Thơ trẻ Hà Nội và câu chuyện dấn thân

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Thơ trẻ đã thực sự dấn thân? Quả là một câu hỏi khó có đáp án duy nhất.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

“Nhận diện văn học trẻ thủ đô 10 năm gần đây” là tên gọi buổi tọa đàm trong khuôn khổ hoạt động thường kỳ của Hội nhà văn Hà Nội. Một buổi tọa đàm lấy người trẻ làm trung tâm, với phạm vi bàn luận khá rộng, song có lẽ cả người điều hành và người tham gia đều nghiêng về thơ. “Dấn thân” là một từ khóa được nhắc tới nhiều lần, cho thấy sự tin tưởng, kỳ vọng, hoặc một thực tế đang tồn tại đối với người viết hôm nay. Vả dẫu chưa được bàn thảo thỏa đáng, thì buổi tọa đàm cũng là dịp để người viết trẻ có thêm động lực đi tiếp con đường vốn cần nhiều đam mê và thử thách này.

Thơ trẻ Hà Nội và câu chuyện dấn thân - ảnh 1Tọa đàm “Nhận diện văn học trẻ thủ đô 10 năm gần đây” - Ảnh: Thành viên CLB Văn học trẻ Hà Nội

 “Sự thủy chung với văn chương của văn trẻ bây giờ kém hơn các thế hệ ngày xưa. Sự đón đợi văn trẻ hiện nay không được như trước, có nhiều lý do, nhưng có một lý do là một số cây bút có quan niệm văn chương chưa thật ổn lắm. Tôi mượn ý nhà thơ Hữu Thỉnh, là: Nhà văn trẻ giỏi thêu thùa cho bản thân mình mà kém vá may cho người khác. Văn trẻ đã thực sự dấn thân với cuộc sống với văn chương chưa? Tôi cho rằng tinh thần dấn thân này chưa cao. Trải nghiệm sống ít thì đã đành. Trải nghiệm văn hóa còn mỏng lắm” - Đây là nhận định của nhà phê bình Bùi Việt Thắng tại tọa đàm này.

Ông là người đầu tiên nhắc tới từ “dấn thân” khi trình bày tham luận “Đón đầu văn trẻ”. Một từ không mới, từng được nói đến trong nhiều hội thảo tọa đàm, song vẫn luôn cần thiết và tạo được hiệu ứng cho những bàn luận tiếp sau. Thơ trẻ đã thực sự dấn thân? Quả là một câu hỏi khó có đáp án duy nhất.

"Cho đến bây giờ, qua thời gian, qua đọc, qua viết, tôi thấy rằng việc sáng tạo thơ ca cũng giản dị, là cảm xúc ý tưởng của người viết thôi, và quan trọng là cách người viết diễn đạt như thế nào, việc lựa chọn ngôn ngữ như thế nào. Với tôi thơ chắc là khó nhất." - Nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Kim Nhung.
Với những cây bút đang độ tuổi lập thân lập nghiệp nơi thành thị, không phải ai cũng có thể dành toàn lực cho “công cuộc” chữ nghĩa này, như bày tỏ của cây bút Đặng Thiên Sơn: “Thơ trẻ Hà Nội 10 năm vừa qua đã có một lực lượng khá hùng hậu. Nhưng để nổi bật lên, hoặc tạo dấu ấn trong lòng bạn đọc, cũng như mang đến 1 tác phẩm thực sự có ý nghĩa, theo tôi là vẫn chưa có. Hạn chế lớn nhất của thơ trẻ hôm nay đó là tinh thần thời đại. Tính cộng đồng rất ít. Chủ yếu các tác giả đi vào bản thể, cá nhân, chia sẻ những nỗi buồn riêng tư lặp đi lặp lại. Nhiều tác giả hơi chủ quan trước những nhận định về mình, có thể làm một bài thơ được đăng báo, vài bài thơ lên face book hay một vài lời khen của các tiền bối đi trước là tự thấy mình đã thành danh”

Ở độ tuổi 30, Đặng Thiên Sơn từng trải qua nhiều công việc và vẫn âm thầm nuôi dưỡng tình yêu thơ ca, mong gặt hái những hoa trái ngọt ngào. Còn với cây bút trẻ Khúc Hồng Thiện, anh quan niệm “dấn thân” là một thái độ cần thiết đối với người viết chuyên nghiệp: “Đây là một công việc sáng tạo rất đặc biệt, văn chương là tự thân, chỉ khi mình trăn trở đau đáu với nó thì những ý tưởng sẽ nảy sinh.”

Thơ trẻ Hà Nội và câu chuyện dấn thân - ảnh 2Tác giả trẻ Khúc Hồng Thiện với hồn thơ thấm đẫm chất dân gian - Ảnh: Thành viên CLB Văn học trẻ Hà Nội.

Thế hệ thơ trẻ 8x Hà Nội khá đông đảo và sung sức. Đến thế hệ 9x, có lẽ chưa nhiều dấu ấn, chưa tạo thành đội ngũ, song họ vẫn rất tự tin bởi họ đang sở hữu tuổi trẻ - nguồn năng lượng vô cùng quý giá của thơ ca.

