Quỳnh Dao - bà hoàng tiểu thuyết lãng mạn tiếng Hoa thế kỷ 20: “Đã bừng sáng trọn vẹn”

Thúy Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Di sản Quỳnh Dao để lại cả trong lĩnh vực văn chương, điện ảnh, truyền hình, có sự phổ cập đại chúng rộng rãi tại Châu Á.

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Thành Tuấn:

 Ngày 4/12, báo chí Đài Loan (Trung Quốc) đồng loạt đưa tin nữ văn sĩ Quỳnh Dao, cây bút nổi tiếng của văn học lãng mạn, tiểu thuyết ngôn tình tiếng Hoa đã tự chọn cách ra đi ở tuổi 86. Khẳng khái từ chối sự quyết định của số phận cho mình, bà tự chọn cách vĩnh biệt cuộc đời như bà nói “đã bừng sáng trọn vẹn”.
Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết, sinh năm 1938 ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc đại lục, lớn lên và sinh sống tại Đài Loan. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tập danh giá, thừa hưởng năng khiếu viết văn từ mẹ, năm 16 tuổi, Quỳnh Dao viết bộ tiểu thuyết đầu tay mang tên Vân ảnh. 8 năm sau, viết gần 100 tập truyện ngắn, 2 bộ tiểu thuyết Tầm mộng viện và Hạnh vân thảo. Ngoài bút danh Quỳnh Dao, bà có các bút danh khác như: Phượng Hoàng, Tâm Như.  

Những năm 1970 đánh dấu thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp của Quỳnh Dao khi hàng loạt tiểu thuyết như Một thoáng mộng mơ, Hải âu phi xứ, Mùa thu lá bay... được xuất bản. Các tác phẩm đều khắc họa những câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng đầy ngang trái.

Quỳnh Dao - bà hoàng tiểu thuyết lãng mạn tiếng Hoa thế kỷ 20: “Đã bừng sáng trọn vẹn” - ảnh 1Nhà văn, nhà biên kịch, sản xuất phim Quỳnh Dao thưở sinh thời (bên phải). - Lâm Tâm Như (bên trái) sau vai diễn Hạ Tử Vy trong phim Hoàn Châu cách cách, chuyển thể từ tiểu thuyết của Quỳnh Dao, đã trở thành ngôi sao hàng đầu của phim truyền hình Hoa ngữ. - Ảnh: Báo Đời sống Pháp luật

Tiểu thuyết đầu tiên ghi dấu thành công rực rỡ của Quỳnh Dao với bạn đọc đại chúng trong dòng văn chương lãng mạn, là cuốn “Song ngoại”, phát hành năm 1963.

Tại Việt Nam, “Song ngoại” cũng là cuốn truyện đầu tiên của Quỳnh Dao được NXB Hàn Thuyên in và phát hành tại Sài Gòn vào năm 1970, do dịch giả Liêu Quốc Nhĩ chuyển ngữ. 

Như trong cuộc trò chuyện với nhà thơ Du Tử Lê (trên tạp chí Văn) thời kỳ này, dịch giả Liêu Quốc Nhĩ cho biết, thoạt đầu truyện Quỳnh Dao được phát hành cũng rất nhỏ giọt và khó khăn, phải qua một thời gian, mới bùng nổ thành hiện tượng tại miền Nam.

Tại cuộc trò chuyện này, dịch giả Liêu Quốc Nhĩ khẳng định: “Như tôi biết, ở Trung Hoa, Quỳnh Dao không phải là nhà một văn lớn. Theo tôi, cô ta có lối viết “mềm,” dễ gây xúc động cho người đọc. Cô luôn cho tràn ngập trong truyện của cô tình thương giữa người với người… Tôi thấy cần phải nói ngay rằng, chúng ta không đòi hỏi hay chờ đợi giá trị văn chương cao trong truyện Quỳnh Dao. Là một dịch giả dịch nhiều nhất truyện Quỳnh Dao qua tiếng Việt, tôi có thể khẳng định, tiểu thuyết của cô, không có điều đó.”

