về giải phóng quê hương. Trong suốt thế kỷ 20 đầy bão táp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vị trí lãnh tụ tinh thần, luôn sát cánh cùng quân và dân trên mọi đầu sóng ngọn gió, là nguồn động viên tinh thần vô cùng thiêng liêng ấm áp đối với tiền tuyến và hậu phương. Người đã trải qua bao đêm trắng, đau nỗi đau của nhân dân, hạnh phúc với hạnh phúc của nhân dân.

Tâm nguyện đi thăm miền Nam, Người chưa thực hiện được. Nhân dân miền Nam, nhân dân mọi miền đất nước đã thay Người thực hiện tâm nguyện đó, thực hiện Di chúc Người để lại với niềm biết ơn sâu sắc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu