Nghe âm thanh bài tại đây:
Nhạc kịch được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của tác giả Quyên & O, do Trung tâm Đào tạo & Nghệ thuật FFC thực hiện. Vở diễn quy tụ gần 200 diễn viên chuyên và không chuyên, phần lớn là thiếu nhi, sẽ mang đến món quà ý nghĩa cho các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu.
Nhân vật "ông bụt" trong nhạc kịch "Đồng dao cổ tích". Ảnh: VOV |
Kịch bản Đồng Dao Cổ tích được biên kịch O phóng tác dựa trên ý tưởng của tác giả Quyên Trần, kể về một cuộc đi lạc vào thế giới siêu thực của 2 chị em Thi Ca và Thi Họa. Đó là nơi của những nhân vật huyền thoại, như: Thánh Gióng, Mai An Tiêm, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, Cám... đang sinh sống.
Cuộc phiêu lưu của Thi Ca và Thi Hoạ mở ra những câu chuyện cổ tích độc đáo, đầy màu sắc được chính nhân vật kể lại.
Nghệ sỹ trình diễn Myra, biên kịch nhạc kịch "Đồng Dao cổ tích". Ảnh: VOV |
Theo nghệ sỹ trình diễn Myra, đồng tác giả, biên kịch chuyển thể kịch bản nhạc kịch “Đồng dao cổ tích”, mỗi cuộc gặp gỡ với các nhân vật chính là các câu chuyện được kể lại dưới dạng đồng dao với nhiều thể loại và cách thức biểu đạt khác nhau như nhảy, múa, hát, hoà tấu nhạc cụ: “Mỗi nhân vật cổ tích trong câu chuyện này đều mang một bài học và giá trị nhân văn riêng. Chúng tôi ứng dụng biểu hiện ý niệm, đưa vào đây cách kể mang tính chất khơi gợi. Mỗi một câu chuyện sẽ khơi gợi tính chất đặc biệt của nhân vật ấy. Ví dụ, Mai An Tiêm có tính chất đặc biệt là tính tự lập, kỹ năng sống sinh tồn tự do; Thánh Gióng là nâng cao tinh thần sức khỏe để đánh giặc”
Tác giả Quyên Trần. Ảnh: VOV |
Khác với các vở nhạc kịch đương đại, “Đồng dao cổ tích” mang đến không gian âm nhạc truyền thống với sự đa dạng các loại nhạc cụ dân tộc, các bản phối, hoà tấu hoàn toàn sử dụng chất liệu dân gian. Những làn điệu dân ca, hò, vè… xuất hiện trong từng phân cảnh, thể hiện đặc trưng của mỗi nhân vật cổ tích.
Bà Huyền Thanh, Tổng đạo diễn nhạc kịch “Đồng dao cổ tích”, chia sẻ: “Chúng tôi nhận được sự cố vấn của nhiều chuyên gia về dân tộc học, văn hóa tộc người. Các chuyên gia đã giúp chúng tôi trong tạo hình nhân vật, cũng như sử dụng nhạc khí ở giai đoạn những câu chuyện cổ xuất hiện. Ví dụ, Mai An Tiêm gắn với những vùng đất như Nga Sơn, Thanh Hóa, chúng tôi đưa vào chất liệu "Hò sông Mã" và các bộ gõ. Nhân vật Cám, chúng tôi đưa ra những chất liệu, như: những làn điệu cổ, hay như Sơn Tinh và Thủy Tinh, chúng tôi đưa vào các chất liệu, như: trống đồng Đông Sơn, những bộ tù và… Chúng tôi cố gắng phát huy tối đa việc sử dụng những nhạc cụ dân tộc trong vở nhạc kịch.”
Trong “Đồng dao cổ tích”, thế giới cổ tích không dừng ở những câu chuyện "ngày xửa ngày xưa" mà là một dòng chảy bất tận của những câu chuyện mới, nơi các nhân vật cổ tích tiếp tục sống và tương tác cùng con người hiện đại. Với yếu tố "cổ tích", dự án mong muốn góp một phần nhỏ bé đưa các hình tượng nhân vật cổ tích Việt sống lại trong thế giới hiện đại để khi nhắc tới, các em nhỏ sẽ có một hình dung cụ thể và thân thuộc về ông Bụt, Mai An Tiêm, Thánh Gióng…
Nhân vật "Sơn Tinh". Ảnh: VOV |
Vở nhạc kịch được chau chuốt kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, dàn dựng sân khấu, thiết kế trang phục, lựa chọn âm nhạc, và đặc biệt là lựa chọn diễn viên. Trong “Đồng dao cổ tích”, các nhân vật bước ra từ trong truyện sẽ do các diễn viên tài năng ở nhiều lĩnh vực, như: 2 dancer Nguyễn Khắc Quân và Lê Quang Vinh đảm nhận vai Sơn Tinh - Thủy Tinh; ca sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ Nguyễn Việt Dũng (Dũng Joon) trong vai Mai An Tiêm, nữ ca sĩ nhí Đồng Hiền Trang Anh vai Thi Ca…
Tham gia “Đồng dao cổ tích”, bạn Đinh Trần Khánh Vy trong vai “Cám”, chia sẻ: “Tôi cảm thấy vai diễn này khá đặc biệt, khác hoàn toàn với nhân vật Cám trong truyện cổ tích từng nghe. Đây cũng là một thử thách đối với bản thân tôi khi nhập vai với một nhân vật hoàn toàn mới. Trong vở nhạc kịch này nhân vật này hiền lành, chúng ta sẽ thấy được những mặt khác của Cám, là một người có ước mơ, cũng dám ước mơ và cố gắng để thực hiện ước mơ.”
Nội dung mới lạ, hấp dẫn, gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, nhạc kịch “Đồng Dao Cổ Tích” không chỉ là món quà đặc biệt dành tặng cho các bạn nhỏ trong dịp tết Trung thu mà còn khơi mở dòng chảy của văn hóa và tâm hồn Việt từ trong thế giới cổ tích.