Nghe âm thanh bài tại đây:
Cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng đã chọn được hai giải nhì và một giải ba để trao giải vào cuối tháng 11 vừa qua, sau 6 tháng phát động. Đây là cuộc thi thu hút sự chú ý của giới kiến trúc sư trong nước, đặc biệt là những kiến trúc sư trẻ đang sống và làm việc tại Hà Nội, mong muốn cống hiến cho Hà Nội. Khi cuộc thi kết thúc lại mở ra nhiều vấn đề được giới kiến trúc sư vô cùng quan tâm, liên quan tới việc quy hoạch và ứng xử với thiên nhiên, môi trường, với Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Ý tưởng về công viên văn hóa đa chức năng lại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng cho thấy khát vọng và cả tham vọng quy hoạch, khai thác một vùng cảnh quan đô thị rộng hàng trăm nghìn ha với những đặc trưng riêng biệt, độc đáo về vị trí địa lý và lịch sử văn hóa.
Cầu Long Biên nhìn từ bãi giữa sông Hồng - Ảnh: truyenhinhdulich.vn |
Vượt lên khuôn khổ một cuộc thi, câu chuyện ứng xử với sông Hồng như thế nào thu hút sự chú ý của giới kiến trúc sư trong nước, như bày tỏ của KTS Nguyễn Tuấn Anh – Văn phòng kiến trúc Agohub: "Câu chuyện này đã vượt khuôn khổ một cuộc thi, trở thành một câu chuyện chung, một vấn đề của Thành phố Hà Nội cũng như nhiều thành phố có bối cảnh tương tự. Chúng ta cần phải suy nghĩ về những không gian như sông Hồng, như bãi giữa, hay bờ vở, những khu vực rất nhạy cảm, rất khó khăn trong việc tổ chức quản lý và khai thác, nếu như không có sự đồng thuận, không có tính khoa học, không có những phương án cân đối giữa vấn đề cảnh quan với vấn đề bảo tồn hay phát huy những điểm mạnh. Về điều này sẽ có rất nhiều quan điểm khác nhau."
Khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng vốn là một phần máu thịt của Hà Nội, là nơi duy nhất cận kề với vùng lõi đô thị cổ còn giữ được vẻ hoang sơ kết nối thiên nhiên và con người. KTS Trần Phương đồng tình với những ý kiến cho rằng nếu Hà Nội phát triển vùng hai bên sông Hồng thì đây sẽ là không gian vô cùng đáng giá: "Đây là không gian rất quý. Khi Hà Nội có kế hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng, không gian này thực sự đáng giá. Khoảng 2014, tôi đã nghĩ đến một giải pháp là sẽ xây dựng những mố cầu, làm những công trình kiến trúc cực kỳ hiện đại phía trên có thể thu hút những tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới về đó đầu tư, còn phía dưới bờ sông Hồng là một công viên tự nhiên gắn với lịch sử, gắn với những câu chuyện về dòng sông Hồng và nền văn minh lúa nước."
Một công trình kiến trúc lớn kết nối hai bờ thành phố hẳn sẽ đem tới nhiều lợi ích về cảnh quan, về thương mại, du lịch, dịch vụ. Và sẽ cần rất nhiều kinh phí để thực hiện, cũng như phải cần rất nhiều thời gian để hoàn thiện.
Song, trong trường hợp này, tiền không phải là yếu tố đầu tiên để tính toán, cân đong. Bởi có những điều không mua được bằng tiền, và nếu sai lầm về quy hoạch, xây dựng, thì hậu quả không thể đo đếm được.
Khi có tác động của con người và của hàng ngàn hàng triệu tấn vật liệu xây dựng, những yếu tố địa chất ấy sẽ bị biến đổi như thế nào? Dòng chảy có bị thay đổi? Vùng thoát lũ của thủ đô sẽ ra sao? Mùa phù sa nào còn dội về cho cây cối xanh tươi? Bầu không khí, thảm thực vật, những loài chim trời có được bảo vệ trước những đoàn người náo nức đổ về vui chơi, ăn uống, nói cười và xả rác?
Bãi giữa sông Hồng mùa lụt (Ảnh chụp ngày 22/7/2018) - Ảnh: Minh Quyết/ TTXVN |
Cùng với ý nghĩa lịch sử - văn hóa - nghệ thuật gắn với dòng sông, gắn với thủ đô và vùng đồng bằng ngàn năm tuổi, khu vực này có đặc trưng địa lý riêng về cảnh quan sinh thái, nền đất, phù sa, dòng chảy. Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh – giảng viên Trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần phải giữ chất bán hoang dã của vùng ven sông Hồng, không nên toan tính vì mục đích kinh tế.
"Đừng toan tính những vùng đất như thế này để đưa vào kinh tế. Nếu tính như thế sẽ làm mất đi sự dũng mãnh của nó. Bởi vì diện tích khu vực này có mấy trăm ha thì không là gì so với quy mô của một Hà Nội mở rộng. Nên giữ lại không gian bán hoang dã này. Và khi chúng ta thấy một không gian bán hoang dã nằm cạnh một đô thị hiện đại với các nhà cao tầng, với các hệ thống cầu đường cùng tiện nghi của đô thị thì sự tương phản này sẽ tạo nên cho Hà Nội một câu chuyện cực kỳ thú vị và đặc biệt là một sự ngạo nghễ mới." - Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh nói.
Hà Nội thời đổi mới đã chứng kiến quá nhiều mất mát, biến dạng về cảnh quan và các công trình xây dựng. Những khu đô thị mới mọc lên nhằm giảm áp lực cho vùng nội đô thì lại chỉ nhăm nhăm khai thác thương mại, bỏ quên yếu tố con người. Một không gian xanh bát ngát, rộng mở, nối đất với trời với nước là cả một niềm mơ ước lớn lao và đẹp đẽ, chỉ nghĩ đến cũng đã có thể mỉm cười hạnh phúc.
Song hạnh phúc vốn càng viên mãn thì áp lực càng nặng, cơ hội càng lớn thì rủi ro càng nhiều.
Hà Nội đã gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của Unesco. Hà Nội đang ủ ấp nhiều kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa. Giấc mơ về công viên đa chức năng, không gian sáng tạo rộng mở lớn nhất Hà Nội, tôn trọng, thân thiện và bền vững với môi trường – để giấc mơ ấy trở thành hiện thực thì cần lắm những tính toán chuyên môn, những tiếng nói phản biện độc lập từ nhiều phía. Và tất nhiên sự bền vững là yếu tố đầu tiên mà những người quản lý đô thị phải tính đến. Thực tế lịch sử đã chứng minh sự bền vững là yếu tố đầu tiên để phát triển.
Và chúng ta không được quyền thử thách Hà Nội, thử thách sông Hồng thêm một lần nào nữa.