Những năm 70 cho đến trước ngày thống nhất đất nước, văn học miền Nam phát triển đặc biệt mạnh mẽ mảng sách dịch. Và trong đó, nổi bật nhất là hiện tượng tiểu thuyết Quỳnh Dao, được giới nghiên cứu văn học và báo chí thời kỳ đó thừa nhận mức độ tiêu thụ như “cơn bão”. Sách của Quỳnh Dao bán chạy tới mức thậm chí giai đoạn này, đã có hiện tượng các NXB tư nhân thuê người viết truyện na ná phong cách Quỳnh Dao và ghi tên bà là tác giả.

Trong tạp chí Văn “Hiện tượng sách dịch”, số ra ngày 08/06/1973, dịch giả Liêu Quốc Nhĩ có chia sẻ nguyên nhân mà, theo ông, sách truyện Quỳnh Dao trở nên bán chạy như vậy tại miền Nam: “Cũng có thể vì lúc bấy giờ mọi người đều mệt mỏi vì chiến tranh, thích một cái gì nhẹ nhàng dễ đọc, nên Quỳnh Dao đột ngột trở thành hiện tượng..”

“…Chuyện Quỳnh Dao trở thành một hiện tượng theo tôi là một chuyện tự nhiên xảy ra theo chu kỳ nhu cầu của độc giả. Nhiều lúc đọc loại sách bắt trí óc làm việc nhiều quá như loại tư tưởng hay triết học cũng mệt mỏi, do đó cũng cần có sách nhẹ nhàng để đọc. Hầu hết truyện của Quỳnh Dao là chuyện tình bối cảnh xã hội là bối cảnh của phương đông trong đó tư tưởng đông và tây đang xung đột, rất gần gụi với cái không khí của xã hội ta. Đọc một cuốn sách, người ta khó đứng ở vị trí khách quan của người đọc để xét đoán, nhất là loại tiểu thuyết, độc giả thường hòa mình vào đời sống của nhân vật, vui với cái vui, cũng như buồn với cái buồn của họ. Bối cảnh của sách Quỳnh Dao là bối cảnh phương đông thì làm sao chẳng được độc giả đón nhận nồng nhiệt.” - dịch giả Liêu Quốc Nhĩ viết.

Được coi như nữ hoàng dòng tiểu thuyết ngôn tình tiếng Hoa thời kỳ đầu, với loạt tác phẩm ăn khách như: Song ngoại, Kỷ độ tịch dương hồng, Bên dòng nước, Mùa thu lá bay, Mỏi mắt ngóng trông, Hoàn Châu cách cách, Dòng sông ly biệt, Xóm vắng vv…;

Năm 1985, Quỳnh Dao bắt đầu chuyển thể các tác phẩm của mình thành phim truyền hình. (Theo reading udn.com thì Quỳnh Dao sáng tác 61 tác phẩm văn học, biên kịch 51 phim (điện ảnh) chuyển thể và 25 phim truyền hình chuyển thể.) 

Những năm 1980 được xem là thời kỳ hoàng kim của Quỳnh Dao khi các tiểu thuyết của bà liên tục được chuyển thể thành phim và nhận được sự yêu mến rộng rãi ở Đài Loan Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác

Bà cũng thành lập những công ty sản xuất phim và có vai trò quyết định trong việc tuyển chọn diễn viên chính cho nhiều bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của mình. Hai bộ phim Dòng sông ly biệt (1986) và Hoàn Châu cách cách (1998) là hai tác phẩm đình đám, đưa tên tuổi bà lên đỉnh cao của ngành giải trí Hoa ngữ.

Những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Quỳnh Dao đã góp phần làm nên tên tuổi của hàng loạt diễn viên Hoa ngữ đình đám, hầu hết nữ chính trong phim của bà đều là sao hoặc trở thành ngôi sao.

Đối với đại đa số độc giả/khán giả Việt Nam sau 1975, tên tuổi Quỳnh Dao được đại chúng biết tới nhiều hơn chính qua các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của mình.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu