NSND Phạm Minh Trí: Đắm mình trong thế giới tuổi thơ

Phương Thúy
Chia sẻ
(VOV5) - NSND Minh Trí, một tên tuổi của điện ảnh hoạt hình Việt, người làm phim với tinh thần say mê, nghiêm túc để cho ra đời những bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

NSND, đạo diễn Phạm Minh Trí là thế hệ thứ 2 của nền điện ảnh hoạt hình Việt Nam. Cùng thời với ông có những tên tuổi như đạo diễn Phương Hoa, Hà Bắc, Nhân Lập… Từng công tác tại Hãng phim hoạt hình Việt Nam, sau đó lại đầu quân về Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, gia tài của ông là hạng chục phim hoạt hình ở nhiều thể loại, cũng như nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá, trong đó phải kể đến “"Ông tướng canh đền", "Chuyện cổ thành ốc", “Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng”, "Người con của rồng".... 
NSND Phạm Minh Trí:  Đắm mình trong thế giới tuổi thơ  - ảnh 1NSND Phạm Minh Trí 

Năm 1967, khi vừa tốt nghiệp đại học, nghệ sĩ Phạm Minh Trí được phân công về công tác tại Hãng phim hoạt hình Việt Nam. Lúc ấy, ông tự nhận mình như một “lính mời vào nghề”, còn nhiều bỡ ngỡ, tất cả đều phải tự học, từ việc đơn giản nhất là tô màu đến cắt giấy làm nhân vật, học thêm về nghệ thuật diễn xuất… để nắm chắc đặc thù công việc làm phim hoạt hình. Tình yêu với hoạt hình với ông như “mưa dầm thấm lâu”. Cũng trong thời kì ấy, bầu không khí nghệ thuật của hãng phim rất sôi động. Ông và các đồng nghiệp của mình được kế thừa tinh thần sáng tạo của các nghệ sĩ gạo cội như NSND Trương Qua, NSND Ngô Mạnh Lân, NSUT Hồ Quảng, họa sĩ Lê Minh Hiền - những người đã đặt nền móng cho điện ảnh hoạt hình nước nhà.

Được hòa mình trong không khí sáng tạo ấy, nghệ sĩ Phạm Minh Trí bị cuốn vào lúc nào không hay, nhất là khi thực hiện bộ phim dài tập “Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng”: "Làm một cách say sưa với tất cả những gì mình đã ngấm, đã học được. Lần đầu tiên tham dự trong liên hoan phim lần thứ 2, mình cũng được bằng khen của liên hoan phim. Điều đó cũng thúc đẩy tôi lắm. Đấy là bộ phim đầu tiên thực hiện bằng công nghệ số một cách hoàn hảo nhất của hoạt hình Việt Nam." - Ông nhớ lại

Dường như những bộ phim đầu tay của đạo diễn Phạm Minh Trí đều bén duyên với giải thưởng. Với bộ phim “Giải nhất thuộc về ai”, ông giành giải Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3 và được gửi dự thi liên hoan phim tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Sự tự tin cứ tăng dần lên, nghệ sĩ Phạm Minh Trí dần tìm ra ngôn ngữ riêng của hoạt hình: "Hoạt hình là thế giới tưởng tượng rất nhiều khoa trương rất nhiều, giả định nữa, và hài hước. Nó là những yếu tố làm nên ngôn ngữ của nó và cũng để làm nên một bộ phim hay. Ngày xưa lực lượng viết cho thiếu nhi dồi dào, thậm chí có cả đội ngũ nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi: Tô Hoài, Nguyễn Kiên, Phong Thu… duyên dáng và chất văn học đậm lắm. Chất liệu như thế chuyển sang hoạt hình thì thuận lợi lắm, vì cái đế văn học rất chắc chắn, nhân văn, trẻ thơ. Đó là những điều kiện khá thuận lợi cho những đạo diễn hoạt hình lúc đó."

Nếu như phim dài tập “Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng” là bước ngoặt trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của đạo diễn Phạm Minh Trí gắn liền với thế giới đồng thoại cùng các hiện tượng xã hội hiện đại, thì đến phim “Người con của rồng” là một cơ hội để ông thực hiện những ước mơ với nghề. Đó là dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông tình cờ đọc được kịch bản của tác giả Đoàn Triệu Long, từ đó chuyển thể thành kịch bản phim hoạt hình, về thời niên thiếu của vua Lý Thái Tổ theo một cách lý giải riêng: "Mình cũng tạm hài lòng vì đã xây dựng được nhân vật Lý Công uẩn thời niên thiếu khá sinh động và được chấp nhận: cũng đánh nhau, đánh khăng, bơi lội,  học võ, cũng có một chút tình cảm thơ ngây với cô bạn gái. Tất cả những điều đó là chất liệu làm nên nhân vật. Lần đầu tiên phim hoạt hình ra rạp, dài 1,5 tiếng, mang tính chất là phim truyện hoạt hình có nhân vật, có sự phát triển tâm lý, tính cách, có mâu thuẫn, xung đột." - Ông nói,

Theo NSND - đạo diễn Phạm Ngọc Tuấn (Giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam), “Người con của rồng” là phim truyện hoạt hình dài 90 phút thực hiện bằng công nghệ 3D. Thời điểm năm 2010, đạo diễn Phạm Minh Trí đã có kinh nghiệm 40 năm trong nghề và một đề tài lịch sử khó như vậy càng thôi thúc đam mê trong ông: "Làm 3D ở thời điểm đó cũng khá vất vả bởi khi ấy nguồn nhân lực, máy móc còn nhiều hạn chế. Nhưng đạo diễn Minh Trí với đam mê nghề nghiệp của mình cùng với sự tận tâm, toàn ý, nỗ lực hết mình đã cho ra đời bộ phim dày dặn 90 phút. Sau đó mọi người mới nghĩ rằng sẽ tiếp tục có những phim hoạt hình dài để ra rạp. Ngoài những đề tài xã hội, những câu chuyện thú vị thì có lẽ đề tài lịch sử cũng là một đề tài có thể khai thác được."

Khi đã ở tuổi nghỉ hưu, NSND Phạm Minh Trí vẫn thường xuyên tham gia các hội đồng duyệt kịch bản, phim hoạt hình. Ông cho rằng điều kiện làm phim hiện nay tốt hơn ngày xưa rất nhiều, nhưng cái thiếu của hoạt hình nước nhà vẫn là những kịch bản hay, độc đáo. Bên cạnh đó, đội ngũ làm hoạt hình rất dồi dào, sáng tạo, có niềm say mê với những đề tài khó, nhưng dường như đang tản mát: 'Nhiều bạn trẻ có thể vẫn say sưa với hoạt hình hoặc họ cũng tự mày mò để họ làm những điều họ thích. Nhiều người tự làm mà không cần nhờ đến ai cả. Nhiều bạn trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực tranh comic có rất nhiều gương mặt lý thú, bộc lộ bản chất thế hệ của họ, rất sáng tạo, thu hút, trong đó có nhiều cái hợp với hoạt hình. Tuy vậy nó đang tản mát, chưa tập hợp thành sức mạnh." - Ông nói.

Làm những bộ phim hoạt hình cực ngắn nhưng ấn tượng, hay những bộ phim truyện hoạt hình để có thể ra rạp vẫn là điều mà các thế hệ làm phim hoạt hình Việt Nam đang hướng đến. Ông luôn tin rằng phim hoạt hình không chỉ dành cho trẻ em mà còn dành cho nhiều đối tượng khán giả. Đó là một động lực để phim hoạt hình Việt cất cánh . 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu