Nguyễn Đình Thi – Bát ngát ánh bình minh

Võ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Sinh thời nhà thơ Nguyễn Đình Thi sáng tác nhiều thể loại như triết luận, tiểu luận, các tác phẩm văn xuôi, kịch, nhạc. Thế nhưng, có lẽ dấu ấn sáng tạo của ông thể hiện rõ nét nhất qua thơ.

Nghe âm thanh bài tại đây:

 
Nguyễn Đình Thi – Bát ngát ánh bình minh - ảnh 1Nhà thơ Nguyễn Đình Thi - Ảnh: tư liệu

Năm nay – 2024 - cũng là đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Đây là dịp để giới nghiên cứu và công chúng hôm nay nhìn lại di sản của một trong những tên tuổi của giới văn nghệ nước ta.

Nguyễn Đình Thi được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996. Ông mất năm 2003 tại Hà Nội. Từ năm 2020, Giải thưởng văn học nghệ thuật thường niên mang tên Nguyễn Đình Thi đã được khởi xướng, trao tặng cho những tác giả có nhiều đóng góp cho nhân dân, đất nước trong các lĩnh vực văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, phê bình nghệ thuật.

Sinh thời nhà thơ Nguyễn Đình Thi sáng tác nhiều thể loại như triết luận, tiểu luận, các tác phẩm văn xuôi, kịch, nhạc. Thế nhưng, có lẽ dấu ấn sáng tạo của ông thể hiện rõ nét nhất qua thơ. Riêng ở mảng sáng tác thơ, nhà thơ Nguyễn Đình Thi thể hiện lối tư duy đổi mới, riêng có. Thơ ông tự do, phóng khoáng mà vẫn hàm súc, sâu lắng, suy tư và có nhiều tìm tòi theo hướng hiện đại. Điều này đã được khẳng định trong tọa đàm khoa học Nguyễn Đình Thi – “Bát ngát ánh bình minh” mới đây diễn ra tại Khoa Văn học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Tên tọa đàm khoa học “Nguyễn Đình Thi” – Bát ngát ánh bình minh” được gợi cảm hứng từ câu thơ trong bài thơ nhan đề “Đất nước”: “Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội/ Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh/ Trán cháy rực nghĩ trời đất mới/ Lòng ta bát ngát ánh bình minh”.

Từ năm 2020, Giải thưởng văn học nghệ thuật thường niên mang tên Nguyễn Đình Thi đã được khởi xướng, trao tặng cho những tác giả có nhiều đóng góp cho nhân dân, đất nước trong các lĩnh vực văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, phê bình nghệ thuật. 
PGS.TS Hà Văn Đức đánh giá về hành trình đổi mới thơ ca của nhà thơ Nguyễn Đình Thi – Một hành trình đã đi đến những thành tựu được khẳng định qua thời gian. Theo ông nhà thơ Nguyễn Đình Thi thuộc thế hệ người sáng tác trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Và kịch và thơ là hai trong số nhiều thể loại thể hiện rõ hành trình đổi mới của Nguyễn Đình Thi. Với thơ, ông là người đưa ra được quan niệm mới mẻ về thơ tự do, thơ không vần. Nhà thơ nhấn mạnh cảm xúc trong sáng tạo. Đó là nguyên do gây nên cuộc tranh luận Văn nghệ Việt Bắc năm 1949.

Trên hành trình sáng tạo với một lối đi riêng, sinh thời nhà thơ Nguyễn Đình Thi cùng những bài thơ của ông đã gặp không ít những chướng ngại, khúc khuỷu, gập ghềnh. Thế nhưng, đi qua hai cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc, tài năng, chỗ đứng của Nguyễn Đình Thi cùng dư vang những sáng tác của ông vẫn còn ở lại. Tọa đàm khoa học “Nguyễn Đình Thi” – Bát ngát ánh bình minh” đã chỉ ra được phần nào điều đó.

Một trong những chướng ngại trên hành trình sáng tác thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi xảy ra khi ông là một trong những đối tượng chính của tranh luận văn nghệ Việt Bắc năm 1949. Những bài thơ không vần thời đầu kháng chiến của ông đã bị đưa ra mổ xẻ. Cũng tại tranh luận này, nhà thơ Nguyễn Đình Thi thẳng thắn trình bày quan niệm sáng tác, về thể “thơ tự do” và cho rằng: “Có vần là một lợi khí rất đắc lực cho sự truyền cảm. Nhưng không phải hết vần là hết thơ…Những bài thơ cũ, cùng một nhịp đều đều, tôi không chịu được”.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nói thêm về tinh thần cuộc tranh luận năm 1949, từ đó soi chiếu tới cách nhìn của công chúng hôm nay về bản sắc và giá trị của thơ Nguyễn Đình Thi. Từ thời đó, nhà thơ đã tự giải phóng ra khỏi ranh giới của sáng tạo.
Nguyễn Đình Thi – Bát ngát ánh bình minh - ảnh 2Các nhà nghiên cứu, nhà giáo tham gia cuộc tọa đàm khoa học Nguyễn Đình Thi - bát ngát ánh bình minh.

Tọa đàm khoa học “Nguyễn Đình Thi” – Bát ngát ánh bình minh” đã gợi nhắc lại các tác phẩm thuộc nhiều thể loại của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Trong đó, thơ được đánh giá là thành tựu đậm nét nhất trong hành trình sáng tạo của ông.

PGS.TS Phạm Thành Hưng cho rằng thơ ca đã trở thành dấu ấn độc đáo, riêng có trong di sản nhà thơ Nguyễn Đình Thi để lại cho đời sau. Bài thơ nhan đề “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi được PGS.TS Phạm Thành Hưng đánh giá là đỉnh cao trong sáng tác của ông. Thế nhưng, chúng ta nên nhớ rằng bản sơ khai của bài thơ được đặt tên là “Sáng mát trong như sáng năm xưa…” với những câu thơ tự do mang nỗi buồn nao nao của trời đất và lòng người ở chiến khu khi nhớ về Hà Nội. Bài thơ “Đất nước” được phát triển, nhuận sắc từ tứ thơ ban đầu “Sáng mát trong như sáng năm xưa…” đã trở nên trọn vẹn, vần điệu hơn rất nhiều.

Nguyễn Đình Thi sinh năm 1924 tại Thành phố Luông Pha Băng, nước Lào. Quê ông ở làng Vũ Thạch (nay là phố Bà Triệu), Hà Nội. Nguyễn Đình Thi tham gia kháng chiến và giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng. Sinh thời, ông được xem là một nghệ sĩ đa tài, sáng tác nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình, ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp giá trị. Nguyễn Đình Thi là tác giả của nhiều tiểu thuyết như Vỡ bờ, Mặt trận trên cao, các vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Con nai đen, Giấc mơ người thương binh… Nhiều tiểu luận phê bình văn học, nhiều bài thơ hay như Đất nước, Lá đỏ… cùng hai bản nhạc nổi tiếng là Diệt phát xít và Người Hà Nội. Nguyễn Đình Thi được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996. Ông mất năm 2003 tại Hà Nội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu