Lễ trao giải thưởng văn học sông Mê kông diễn ra với đủ màu cờ sắc áo của 6 quốc gia sống ở khu vực sông Mekong. Hơn 10 năm qua, từ ba thành viên ban đầu là Việt Nam, Lào, Campuchia thì nay đã có đủ 6 quốc gia của khu vực sông MeKong tham dự giải thưởng là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc.
Qua 9 lần tổ chức đã có hơn 100 tác phẩm được nhận giải. Đây được xem là kho tư liệu phong phú và sống động về cuộc sống và khát vọng của bao con người quần tụ trên một khu vực rộng lớn, sầm uất và phong phú do dòng MeKong bồi đắp lên.
Đoàn chủ tịch tại Lễ trao giải. - Ảnh: vannghequandoi.com.vn |
Nhà văn Fan-Wen, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cho rằng nền văn học Vân Nam chưa bao giờ bị dừng lại bởi mạch nguồn cảm xúc về chính đất nước và con người. Đồng thời nền văn hóa của các nước trong khu vực sông MeKong cũng thu hút được bút lực của những người viết chuyên nghiệp đã có đóng góp thông qua các tác phẩm văn học có giá trị.
"Giải thưởng văn học Mekong là chiếc cầu nối giao lưu với đông đảo các nhà văn thuộc lưu vực sông Mekong. Giải thưởng làm giàu có thêm nền văn học của chúng ta, như sông Mekong đã nuôi dưỡng bao người dân ven sông. Đảm bảo văn học có luồng suy nghĩ mới, dồi dào nhiệt huyết và tiếp tục nguồn cảm hứng sáng tạo mới. Giải thưởng giống như người mang thông điệp thiện chí cho giao lưu tình bạn, mang đến nền văn minh và cổ vũ niềm tin: Hãy viết tốt hơn về những khát khao chân thực, truyền cảm hứng tính yêu, củng cố niềm tin và tạo dựng tương lai tốt đẹp."
Hai nhà văn Thái Lan là Chok Chai Bun với tác phẩm Ngôi nhà cũ và Vi Cha Lu –Na Chai với tác phẩm Bờ trăng đã vinh dự được nhận Giải thưởng lần này. Theo chia sẻ của nhà văn Chok Chai Bun đã có một quá trình sáng tác lâu dài, có nhiều tác phẩm phản ánh về đất nước và con người của các nước sống ở tiểu vực sông MeKong. Tác phẩm Ngôi nhà cũ của Chok Chai Bun có nội dung phản ánh về lịch sử hào hùng của đất nước Việt Nam và nét độc đáo của các công trình kiến trúc ở Việt Nam.
"Ở Thái Lan thì không xét riêng một tác phẩm nào mà họ xét cả một quá trình. Tôi hay viết về cuộc sống và con người của 6 nước trong tiểu vùng sông Meekong từ Trung Quốc, Myanmar, Việt Nam, Lào, Thái Lan đến Lào và Campuchia. Tôi đã đến Việt Nam 4 lần và cảm thấy rất thân thiết vì tôi là người Thái gốc Hoa. Tác phẩm Ngôi nhà cũ được tôi đi sâu khai thác về lịch sử giữ nước anh dũng và kiến trúc đa dạng của người Việt".
Các tác giải có tác phẩm đoạt giải. - Ảnh: quandoinhandan.com. vn |
Hai nhà văn Việt Nam là Lê Văn Vọng với tiểu thuyết Nhịp cầu và Nguyễn Ngọc Mộc với tiểu thuyết Người về từ sông Nậm Nơn lại có những trang viết thấm đẫm tình cảm hữu nghị thủy chung giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, thông qua hình ảnh các chiến sĩ quân tình nguyện chiến đấu ở nước bạn Lào.
Cả hai nhà văn đều có những năm tháng sống và chiến đấu ở chiến trường Lào, chiến trường biên giới Tây Nam nên ký ức về cuộc chiếu đấu bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc và của các nước bạn láng giềng sẽ chẳng thể phai mời trong trí nhớ. Thông qua những trang văn sống động, đầy ắp tình cảm của nhân dân Lào, nhân dân Campuchia dành cho bộ đội Việt Nam, cả hai nhà văn đều mong rằng thế hệ sau hãy trân trọng gìn giữ mối quan hệ giao hảo anh em này.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc chia sẻ: “Chúng tôi trước đây là những người lính, chiến đấu ở bên Lào, lấy nhứng vốn đó ra để viết. Tiểu thuyết Nhịp cầu, có ý ẩn dụ cũng có ý thực tế. Đó là những người chiến sĩ Việt Nam sang chiến đấu ở Lào trước đây và những con người hiện nay sang xây dựng đất nước Lào, họ là những nhịp cầu để bắc nối tình đoàn kết giữa hai đất nước.
Còn nhà văn Lê Văn Vọng bồi hồi kể lại những kỷ niệm thời chiến đấu của mình: “Cuốn tiểu thuyết tôi viết về những cán bộ C19 công binh. Đầu năm 1960 chúng ta chiến đấu ở Lào, tất cả chiến sĩ hy sinh đều chôn ở Lào, phải đưa về nước chôn. Con đường đưa các chiến sĩ Sầm Nưa về nơi gần nhất là phải qua sông Nâm Nơn, một sông chảy rất xiết. Đơn vị của chúng tôi toàn cán bộ trẻ, không ai có thể chở một con thuyền độc mộc qua sông Nậm Nơn được nên chúng tôi phải nhờ nhân dân Lào. Sau một thời gian chúng tôi đưa thương binh tử sĩ qua sông, đưa về nghĩa trang thì địch phát hiện ra. Sau đó ném bom đơn vị của chúng tôi. Một số bị thương vong. Kể cả nhân dân Lào cũng chết ở đó. Có một đồng chí trong khe đá được phát hiện còn sống được đưa về nuôi dưỡng. Khi đồng chí này khỏe lại thì quên hết địa chỉ đơn vị. Sau này anh ấy trở thành người trong quân đội Lào, chiến đấu dũng cảm, hy sinh bên Lào nên bà con rất kính trọng”
Giải thưởng văn học sông Mekong đã trở thành biểu tưởng đẹp về sự đoàn kết, hợp tác giữa các nền văn hóa trong khu vực. Nếu sự bồi đắp của sông MeKong là tạo ra không gian sinh tồn và giàu có về mặt vật chất, thì Giải thưởng Văn học sông MeKong đã góp phần bồi đắp sự giao hảo, thân thiện của những người láng giềng cùng chung một nguồn nước và đề cao giá trị của các nền văn hóa cùng sinh sống trên một dòng sông.