Khi quan sát những sáng tác trẻ,  cây bút sinh năm 1990 Nguyễn Thị Kim Nhung không đánh đồng giữa cái hoạt náo bên ngoài với cái sâu sắc bên trong: “Rất ít nhà thơ 9X xuất hiện. Thực ra cũng khó để giải thích lý do vì sao, nhưng theo tôi cuộc sống bâu giờ có thể có nhiều đam mê để các bạn lựa chọn. Với những gương mặt 9x mà tôi biết thì tôi thấy cũng rất đáng đọc. Ví dụ như bạn Nguyễn Khánh Duy, Pháp Hoan, Trần Quốc Toàn. Có lẽ những tên tôi vừa đọc là những bạn ít xuất hiện mà cá nhân tôi trong quá trình tìm đọc tôi phát hiện ra. Tôi nghĩ họ đã làm câu chuyện của sáng tạo khi tự tìm cho mình một hướng đi. Có thể những tác giả trẻ còn ở đâu đó, có thể họ chưa chọn thơ dù họ có khả năng. Nên tôi chưa thể gọi ra được nhiều cái tên những người viết cùng thế hệ mình.”

Thơ trẻ Hà Nội cũng nằm trong bầu khí quyển của thơ trẻ hôm nay, là tiếng nói của tuổi trẻ nhiều vùng miền hội tụ ở một thành phố lớn mang hơi thở Thăng Long nghìn xưa. Những vấn đề đặt ra trong thơ trẻ Hà Nội cũng không nằm ngoài câu chuyện của thơ hôm nay. Và có lẽ, ý nghĩa nhất vẫn là sự độc lập trong trang viết, là khả năng đi xa, khả năngtạo dựng được những dấu ấn riêng. Trong một thế giới vật chất và tốc độ, thơ vốn đã khó càng khó hơn. Có lẽ vậy nên nhà thơ Trần Quang Quý luôn dành cho các bạn trẻ sự động viên và khích lệ: “Hãy cứ viết, hãy cứ tung tẩy. Các bạn đừng sợ. Nhưng viết gi thì viết, phong cách gì thì phong cách, thi  pháp gì thì thi pháp, nhưng phải để kẽ hở cho bạn đọc thẩm thấu.”

Thơ trẻ Hà Nội và câu chuyện dấn thân - ảnh 3nhà thơ 8x Nguyễn Quang Hưng, hiện công tác tại báo Nhân dân. - Ảnh: Thành viên CLB Văn học trẻ Hà Nội.

Tự nhận mình không còn trẻ song luôn nhiệt tình với hoạt động của các bạn trẻ, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đặt ra những nội dung thiết thực để hỗ trợ các cây bút trẻ có điều kiện sáng tác tốt hơn, không quá cô độc trong hành trình chữ nghĩa: “Quá trình sáng tạo của mình những năm qua là quá trình tự thân rất lớn. Xét về khía cạnh nào đấy, nó cũng hoàn toàn đúng thôi. Nhưng tôi mong muốn rằng các bạn trẻ hiện nay không quá phải cô đơn trong hành trình sáng tác của mình, mà họ có thể nhận được sự lắng nghe sự chia sẻ và đồng hành hợp tác tốt hơn nữa của hội nghề nghiệp, của các cơ quan xuất bản, truyền thông, văn hóa của thành phố.”

Buổi tọa đàm nhận diện văn học trẻ  Hà Nội 10 năm trở lại đây vắng mặt những  nhà thơ thuộc lớp “đàn anh đàn chị” từng ghi dấu ấn trong thơ trẻ.  Sự vắng mặt này hình như cũng giảm bớt áp lực, tạo điều kiện cho các cây bút trẻ được bộc lộ mình mà không quá e dè, nhìn trước ngó sau. Nếu quan niệm sáng tác thơ như  một cách để nới dài cuộc sống, nơi trao gửi tâm tư và đam mê, giảm bớt những áp lực về đổi mới, cách tân, thành danh hay thành đạt, có lẽ thơ sẽ đến tự nhiên hơn,  như suối nguồn tươi trẻ cùng ta tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời.

"Tôi thấy rằng bản thân mình mới chỉ khơi được cái mà xã hội đang quan tâm thôi, còn cũng chưa nói lên được. Có thể do tài năng, do cái tầm của mình, do nhiều hạn chế bản thân mình nữa. Tôi cũng đang dấn thân để viết một cái gì đó mới hơn, khác hơn, và có thể không chỉ viết riêng về bản thân mình nữa". - Tác giả Đặng Thiên Sơn: 

"Không biết là có viết được nhiều tác phẩm hay hay không, nhưng mà tôi vẫn cứ chịu khó học chịu khó đọc, hàng ngày vẫn miệt mài cần mẫn với công việc. Tôi nghĩ người sáng tác hiện đại sẽ phải khác trước đây, phải nghĩ khác để viết khác"  - Tác giả Khúc Hồng Thiên

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu