Ra khỏi cổng trường Đại học Tổng hợp, khoa ngữ văn niên khóa 1963 -1967, người viết được “phân công công tác” về Tổng cục Thông tin thời chiến, thuộc Bộ Văn hóa, dưới quyền Tổng cục trưởng Nguyễn Minh Vỹ.
Nhà báo Đào Dục Tú |
Sau ba năm công tác tại phòng nội dung khu triển lãm TW Vân Hồ - Hà Nội trực thuộc Tổng cục Thông tin, người viết “đầu quân” về Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Miền Nam, dưới quyền hai thủ trưởng, thủ phó Lý Thái Bảo và Mai Thúc Long. Tuyên truyền vào Nam thời chiến tranh chia cắt thù hận, đòi hỏi người biên tập viên ngoài năng khiếu “văn chương” còn cần trước hết một vốn sống gián tiếp qua sách báo Sài Gòn thời bấy giờ để “tự hội nhập” cuộc sống thực tế “xa mặt nhưng không cách lòng”, cộng với vốn ngôn ngữ nói và viết theo giọng điệu phương ngữ Trung và Nam bộ từ vĩ tuyến 17 trở vào. Người viết đã nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu này nên có thể “làm mọi việc” từ lấy thông tin tư liệu trên sách báo Sài Gòn để viết bài hàng ngày, dựng truyện truyền thanh, gặp gỡ các văn nghệ sĩ.
Sau giải phóng, thống nhất đất nước; Đài lập ra Ban Khoa giáo để tuyên truyền “tình hình và nhiệm vụ mới”, người viết được “điều động cán bộ” sang chương trình có cái tên… rất thời sự đó để rồi qua năm 1978 trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung leo thang căng thẳng, lại được “tuyển vào nhóm” “lũ bốn tên” với Trương Cộng Hòa, Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Quốc Triều làm công việc biên tập bài vở tiếng Việt cho phòng biên dịch và phát thanh tiếng Trung Quốc! Như vậy là tạm xếp mình vào diện làm báo nói có đối tượng tuyên truyền là…thính giả thuộc “phía bên kia” sau này được gọi ẩn dụ là “bên thua cuộc”!
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp nhà báo Đào Dục Tú khi giữ cương vị Bí thư tỉnh ủy Hải Dương
|
Có lẽ vì lý do đó nên chỉ một thời gian sau quan hệ Việt - Trung trở lại… bình thường, người viết lại được lần nữa chuyển về làm báo ở Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc!
Chương trình này đầu tiên do “ông bạn đồng môn” (cùng khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội) khác… khóa Nguyễn Huy Dung đảm nhiệm. Huy Dung là dân chùa Thầy - Sài Sơn - Quốc Oai, xứ Đoài, nơi có thắng cảnh vào hàng nổi tiếng vùng đồng bằng sông Hồng, một vùng quê thơ mộng đã vào thơ Quang Dũng “bao giờ trở lại đồng Bương Cấn - về núi Sài Sơn ngó lúa vàng - Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc - Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng...”. Một bữa hai chúng tôi ngồi “chè chén năm xu”, “thủ trưởng tạm quyền” nói ý: Ông về chỗ chúng tôi thì vui quá!… Người viết vốn hay dài dòng văn tự, nói đại khái duyên văn tự vô hình có thể bền chặt cũng có thể dễ… thành ảo ảnh.
Thời đầu tiên đi lấy tin bên Thông tấn xã Việt Nam, tôi chưa có mặt; người viết về làm báo nói chương trình này khởi đầu gồm có các anh các bạn đồng nghiệp Thái Thuyên, Thu Nga, Song Phước, Thụy Chóng, Anh Trang, Huyền Yến, Hải Tần… dưới quyền trưởng phòng Việt Kiều - nhà báo Nguyễn Thắng Lộc vốn gốc “dân Đài Giải phóng - CP90”.
Tiêu chí của chương trình phát thanh này nói gọn là giới thiệu tình hình đất nước cho những người xa xứ “cập nhật”; những thành tựu của đất nước, những đặc trưng văn hóa và con người Việt Nam cao quý; những tác phẩm văn nghệ đậm đà “hồn quê” mà kiều bào muốn nghe… Một thời gian dài người viết “chuyên tâm” mấy tiết mục “câu chuyện với người xa quê”, “tiếng quê hương” và giới thiệu văn nghệ phù hợp với đối tượng kiều bào, trong đó có văn học, có lúc “đá sang” cả sân khấu.
Câu chuyện với người xa quê, dưới hình thức trao đổi, đối thoại, đôi khi nhiều tâm sự nữa, để nêu một vấn đề, giải thích một thắc mắc, hóa giải một ngộ nhận… do thiếu thông tin về Việt Nam và do những định kiến, thiên kiến khác biệt nhau trong suốt thời kỳ đất nước cắt chia thành hai vùng chiến tuyến đối đầu…
Về văn học nghệ thuật. Người viết đã gặp và phỏng vấn nhiều nhà văn nhà thơ kinh qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân, có những tác phẩm tiêu biểu để giới thiệu cho kiều bào, ví như Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai…và hàng loạt các cây bút trẻ thời bấy giờ như Nguyễn Quang Lập, Đỗ Hoàng Diệu, Lê Thị Minh Hà, ...
Nhà báo Đào Dục Tú phỏng vấn nghệ sĩ Lương Duyên, Trưởng đoàn chèo Hà Nam
|
Người viết “không chuyên” sân khấu, nhưng do đồng nghiệp Thu Nga “nghỉ sinh theo chế độ” nên có dễ nửa năm trời, được phân công tiếp nhận chuyên mục này. May mắn thay nhớ đến bác Tất Thắng, nhà nghiên cứu phê bình sân khấu ở Viện Văn Học! Thời gian cộng tác với bác, người viết đã đưa lên sóng nhiều bài nói chuyện “bình giải” về những màng miếng chèo, tuồng truyền thống đặc sắc để giới thiệu với kiều bào như là tinh hoa nghệ thuật Việt. Ví như Thị Màu lên chùa, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Ông già cõng vợ đi hội…
Không ít những thi phẩm “gần” với tâm cảm kiều bào như thơ của Nguyễn Bính, hay hàng loạt tác giả tài danh khác của văn chương Việt như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng… được những nhà giáo dạy văn, những người yêu thơ giới thiệu nhiệt tâm.
Đặc biệt “tiếng quê hương” chuyển tải tới thính giả kiều bào vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Người viết trực tiếp “bình giải” nhiều câu ca dao, thành ngữ, nhiều câu thơ kim cổ thuộc hàng “tuyệt diệu từ” cùng những “phương ngữ” thân thuộc trong nam ngoài bắc hay khúc giữa miền trung.
Nhà báo Đào Dục Tú, tên thường gọi là Đào Xuân Tân có trên dưới ba mươi năm làm việc tại Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc, thuộc Ban Đối ngoại (VOV5), Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thật khó có thể kể đủ về đơn vị tại vị cuối cùng của người viết ở cơ quan báo nói quốc gia. Trên dưới ba mươi năm biết bao nhiêu là chuyện nghề, chuyện đời đáng ghi lại, đáng nói ra, để trước hết thế hệ hậu sinh của chương trình phát thanh này xem như gợi ý của người đi trước, biết đâu tham khảo hữu ích cho con cháu mình cũng đang tại vị làm báo nói cho kiều bào ta - trên dưới năm triệu đồng bào trên khắp thế giới, “một bộ phận không thể tách rời của đại gia đình dân tộc Việt Nam".